Diện mạo mới vùng sâu Lộc Bảo

08:07, 24/07/2018

Về xã Lộc Bảo (huyện Bảo Lâm) hôm nay, xe ô tô bon bon đến từng thôn, buôn của người Mạ, Tày, Nùng... sinh sống; nhà dân, cơ quan, trường học, nhà văn hóa… mái ngói đỏ tươi; trẻ em học bài râm ran trong những ngôi trường mới xây còn thơm mùi vôi vữa; đủ biết những đổi thay vượt bậc của xã nghèo vùng sâu này…

Về xã Lộc Bảo (huyện Bảo Lâm) hôm nay, xe ô tô bon bon đến từng thôn, buôn của người Mạ, Tày, Nùng... sinh sống; nhà dân, cơ quan, trường học, nhà văn hóa… mái ngói đỏ tươi; trẻ em học bài râm ran trong những ngôi trường mới xây còn thơm mùi vôi vữa; đủ biết những đổi thay vượt bậc của xã nghèo vùng sâu này…
 
Đường nhựa thoáng, rộng dẫn về các thôn, buôn DTTS ở xã Lộc Bảo. Ảnh: TDH
Đường nhựa thoáng, rộng dẫn về các thôn, buôn DTTS ở xã Lộc Bảo. Ảnh: TDH

Vùng “đất lửa” năm xưa
 
Suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhất là giai đoạn 1960 - 1975, Lộc Bảo thuộc “Căn cứ Bắc” - K1, được Trung ương Đảng chọn xây dựng đường hành lang chiến lược Bắc - Nam, nơi tập kết, đón tiếp cán bộ cao cấp của Trung ương vào lãnh đạo kháng chiến trên chiến trường miền Nam và Đông Nam Bộ. Bởi vậy, Lộc Bảo nằm trong vùng “đất lửa” bị kẻ thù bao vây đánh phá rất ác liệt. Nhân dân Lộc Bảo đã cùng nhân dân “Căn cứ Bắc” đóng góp của cải, công sức và xương máu để bảo vệ vùng hậu cứ vững chắc, bảo vệ cán bộ và phong trào cách mạng trong những năm tháng hết sức khó khăn...
 
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng và đến năm 1994, Lộc Bảo được tách ra từ xã Lộc Bắc; gần một phần tư thế kỷ xây dựng và phát triển, Lộc Bảo đã trải qua biết bao khó khăn, thiếu thốn, bất cập của một xã 100% dân số là người dân tộc thiểu số (DTTS) bản địa vốn trước nay sống biệt lập, người dân quen sống du canh, du cư; tập quán sản xuất, sinh hoạt lạc hậu… Do đó, lúc tách lập xã, toàn xã Lộc Bảo có 25.480 ha đất tự nhiên; trong đó có 349,3 ha đất nông nghiệp, 22.490 ha đất lâm nghiệp và 2.640,7 ha đất hoang chưa sử dụng. Dân số có 1.198 nhân khẩu với 257 hộ sinh sống ở 3 thôn, hầu hết là người Mạ. Thời điểm đó, trên 60% dân số thiếu đói, bệnh tật hoành hành; nghèo đói, thất học, mù chữ… đè nặng lên trách nhiệm của Đảng, chính quyền xã Lộc Bảo…
 
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và huyện Bảo Lâm thông qua các nghị quyết, các chương trình, dự án đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS, miền núi, vùng sâu, vùng xa; đặc biệt, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền đã phát huy truyền thống bất khuất, kiên cường của nhân dân trong kháng chiến, góp phần xây dựng Lộc Bảo hôm nay từng bước phát triển…
 
Từ năm 1994 đến nay, cùng với sự đầu tư phát triển căn cứ Bắc (xã Lộc Bắc cũ), Đảng bộ, chính quyền xã Lộc Bảo đã triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình 134, 135, Đề án giảm nghèo nhanh và bền vững (theo Nghị quyết 30a của Chính phủ), Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM)…thổi vào đời sống của nhân dân xã nghèo này luồng sinh khí mới. 
 
Điều quan trọng để tạo ra diện mạo mới của Lộc Bảo ngoài sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, bản lĩnh, truyền thống anh hùng, ý thức không cam chịu đói nghèo, lạc hậu của người DTTS nơi đây được “đánh thức”, phát huy rõ nét!...
 
Lộc Bảo bây giờ
 
Sự thay da đổi thịt của “vùng đất lửa” năm xưa hiện ra dưới sắc nắng ngày mới hôm nay bất cứ ai cũng dễ nhận diện. Đó là, giao thông thoáng, rộng dẫn đến từng thôn, buôn; nối liền với xã Lộc Bắc, các xã, các huyện tỉnh Lâm Đồng và tỉnh bạn lân cận; điện lưới quốc gia thắp sáng tận nhà dân ở khắp các thôn, buôn; nhà cửa của nhân dân, trụ sở Đảng ủy và UBND xã, các công trình công cộng được xây dựng khang trang, hiện đại hiện ra bên những vườn cà phê, nương chè xanh ngút ngàn và ngọt ngào cây trái!…
 
Gần 25 năm hình thành và phát triển, đến nay diện tích đất sản xuất; diện tích các loại cây trồng, cơ cấu vật nuôi; tình hình dân cư, dân tộc, dân số xã Lộc Bảo đã có nhiều thay đổi. Hơn 10 năm trở lại đây, chính quyền và ngành nông nghiệp địa phương khuyến cáo, hướng dẫn nhân dân thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; nhờ đó, diện tích các loại cây công nghiệp dài ngày liên tục gia tăng, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của Lộc Bảo, đem lại thu nhập đáng kể cho nhân dân. 
 
Đến nay, toàn xã có 185,4 ha chè, 775,2 ha cà phê, 2.647,29 ha cây cao su, 158,3 ha cây ăn quả các loại, 25 ha điều…
 
Trong đó, có 26 ha cà phê và 8 ha chè đã được tái canh đang cho thu hoạch cao. Toàn xã có 68 hộ DTTS có mức thu nhập khá, giàu. Đặc biệt, hiện nay, cây bơ và sầu riêng là cây “làm giàu” của nhân dân Lộc Bảo (với 120 ha) đang cho thập nhập khá cao (giá bán tại vườn: 65.000 đồng/kg đối với sầu riêng ghép và 60.000 đồng/kg đối với sầu riêng hạt). Trong chăn nuôi, tổng đàn gia súc, gia cầm toàn xã 10.027 con; trong đó, trâu, bò, dê… mang lại nguồn thu đáng kể cho nhân dân. Tiêu biểu hộ bà Ka Sen (thôn 1) có đàn bò với 22 con giống, mỗi năm bán bò và bê con thu nhập trên 100 triệu đồng…
 
Đi cùng với sự phát triển KT-XH, tình hình dân cư, dân tộc và dân số của Lộc Bảo cũng có nhiều thay đổi. Hiện toàn xã có 1.114 hộ/4.005 nhân khẩu với 8 dân tộc anh em (Mạ, Kơ Ho, Tày, Nùng, Mông, M’nông, Hoa, Kinh) sống đan xen tại 4 thôn. 
 
Theo đánh giá kết quả nửa nhiệm kỳ của Đảng bộ và báo cáo tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm 2018, nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ của xã Lộc Bảo đạt khá cao như: thu nhập bình quân đầu người đạt 22 triệu đồng/năm; số hộ nghèo giảm chiếm 7,87%, có 3/4 thôn đạt chuẩn văn hóa và 67% hộ gia đình đạt văn hóa; 94% số hộ sử dụng điện lưới quốc gia; trên 90% hộ sử dụng nguồn nước sạch; 100% trẻ em được đến trường; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS năm học 2017 - 2018 đạt 100%; duy trì sĩ số học sinh cấp tiểu học đạt 100%; các dịch vụ sinh hoạt văn hóa: hệ thống internet, viễn thông đã “phủ sóng”. Các công trình: Trạm y tế, Nhà văn hóa xã, Bưu điện văn hóa xã; Trung tâm học tập cộng đồng; hội trường 4/4 thôn được xây dựng, đáp ứng nhu cầu học tập, sinh hoạt, giải trí lành mạnh cho nhân dân. Đến nay, xã Lộc Bảo đã đạt 14/19 tiêu chí xây dựng NTM…
 
Trên địa bàn xã Lộc Bảo hiện có 9 doanh nghiệp đầu tư khai thác thủy điện, trồng cây cao su… cũng đã góp phần tạo sự phát triển, diện mạo mới của xã nghèo này.
 
Đặc biệt, tổ chức Đảng, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của Lộc Bảo là điểm sáng đáng ghi nhận. Ngay từ những năm chiến tranh ác liệt, chi bộ đảng tại các thôn, buôn của “Căn cứ Bắc” (Lộc Bắc và Lộc Bảo) đã được thành lập và hoạt động. Đến nay, Đảng bộ xã có 106 đảng viên sinh hoạt tại 8 chi bộ (4/4 thôn đều có chi bộ). Hai năm liền (2016, 2017) Đảng bộ xã Lộc Bắc đạt TSVM; 6/8 chi bộ đạt TSVM liên tiếp 3 năm (từ 2015 - 2017). Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội của xã đều phát huy tốt vai trò, chức năng, đã góp phần cùng Đảng bộ lãnh đạo nhân dân hoàn thành tốt nhiệm vụ trong những năm qua…
 
Tuy nhiên, theo đồng chí K’Huy -  Bí thư Đảng ủy xã Lộc Bảo, một số chỉ tiêu phấn đấu đạt tỷ lệ thấp; một số lĩnh vực còn gặp nhiều khó khăn như: tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS, trẻ em suy dinh dưỡng, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên… còn cao; công tác phát triển đảng viên, tạo nguồn cán bộ tại chỗ rất khó khăn; tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép còn diễn biến phức tạp; tình trạng tảo hôn của người DTTS…
 
Chia tay anh em cán bộ xã Lộc Bảo trong những cái bắt tay rất chặt, và dù vẫn còn nhiều trăn trở; song, tin rằng, với tâm huyết, trách nhiệm và sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân địa danh anh hùng sẽ xóa dần những khó khăn hiện tại; để một ngày không xa, Lộc Bảo trở thành một vùng đất đẹp giàu…
 
THANH DƯƠNG HỒNG