Gắn phong trào thi đua với hoạt động chuyên môn

08:07, 25/07/2018

Nhiều năm qua, Công đoàn Giáo dục Lâm Ðồng luôn là "đầu tàu" phát động các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động mang tính xã hội rộng lớn trong đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động ngành Giáo dục, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành.

Nhiều năm qua, Công đoàn Giáo dục (CÐGD) Lâm Ðồng luôn là “đầu tàu” phát động các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động mang tính xã hội rộng lớn trong đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động (CBNGNLÐ) ngành Giáo dục, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành.
 
Các phong trào thi đua có tác dụng tốt tới môi trường giáo dục. Ảnh: V.Hùng
Các phong trào thi đua có tác dụng tốt tới môi trường giáo dục. Ảnh: V.Hùng

Một trong những phong trào thi đua gắn với hoạt động chuyên môn của ngành Giáo dục là phong trào thi đua “Hai tốt”. CĐGD các cấp đã phối hợp với tổ chuyên môn động viên CB, NG tự học, tự bồi dưỡng, nâng cao chất lượng mỗi giờ lên lớp, đăng ký thực hiện giờ dạy tốt... Trong đó, nổi bật là việc tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp. Trong nhiệm kỳ 2013 - 2018, toàn ngành đã có hơn 5.600 giáo viên được công nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở, 239 giáo viên đạt giải hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. 
 
Đồng thời, phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm, giải pháp hữu ích được các đơn vị quan tâm triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả. Nhiệm kỳ qua, hơn 28 ngàn giải pháp hữu ích, sáng kiến kinh nghiệm được xếp loại khá trở lên, tiêu biểu như ở các CĐGD Đạ Tẻh, Lâm Hà, Bảo Lộc, Đức Trọng, Đà Lạt, Di Linh, Đơn Dương... hay CĐCS Trường THPT Bùi Thị Xuân, Trần Phú, Chuyên Thăng Long, Lộc Thanh, Lộc Phát, DTNT Đam Rông, DTNT Lâm Hà... Công đoàn ngành cũng đã phối hợp với Sở GDĐT tổ chức Hội thi nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên trẻ, có 845 giáo viên đạt kết quả cấp cơ sở, 298 giáo viên đạt kết quả cấp tỉnh…
 
Để đẩy mạnh phong trào thi đua “Hai tốt”, Công đoàn ngành tiếp tục triển khai lồng ghép với phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”. CĐGD các cấp tuyên truyền, tổ chức đăng ký thi đua, đăng ký thành lập tổ, nhóm “Nhà giáo cùng nhau phát triển” ở các tổ chuyên môn trong các đơn vị, trường học. 
 
CĐGD Trường THPT Đức Trọng là một trong những đơn vị thành lập sớm tổ, nhóm “Nhà giáo cùng nhau phát triển”. Theo cô Trần Thị Duy Đào - Chủ tịch Công đoàn trường, việc thành lập các tổ, nhóm “Nhà giáo cùng nhau phát triển” đã tạo điều kiện cho các nhà giáo cùng động viên, chia sẻ giúp nhau thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy, sáng tạo, đổi mới nâng cao chất lượng trong công tác quản lý, nghiên cứu khoa học với phương châm “Mỗi giờ lên lớp là một bước tiến trong giảng dạy, mỗi ngày đến trường có một đổi mới trong công việc”. Đến nay, toàn ngành có 671 đơn vị thành lập tổ, nhóm “Nhà giáo cùng nhau phát triển” với hơn 12.000 cá nhân và gần 2.700 nhóm đăng ký thực hiện. 
 
Các nội dung “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” được từng cá nhân, đơn vị, trường học thực hiện thường xuyên, sâu rộng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ nhà giáo và CBQL. Qua đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong và ngoài nhà trường hỗ trợ về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, xây dựng, sửa chữa, tôn tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
 
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2013 - 2018, cuộc vận động ủng hộ giáo dục vùng sâu - vùng xa, Huyện giúp huyện - Trường giúp trường được CĐGD các cấp triển khai có hiệu quả. Kết quả đã vận động được hơn 3,5 tỷ đồng hỗ trợ trang thiết bị, đồ dùng học tập cho các trường vùng sâu, vùng xa. Trong đó, nổi bật nhất là xây dựng nhà công vụ giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn qua việc đổi mới hình thức phân công hỗ trợ “9, 10 trường giúp 1 trường” thay vì “Trường giúp trường” như trước đây.
 
Không những vậy, CĐGD các cấp còn phát động cuộc vận động xây dựng “Gia đình nhà giáo văn hóa” được gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở” và cuộc vận động xây dựng gia đình hiếu học với mục tiêu “Mỗi gia đình nhà giáo và lao động là một gia đình kiểu mẫu; mỗi trường học là một đơn vị văn hóa”. 
 
Theo ông Ngô Văn Sơn - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Lâm Đồng, việc triển khai các phong trào thi đua với nhiều nội dung trở thành hoạt động thường xuyên có tác dụng tốt tới môi trường giáo dục và chất lượng đội ngũ trong toàn ngành. Đặc biệt là việc triển khai thực hiện Chỉ thị 05 về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được CĐGD các cấp quan tâm. Qua đó, góp phần nâng cao phẩm chất đạo đức nhà giáo, đổi mới tư duy, tác phong, lề lối làm việc của từng CBNGNLĐ trong ngành, thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước trong đơn vị. 
 
VIỆT HÙNG