Chuyển biến từ việc xây dựng mô hình "Không thách cưới"

09:07, 20/07/2018

Mô hình "Không thách cưới" của Chi hội Phụ nữ thôn Hang Hớt, xã Mê Linh là mô hình điểm của Hội Phụ nữ huyện Lâm Hà, được bắt đầu thực hiện từ tháng 9/2017. Sau gần một năm triển khai, mô hình này đã bước đầu tạo nên những thay đổi và chuyển biến trong nhận thức của bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây trong việc cưới hỏi.

Mô hình “Không thách cưới” của Chi hội Phụ nữ thôn Hang Hớt, xã Mê Linh là mô hình điểm của Hội Phụ nữ huyện Lâm Hà, được bắt đầu thực hiện từ tháng 9/2017. Sau gần một năm triển khai, mô hình này đã bước đầu tạo nên những thay đổi và chuyển biến trong nhận thức của bà con đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nơi đây trong việc cưới hỏi.
 
Xóa bỏ hủ tục thách cưới, góp phần thực hiện bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS. Ảnh: V.Q
Xóa bỏ hủ tục thách cưới, góp phần thực hiện bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS. Ảnh: V.Q

Tháng tư vừa rồi, gia đình bà Klong K’Chư (Xóm 4, thôn Hang Hớt) rộn ràng niềm vui khi có nàng dâu mới. Điều đáng nói là thay vì thách cưới nhà gái bằng con trâu hay mấy chỉ vàng như tục lệ trước đây, gia đình bà chỉ nhận lễ vật theo kiểu “có gì tốt nấy”, không yêu cầu gì nhiều. Anh con trai thay vì đi ở rể như những nhà khác, nay lại đón vợ về ở chung nhà để tiện chăm sóc cho mẹ già. Lễ cưới nhờ vậy mà giảm bớt áp lực và gánh nặng cho nhà gái, cả hai gia đình đều vui vẻ.
 
Gia đình bà K’Chư là gia đình thứ 4 tham gia thực hiện mô hình “Không thách cưới” ở thôn Hang Hớt, trong tổng số 5 đám cưới diễn ra ở nơi này từ cuối năm 2017 đến nay. Làm được điều này là nhờ vào sự kiên trì thuyết phục, vận động của các thành viên trong mô hình “Nói không với thách cưới”.
 
Là một người sinh ra, lớn lên ngay tại địa phương, gia đình cũng từng phải bán đất bán vườn mới đủ tiền lấy chồng, chị Liêng Hót K’Chiêm - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Hang Hớt, đồng thời là tổ trưởng mô hình “Không thách cưới” hiểu rõ được những hậu quả mà tục thách cưới để lại cho bà con trong thôn. Chị chia sẻ: “Theo luật tục, nhà trai thường thách cưới nhà gái bằng những lễ vật có giá trị như trâu, rượu, khăn, tiền bạc, vàng,... Cũng bởi luật tục này mà không ít cô gái nhà nghèo không thể “bắt” được chồng, hay nếu “bắt” được chồng thì phải gánh nợ nhiều năm liền. Trình độ văn hóa thấp, trong khi đó bà con còn giữ nhiều hủ tục nên đời sống vật chất khó thoát khỏi khó khăn”.
 
Chị Nguyễn Thị Xuân - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mê Linh cho biết: Thách cưới là một hủ tục tồn tại lâu đời trong đời sống hôn nhân của đồng bào DTTS và cũng là gánh nặng của phụ nữ, đồng thời là cản trở lớn trong việc thực hiện bình đẳng giới. Việc xây dựng mô hình “Nói không với thách cưới” tại thôn Hang Hớt nhằm mục đích góp phần tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho bà con nhân dân nói chung, hội viên phụ nữ DTTS nói riêng trong việc xóa bỏ dần các hủ tục, tập quán lạc hậu,... góp phần xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội,... 
 
Gần một năm qua kể từ khi thành lập, mô hình “Không thách cưới” sinh hoạt định kỳ 3 tháng 1 lần vào ngày chủ nhật tuần cuối của quý, và sinh hoạt đột xuất khi trong thôn có gia đình tổ chức cưới hỏi để tuyên truyền, vận động gia đình tổ chức đơn giản, gọn nhẹ, giảm bớt kinh phí. Tổ gồm 19 chị em phụ nữ có trình độ văn hóa, có nhận thức tốt về các chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước thay phiên nhau tuyên truyền các quy định của Nhà nước về việc cưới hỏi, việc tang, về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc”.
 
Mỗi tuần một lần, chị K’Chiêm tận dụng ngày bà con đi lễ nhà thờ, phối hợp với các đoàn thể trong thôn như Mặt trận, trưởng thôn, già làng,... để tuyên truyền pháp luật cho bà con, đồng thời nêu lên những hậu quả của việc thách cưới cho đông đảo chị em biết và khắc phục, đặc biệt là các gia đình chị em nghèo khó.
 
Là cán bộ y tế thôn, chị nói chuyện nhẹ nhàng, thân tình như tâm sự. “Mình chỉ hỏi: “Cưới xong có sợ nghèo không? Mỗi lần cưới phải vay gần trăm triệu có xót ruột không? Bố nợ đến con nợ, rồi đến cháu nợ, phải bán đất để trả thì có lo không? Ai cũng trả lời có. Vậy là thuyết phục được nhiều gia đình làm theo, giảm bớt thách cưới, như nhà của K’Liêm, K’Luôn. Cũng có nhà không thách cưới một đồng nào như nhà của Liêng Hót Sara” - chị K’Chiêm chia sẻ. 
 
Kiên trì vận động, tuyên truyền theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” vẫn là cách mà các thành viên trong mô hình “Không thách cưới” ở thôn Hang Hớt đang thực hiện. Tuy nhiên, việc xóa bỏ một hủ tục lạc hậu đã bám rễ trong đời sống của người đồng bào nhiều thế hệ không phải là điều dễ dàng. Theo chị Xuân, nếu như những người trẻ dễ dàng được vận động thì những người lớn tuổi lại khó thuyết phục hơn. Những lúc như vậy, các thành viên của hội phải tập trung vào những người phụ nữ là chị cả trong gia đình, vì họ là người có quyền quyết định mọi thủ tục cưới hỏi trong nhà. Trường hợp đám cưới mà nhà gái ở địa phương khác, tổ cũng khó có điều kiện trực tiếp tiếp xúc để tuyên truyền, vận động.
 
“Hiện, ngoài việc vận động không thách cưới, các chị em trong mô hình còn đang ấp ủ kế hoạch trong thời gian tới là cố gắng để thuyết phục bà con thực hiện “cỗ cưới nhà ai nhà nấy lo”, thay vì nhà gái phải lo cỗ cưới cho hai bên gia đình để làm giảm gánh nặng và nợ nần cho nhà gái” - chị Xuân chia sẻ thêm.
 
Dù còn phải kiên trì và dài lâu mới có thể xóa bỏ hết hủ tục, nhưng nhận thức của bà con về cưới hỏi đang dần có sự chuyển biến, không chỉ ở Hang Hớt, mà còn ở các thôn còn lại của xã Mê Linh. Đó cũng chính là điều mà các thành viên trong tổ hướng đến: Giúp bà con toàn xã thấy rõ hiệu quả, từ đó nhân rộng mô hình “Không thách cưới”.
 
VIỆT QUỲNH