Già làng phát huy phẩm chất người lính

08:07, 10/07/2018

Phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, những năm qua, tuy sức khỏe già yếu bởi vết thương chiến tranh, nhưng già làng K'Tòi ở bon Ng'ràng Dờng, xã Ðinh Trang Thượng, huyện Di Linh vẫn phát huy tốt vai trò của già làng, tích cực tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước; nỗ lực lao động sản xuất phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, những năm qua, tuy sức khỏe già yếu bởi vết thương chiến tranh, nhưng già làng K’Tòi ở bon Ng’ràng Dờng, xã Ðinh Trang Thượng, huyện Di Linh vẫn phát huy tốt vai trò của già làng, tích cực tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước; nỗ lực lao động sản xuất phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
 
Hàng ngày, già K’Tòi chỉ ở nhà chăm sóc cho người vợ bởi căn bệnh hành hạ. Ảnh: L.P
Hàng ngày, già K’Tòi chỉ ở nhà chăm sóc cho người vợ bởi căn bệnh hành hạ. Ảnh: L.P

Già làng K’Tòi được sinh ra và lớn lên ở Xã 5 (nay là xã Đinh Trang Thượng) trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, già K’Tòi đã chứng kiến cảnh giặc Mỹ dồn dân lập ấp, mở nhiều trận đánh càn quét, tàn phá các căn cứ cách mạng và buôn làng.
 
Theo chân cha ông đi trước, những năm 1960, già K’Tòi cùng nhiều thanh niên trai tráng trong xã đã sớm giác ngộ cách mạng, hăng hái cống hiến sức trẻ tham gia vào lực lượng kháng chiến; các chàng trai thì ghi tên vào lực lượng du kích, còn những cô gái làm những công việc nuôi giấu cán bộ, làm giao liên, tiếp tế lương thực, tiếp đạn, góp sức lực hòng bẻ gãy, chặn đứng các đợt hành quân, càn quét của quân địch.
Già K’Tòi cho biết: “Cả nhà tôi, từ bố mẹ đến các con đều tham gia cách mạng. Từ năm 1961 - 1969, vợ chồng tôi và em trai tham gia đội du kích. Chúng tôi là người trực tiếp cầm súng chiến đấu, còn vợ tôi làm công tác tải đạn, lo hậu cần nuôi quân”. 
 
Già K’Tòi nhớ lại, trong những năm tháng chiến đấu, mà ác liệt nhất là vào những năm 1968, 1969. Trong trận đánh ấy, nhiều đồng đội và em trai út của ông là K’Prơk đã hy sinh tại trận địa, còn bản thân già K’Tòi hai lần bị thương nặng ở đùi trái, nên việc đi lại, sinh hoạt cũng gặp nhiều trở ngại và khó khăn. 
 
Sau khi kết thúc chiến tranh và trở về với đời thường, già K’Tòi cũng như bao bà con trong xã bắt tay vào lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới. Với uy tín của mình, già cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục vận động bà con xây dựng đời sống văn hóa; tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nên đời sống của người dân ở xã anh hùng Đinh Trang Thượng đã có nhiều khởi sắc, không còn tình trạng đói khát như trước kia. Với gia đình già K’Tòi, do không có con cái, vợ già bị tai biến gần 10 năm nay và bị cắt mất một chân, nên sức khỏe yếu và ngày nào cũng vật vã, gào thét bởi cơn đau của bệnh tật, nhất là mỗi khi trái gió trở trời. Vì vậy, già chỉ biết ở nhà để chăm sóc cho vợ, không có thời gian lao động sản xuất, nên 1,5 ha cà phê già chia cho các cháu và hiện tại vợ chồng già K’Tòi sống phụ thuộc bằng tiền chế độ trợ cấp hàng tháng của Nhà nước với mức 6 triệu đồng/tháng”. 
 
Theo ông Noale Tiên - nguyên Chủ tịch UBND xã Đinh Trang Thượng: Vào năm 1978, xã Đinh Trang Thượng được công nhận là xã Anh hùng. Trong những năm kháng chiến, toàn xã có khoảng 29 liệt sĩ, nhiều gia đình được Nhà nước tặng nhiều huân, huy chương kháng chiến như ông K’Ré, bà Ka Àng, ông K’Brền... Riêng gia đình già K’Tòi, ngoài bố K’Tòi được Nhà nước tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhất thì bản thân già K’Tòi có 3 huân chương, trong đó có 2 Huân chương Kháng chiến hạng Ba và 1 Huân chương Kháng chiến hạng Nhì; vợ già K’Tòi cũng được tăng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì. Tuy cuộc sống khó khăn bởi bệnh tật, nhưng già K’Tòi luôn tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương và giữ phẩm chất người lính năm xưa, góp sức xây dựng bon làng được bình yên. 
 
LAM PHƯƠNG