Cứ yêu nghề đi, rồi nghề yêu mình

09:07, 05/07/2018

Ngoài 30, Lê Mỹ Ái đã sở hữu nhiều giải thưởng chất lượng về sách mà bất cứ biên tập viên (BTV) nào cũng mơ ước như một minh chứng hùng hồn nhất cho "đẳng cấp" của mình trong nghề. Sách của Ái góp phần làm ra, không chỉ thuyết phục được giới chuyên môn mà còn chiều lòng được đông đảo thị hiếu độc giả ngày càng kén chọn.

Ngoài 30, Lê Mỹ Ái đã sở hữu nhiều giải thưởng chất lượng về sách mà bất cứ biên tập viên (BTV) nào cũng mơ ước như một minh chứng hùng hồn nhất cho “đẳng cấp” của mình trong nghề. Sách của Ái góp phần làm ra, không chỉ thuyết phục được giới chuyên môn mà còn chiều lòng được đông đảo thị hiếu độc giả ngày càng kén chọn.
 
BTV Lê Mỹ Ái
BTV Lê Mỹ Ái
Nghề sẽ yêu bạn, khi...
 
- Gia đình chị có truyền thống nghề nhà giáo, chị được định hướng làm một cô giáo dạy văn, tại sao lại “nhảy bổ” vào nghề biên tập - được xem là nghề đứng sau thành công của người khác, nhưng khi có “họa” thì đa số biên tập lại phải chịu trách nhiệm, bị rút thẻ… Nghĩ lại có khi nào chị nuối tiếc hay cảm giác chạnh lòng?!
 
Lê Mỹ Ái hiện là BTV NXB Kim Đồng. Chị là BTV của những cuốn sách nổi tiếng: Truyện kể hằng đêm dành cho các cô bé cá tính (NXB Kim Đồng, hiện đang là sách best seller, cháy hàng trên Tiki sau chưa đầy một tuần phát hành), 68 ngộ nhận và giác ngộ về Nuôi con bằng sữa mẹ, Nuôi dạy con kiểu Nhật Bản, Con gái Bà Triệu thế kỷ 21... Nhiều sách do chị biên tập đoạt giải thưởng uy tín Giải thưởng sách Việt Nam, có số lượng in lên tới hàng vạn bản.

 - Tôi được sinh ra trong một gia đình mà hai bên nội ngoại mấy đời làm nghề nhà giáo. Với một truyền thống gia đình như vậy, bố mẹ dù không ép buộc gì nhưng vẫn mong tôi tiếp tục theo nghề dạy học này. Chỉ có điều, sau khi ra trường, tôi thấy không phù hợp với vai một cô giáo hiền. Từ bé đến lớn tôi đã đọc rất nhiều sách, và có ước ao được gần gũi với những con chữ, gần gũi với sự sáng tạo. Có lẽ là một mối duyên trời định nào đó, tôi đã “nhảy bổ” vào nghề biên tập sách, vật vã với nó, yêu nó đến tận ngày hôm nay và không hề có ý định chuyển sang công việc khác.

 
Nghề biên tập sách không phải là nghề “dễ nhằn”, đòi hỏi có sự tích lũy kiến thức văn hóa rộng, cần sự chỉn chu, trau chuốt từng câu chữ, lại phải biết phát hiện đề tài và thuyết phục các cộng tác viên. Biên tập viên như một bà đỡ cho các tác phẩm, lúc thành công thì người ta chỉ biết đến tác giả, khi có bất kì lỗi gì xảy ra trong sách, người ta sẽ nhắc ngay đến biên tập viên, và biên tập viên sẽ là người lãnh trách nhiệm nhiều nhất. Tuy nhiên, những điều đó có nghĩa lý gì đâu. Nghề biên tập viên cho tôi được gặp gỡ những chuyên gia hàng đầu ở các lĩnh vực, những học giả uyên thâm. Nhiều lúc đi đặt các cộng tác viên viết tác phẩm theo ý tưởng của mình, nhưng tôi lại vỡ ra được nhiều đề tài mới, có khi bị tác giả xoay vần theo ý của họ, rồi nhận ra, ồ, phải thế chứ, cách của họ mới là chuẩn nhất. Thú vị lắm, khi được tiếp xúc với nhiều người giỏi. Rồi mình lại chắp cánh cho những điều hay đó bằng cách trau chuốt cho những tác phẩm được đến tay độc giả. 
 
Tôi hay nói hài hước rằng, cứ yêu nghề đi, rồi nghề sẽ yêu mình.
 
- Chị rất mát tay với những cuốn sách được cả thị trường đón nhận và giới chuyên môn đánh giá cao. Bằng chứng là không ít cuốn sách của chị được giải Sách Việt Nam, tái bản nhiều lần, có số lượng in hàng vạn bản - là con số đáng mơ ước với bất kì nhà làm sách nào. Chị có bí quyết gì để có thành công này không?
 
- Càng nhiều năm trong nghề biên tập sách, tôi càng thấy câu “Học hỏi không bao giờ là thừa” luôn đúng. Tôi học nghề từ những biên tập viên kì cựu của thế hệ trước, họ có kinh nghiệm và sự chuẩn mực trong câu chữ. Tôi học các cộng tác viên của tôi những kiến thức vô cùng uyên thâm và phong phú. Ở tác giả, họ có một lượng kiến thức khổng lồ. Ở dịch giả, đó là khả năng ngoại ngữ rất tốt, họ có thể phát hiện và giới thiệu đến mình những cuốn sách rất hay của các nước. Tôi còn học bằng cách nắm bắt thị hiếu độc giả và phân tích thị trường sách. Cuốn sách “Nuôi dạy con kiểu Nhật Bản” mà tôi biên tập là được một cộng tác viên tiếng Nhật giới thiệu, đã xuất bản ở Nhật đến 3 triệu bản, chỉ trong năm đầu tiên xuất bản ở Việt Nam, cuốn sách đã có số lượng bản in khổng lồ, tạo thành một cơn sốt làm sách nuôi dạy con của Nhật, một loạt các đơn vị xuất bản khác tham gia khai thác. 
 
Theo tôi, mấu chốt để thành công khi làm sách đó là phải nắm được nhu cầu của độc giả. Và việc của biên tập viên là cung cấp những sản phẩm chất lượng tốt nhất đến người đọc. 
 
 
- Chị nghĩ sao khi bản thân những người làm sách khoa giáo Việt vẫn luôn nỗ lực tạo ra những cuốn sách hay cho độc giả, nhưng sách khoa giáo Việt vẫn luôn bị đánh giá “vừa thiếu vừa yếu”; những cuốn sách đáng nhớ với đa số độc giả vẫn là sách dịch “dạy con kiểu Nhật”, “dạy con kiểu Mỹ”…?
 
- Có thể nói, thị trường sách Việt Nam chưa bao giờ nở rộ rực rỡ như thời điểm này. Hàng trăm đơn vị xuất bản nhà nước và tư nhân cùng nhảy vào lĩnh vực làm sách. Đã có lúc người ta lo ngại công nghệ và lối sống hiện đại sẽ giết chết ngành sách, nhưng sự thực đã không phải vậy. Lượng người đọc trẻ ngày một tăng lên. Sách phục vụ giới trẻ cũng tăng lên. Những tác phẩm lớn của thế giới lần lượt được mua bản quyền và xuất bản ở Việt Nam. Đó quả là một niềm vui lớn cho ngành xuất bản, và đối tượng hưởng lợi cuối cùng là độc giả. 
 
Tuy nhiên, cũng phải nói một điều rằng, chất lượng sách hiện nay không đồng đều. Vẫn có rất nhiều đầu sách xuất bản dễ dãi, đáp ứng thị hiếu nhất thời của độc giả, ít mang lại giá trị tri thức. 
 
Sách khoa học, giáo dục và đời sống của các tác giả Việt Nam hiện nay vẫn chưa nhiều, và chưa thực sự nổi bật so với làng sách thế giới. Với các kiến thức khoa giáo, nếu vẫn dùng lối diễn đạt cũ, hình thức sách không nổi bật, cứ đều đều từ đầu chí cuối cuốn sách thì độc giả rất dễ nhàm chán, hoặc từ chối ngay từ đầu. Cách thể hiện đó làm sao địch được với những cuốn sách của các nhà xuất bản tầm cỡ của nước ngoài, kiến thức mới, hình thức đẹp mắt, cách trình bày có điểm nhấn nhá bằng hình ảnh, khung, bảng…
 
Có mấy vấn đề dẫn đến việc này: Đó là các chuyên gia Việt Nam họ có thể rất giỏi chuyên môn, nhưng họ không có nhiều thời gian để viết. Và khi viết, họ không có sự chắp cánh của nhiều yếu tố khác như nhà xuất bản chưa đầu tư đủ tài chính để nâng tầm chất lượng cuốn sách bằng cách thuê họa sĩ thể hiện minh họa... Để đầu tư một cuốn sách khoa giáo tốt nội dung, đẹp hình thức cần rất nhiều công của, trong khi một cuốn sách in ra khoảng 1.500 - 2.000 bản mà không được tái bản thì chỉ đủ hòa vốn, có khi còn lỗ. Mà sách khoa giáo rất khó để trở thành những cuốn sách “hot” để bán được hàng vạn bản. Cứ như vậy, “cái khó bó cái khôn”, nhiều yếu tố tập hợp lại khiến tình hình sách khoa giáo tự viết trong nước của chúng ta hầu hết là chưa khởi sắc.
 
- Bền bỉ gần 15 năm làm mảng sách khoa giáo cho mẹ và bé, điều gì gắn kết chị với mảng sách được coi là khá khô khan này?
 
- Mảng sách khoa học - giáo dục và đời sống phong phú từ đề tài đến cách thể hiện, nó đủ cho tôi thỏa sức thể hiện đam mê với nghề biên tập viên sách này. Một may mắn của tôi là tôi khởi đầu nghề biên tập ở mảng sách Khoa học - giáo dục và đời sống của Nhà Xuất bản Phụ nữ, một đơn vị rất chú trọng đến nhiệm vụ xuất bản sách phục vụ gia đình, phụ nữ và trẻ em. 
 
Có thể nói làm sách phục vụ đời sống là dễ nhất mà cũng khó nhất. Dễ ở chỗ luôn luôn có đối tượng độc giả, khó là làm thế nào cho độc giả chọn sách của mình trong một biển sách mênh mông. Tôi thích những mảng mới hoặc cách làm mới mẻ mà mảng sách này thường có. Một thú vị của nghề biên tập sách khoa học đời sống nữa đó là tôi được tham gia rất nhiều buổi ra mắt sách, hay những cuộc nói chuyện chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống giữa chuyên gia và người đọc. Đó cũng là một không gian rất tập trung để có thể quan sát độc giả, tìm hiểu được người đọc cần gì, đánh giá như thế nào về một cuốn sách hay một vấn đề nào đó. Từ đó, tôi có thể tiếp tục tổ chức những đề tài phù hợp hơn.
 
Giá trị quan trọng nhất của cuộc sống là Hạnh Phúc
 
- Từ cuộc sống của mình, và kinh nghiệm rút ra từ những năm chuyên làm sách về phụ nữ, chị nghĩ phụ nữ mạnh mẽ, sướng hay khổ? Phụ nữ sống với tiêu chí “hãy yêu lấy mình” như của nhiều bạn trẻ hiện đại hay “hãy biết sẻ chia, biết hy sinh” như cách nghĩ nhiều đời nay tốt hơn? 
 
- Với nghề biên tập sách cho phụ nữ, gia đình và trẻ em, có nhiều năm làm việc ở Nhà Xuất bản Phụ nữ, và giờ là Nhà Xuất bản Kim Đồng, hai môi trường công việc đó cho tôi được tiếp cận với nhiều tầng lớp phụ nữ Việt Nam, ở các vùng miền, ở nhiều ngành nghề khác nhau. 
 
Sướng hay khổ là quan niệm của mỗi người, không có một tiêu chí chung nào có thể thỏa mãn tuyệt đối được. Tuy nhiên, tôi đã được gặp những người phụ nữ tự tin, tự trọng, độc lập trong tư duy. 
 
Trong cuốn sách “Con gái Bà Triệu thế kỉ 21 - Chuyện về những người phụ nữ Việt Nam ghi dấu ấn” (phiên bản tiếng Việt và phiên bản tiếng Anh) của hai tác giả Irene Ohler và Đỗ Thùy Dương mà tôi biên tập, có 20 nhân vật phụ nữ Việt Nam được chọn để cho vào sách. Những nhân vật được chọn có sự đa dạng về ngành nghề và trải nhiều thế hệ, từ phụ nữ sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, đến lớp những người phụ nữ 7x, 8x và có cả những cô gái 9x tài năng. Họ là chính khách như bà Tôn Nữ Thị Ninh, là nhà kinh tế như Phạm Chi Lan, là Tổng giám đốc tổ chức kiểm toán quốc tế Hà Thị Thu Thanh, là doanh nhân, nhà báo, nghệ sĩ, công chức... Ở họ đều có tố chất của sự chịu khó học hỏi không ngừng, sự tự tin tự trọng, và sự cống hiến cho xã hội. 
 
Chúng tôi muốn qua cuốn sách truyền cảm hứng đến đông đảo độc giả biết rằng, phụ nữ có thể làm được nhiều điều, và họ xứng đáng được yêu thương, trân trọng, ghi nhận. Chúng tôi cũng nhắm đến một lượng độc giả là những người phụ nữ, dù họ ở lứa tuổi nào, làm ngành nghề gì, về một niềm tin rằng sẽ đọng lại trong họ những hy vọng và ý tưởng về giá trị bản thân, lối sống, cách sống. Giá trị của cuộc sống hạnh phúc không phải đong đếm bằng tiền bạc, mà là những đóng góp cho xã hội, cho gia đình và cho chính bản thân mỗi người phụ nữ. Mạnh mẽ hay yếu đuối đôi khi chỉ là sự đánh giá về biểu hiện bên ngoài, còn giá trị họ mang đến cho cuộc sống của chính họ hay của gia đình, cộng đồng mới là điều quan trọng. 
 
- Mẫu phụ nữ hiện đại, theo chị bao gồm những tố chất nào?
 
- Thời gian trước đây, những tố chất của phụ nữ Việt Nam được ca ngợi là “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Còn ngày nay, phụ nữ Việt Nam hiện đại được tuyên truyền để phát huy tốt các tố chất “Tự tin, Tự trọng, Trung hậu, Đảm đang”. Chỉ với mấy điểm đó thôi, cũng đủ cho phụ nữ phải cố gắng và cố gắng rất nhiều rồi.
 
- Cảm ơn chị đã chia sẻ!
 
VÕ THU HƯƠNG