Hiệu quả thực hiện các chính sách

08:07, 11/07/2018

Chi trả dịch vụ môi trường rừng ngày càng thực sự có tác động rõ trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nói chung. Ở tỉnh Lâm Ðồng, trong năm 2017, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (Quỹ) đã thực hiện đạt kết quả trên nhiều lĩnh vực.

Chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) ngày càng thực sự có tác động rõ trong công tác quản lý, bảo vệ (QLBV) và phát triển rừng nói chung. Ở tỉnh Lâm Ðồng, trong năm 2017, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (Quỹ) đã thực hiện đạt kết quả trên nhiều lĩnh vực.
 
Ghi nhận những tập thể, cá nhân làm tốt công tác chi trả DVMTR năm 2017. Ảnh: Đ.P
Ghi nhận những tập thể, cá nhân làm tốt công tác chi trả DVMTR năm 2017. Ảnh: Đ.P

Ðóng góp vào bảo vệ và phát triển rừng
 
Năm 2017, Quỹ đã thực hiện chi trả tiền DVMTR gần 367.845 ha, chiếm tỷ lệ 86% diện tích đất có rừng trong lưu vực được chi trả và chiếm tỷ lệ 69% diện tích đất có rừng toàn tỉnh. Diện tích rừng chi trả DVMTR trong năm 2017 tăng 2,6% so với năm 2016 (gần 358.493 ha). Trong đó, chủ rừng là tổ chức (Ban QLRPH, Vườn Quốc gia; Công ty Lâm nghiệp; doanh nghiệp ngoài nhà nước và tổ chức khác), diện tích chi trả 359.668 ha, tăng 2,7% so với năm 2016 (hơn 350.090 ha); chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng thôn, diện tích chi trả gần 8.177 ha, giảm 2,7% so với năm 2016 (hơn 8.402 ha). 
 
Các chủ rừng là tổ chức nhà nước (Ban QLRPH, Vườn Quốc gia, Công ty Lâm nghiệp) có diện tích được chi trả gần 339.612 ha (chiếm tỷ lệ 92,3% tổng diện tích rừng chi trả trong năm 2017); trong đó diện tích đã khoán BVR trực tiếp đến hộ dân hơn 326.790 ha (chiếm tỷ lệ 96,2%). Diện tích được chi trả tiền DVMTR để khoán quản lý BVR tăng dần qua các năm cho thấy việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã có những tác động tích cực với công tác QLBVR; đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ rừng, chính quyền địa phương, Hạt Kiểm lâm trong công tác QLBVR và phòng cháy chữa cháy rừng.
 
Công tác kiểm tra, giám sát chi trả DVMTR
 
Lãnh đạo Quỹ cho biết, qua công tác giám sát chi trả tiền khoán BVR hàng quý, thanh toán năm 2017, cơ bản các đơn vị chủ rừng đã thực hiện chi trả đúng theo các hướng dẫn của Sở NN&PTNT về công tác chi trả tiền DVMTR như: đảm bảo chi đúng, chi đủ số tiền theo đơn giá đã được phê duyệt; đảm bảo tiền được chi trả tới tận tay người nhận khoán; góp phần đảm bảo tính công khai, minh bạch trong thực hiện chính sách. Trong năm 2017, tại các đơn vị chủ rừng nhà nước, cơ bản các hộ được xác minh đúng theo danh sách đã được UBND cấp xã sở tại xác nhận và đúng đối tượng hộ nhận khoán BVR theo văn bản thẩm định thiết kế kỹ thuật công trình giao khoán QLBVR hàng năm của Sở NN&PTNT. Cụ thể, các hộ gia đình nghèo, thiếu đất sản xuất sống gần rừng (ưu tiên cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số), đủ điều kiện về sức khỏe và thời gian để tham gia tuần tra BVR. Hầu hết các chủ rừng là đầu mối phối hợp với các tổ trưởng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các tổ nhận khoán lên lịch và thực hiện lịch tuần tra BVR; giám sát việc chấm công tuần tra BVR cho các thành viên của các tổ nhận khoán; các thành viên của tổ chấp hành nghiêm chỉnh lịch tuần tra và theo sự điều động của tổ trưởng. Qua công tác xác minh đối tượng hộ nhận khoán BVR, trên 90% tổng số hộ nhận khoán BVR trong năm tại các đơn vị chủ rừng là tổ chức nhà nước được hướng dẫn thực hiện chính sách thông qua giám sát hộ. Công tác kiểm tra, giám sát diện tích cung ứng DVMTR được thống kê, xác định chính xác. 
 
Hỗ trợ sinh kế cho người dân và kinh phí cho chủ rừng
 
Năm 2017, tổng số hộ gia đình được chi trả tiền DVMTR để QLBVR là 16.114 hộ (hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 78%). Trong đó, 1.865 chủ rừng là hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn và 14.249 hộ nhận khoán BVR từ các chủ rừng là tổ chức. Với đơn giá chi trả khoán BVR theo chính sách chi trả DVMTR từ 400.000 đến 500.000 đồng/ha/năm và diện tích khoán BVR bình quân từ 25-30 ha/hộ, mỗi hộ nhận khoán BVR đã có thêm nguồn thu nhập 11-13 triệu đồng/năm. Nguồn thu nhập này đã góp phần cải thiện đời sống kinh tế cho các hộ BVR, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó nâng cao trách nhiệm hơn trong công tác tuần tra bảo vệ diện tích rừng được giao khoán.
 
Đối với các chủ rừng là tổ chức (Ban QLRPH, Vườn Quốc gia; Công ty lâm nghiệp; doanh nghiệp ngoài nhà nước, tổ chức khác, đơn vị nghiên cứu) với tổng diện tích đất có rừng quản lý là gần 496.854 ha, chiếm tỷ lệ 93,1% diện tích đất có rừng trên toàn tỉnh. Theo đó, tổng diện tích rừng cung ứng DVMTR được chi trả năm 2017 là 359.668 ha, chiếm tỷ lệ 72,4% tổng diện tích có rừng của các đơn vị quản lý (trong đó, phần lớn diện tích được chi trả đã khoán BVR cho các hộ dân; diện tích các đơn vị tự quản lý bảo vệ là hơn 19.458 ha, chiếm tỷ 5,3%). Bao gồm, 17 đơn vị là Ban QLRPH, Vườn Quốc gia (gần 255.520 ha, 94,2%); 8 Công ty Lâm nghiệp (gần 84.092 ha, 54,3%) và 64 doanh nghiệp ngoài nhà nước, tổ chức khác (hơn 20.056 ha, 28,3%). Nguồn thu từ tiền DVMTR của các đơn vị này chủ yếu từ 10% chi phí quản lý khoán BVR (năm 2017 là gần 16,025 tỷ đồng) và từ kinh phí chi trả cho diện tích rừng của các đơn vị tự trực tiếp quản lý BVR (năm 2017 là hơn 4,662 tỷ đồng). Qua đó, đã góp phần giải quyết khó khăn trong điều kiện ngân sách nhà nước cấp còn hạn hẹp; đồng thời, các chủ rừng chủ động hơn trong việc tổ chức lực lượng, hướng dẫn, đôn đốc và cùng với lực lượng nhận khoán thực hiện QLBVR có hiệu quả hơn. 
 
Ngoài ra, chi trả DVMTR còn hỗ trợ cho các chương trình, dự án theo quyết định của UBND tỉnh. Trong đó phải kể đến chi hỗ trợ trồng rừng, trồng cây phân tán và chi hỗ trợ hoạt động chống chặt phá rừng và sản xuất, kinh doanh vận chuyển lâm sản trái phép cho các đội kiểm tra truy quét theo Chỉ thị số 12/2003/CT-TTg. Năm 2017, Quỹ đã chi hỗ trợ kinh phí cho Dự án khôi phục rừng và phát triển vành đai cây xanh dọc cao tốc Liên Khương - Prenn của Ban QLRPH Đại Ninh là 1,863 tỷ đồng. Cũng trong năm, Quỹ đã chi hỗ trợ hoạt động chống chặt phá rừng và sản xuất, kinh doanh vận chuyển lâm sản trái phép cho các đội 1 tỷ đồng. Sự hỗ trợ đã góp phần công tác tuần tra BVR, kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm hại trái phép đến diện tích rừng chi trả DVMTR. 
 
ÐẠO PHAN