Giải pháp nào để Lâm Ðồng cải thiện chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh

08:07, 04/07/2018

Hai năm liền, 2016 và 2017, Lâm Ðồng chỉ đứng thứ 48 trên 63 tỉnh, thành trong nước về chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh hằng năm, địa phương phải làm gì để cải thiện chỉ số này trong năm 2018? 

Hai năm liền, 2016 và 2017, Lâm Ðồng chỉ đứng thứ 48 trên 63 tỉnh, thành trong nước về chỉ số cải cách hành chính (CCHC) cấp tỉnh hằng năm, địa phương phải làm gì để cải thiện chỉ số này trong năm 2018? 
 
Người dân đến giao dịch tại Văn phòng tiếp nhận và trả kết quả tại UBND huyện Đức Trọng. Ảnh: G.K
Người dân đến giao dịch tại Văn phòng tiếp nhận và trả kết quả tại UBND huyện Đức Trọng. Ảnh: G.K

Chỉ số hài lòng thấp
 
Theo bộ tiêu chí xác định chỉ số CCHC do trung ương quy định gần đây nhất cho các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trong nước, trong đó có Lâm Đồng, tổng điểm cả năm cho công tác CCHC là 100 điểm, trong đó điểm tự chấm của các đơn vị là 65, còn lại 35 điểm cho điều tra xã hội học. Điểm tự chấm của các đơn vị sẽ được trung ương thẩm định lại sau đó. 
 
Trong năm 2017 vừa qua, sau khi Lâm Đồng tự chấm điểm, số điểm mà trung ương thẩm định là 43,63 điểm, mất 21,37 điểm so với khung điểm; điều tra xã hội học Lâm Đồng đạt 30,36/35 điểm, mất 4,64 điểm. Cộng 2 cột điểm này lại Lâm Đồng chỉ được 73,99 trong tổng số 100 điểm (73,99%). Với số điểm này, Lâm Đồng xếp thứ 48 trong 63 tỉnh, thành trong nước về CCHC, vị trí xếp hạng này không tăng so với năm trước đó, khi năm 2016, Lâm Đồng cũng xếp hạng thứ 48 trong 63 tỉnh, thành, nhưng điểm của năm 2016 là 70,17%, thấp hơn điểm trong năm 2017. 
 
Cũng nói thêm rằng, từ vị thứ 26/63 tỉnh, thành trong nước trong năm 2015, Lâm Đồng đã tụt 22 bậc xuống vị trí 48 trong năm 2016, đến 2017 tỉnh vẫn chưa cải thiện được và vẫn phải xếp hạng 48/63 tỉnh, thành trong năm 2017 vừa qua. 
 
Nhiều nguyên do mất điểm đã được tỉnh chỉ ra, trong đó có những nguyên do mang tính khách quan lẫn chủ quan của tỉnh.
 
Như trong năm 2017 vừa qua, theo Sở Nội vụ Lâm Đồng, do Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung và ban hành bộ chỉ số CCHC mới, trong đó đã bổ sung nhiều tiêu chí mới, ngay cả các tiêu chí cũ cũng đặt ra yêu cầu mức độ thực hiện cao hơn. Nếu như trước, các tiêu chí này chỉ cần thực hiện 85% sẽ đạt điểm tối đa, nay theo các tiêu chí mới này thì các đơn vị phải thực hiện 100% mới đạt mức điểm cao nhất.
 
Theo Sở Nội vụ Lâm Đồng, nhiều tiêu chí mới trong đó Lâm Đồng khó đạt được 100% để đạt điểm tối đa vì điều kiện thực tế tại địa phương. Chẳng hạn như tiêu chí tỷ lệ cơ quan hành chính từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã phải giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) đúng hạn 100 %; tiêu chí tỷ lệ công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ luật lao động, không có công chức cấp xã bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên, không có công chức cấp huyện, cấp tỉnh bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên nhưng trong năm 2017 ở Lâm Đồng, cả 3 cấp đều có cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật. Rồi tiêu chí tỷ lệ doanh nghiệp được thành lập mới trong năm phải cao hơn 30% so với năm trước nhưng tỉnh miền núi Lâm Đồng cũng khó đạt được.
 
Cùng đó, tỉnh đến nay vẫn còn những tồn tại chưa giải quyết dứt điểm được như tỷ lệ lãnh đạo cấp phòng ở cấp sở và cơ quan tương đương còn nhiều hơn số lượng chuyên viên theo quy định; tỷ lệ đạt chuẩn của cán bộ công chức cấp xã chưa đạt 100% theo yêu cầu...
 
Có những nguyên nhân mất điểm do một số cơ quan, đơn vị chủ trì các nội dung về CCHC được tỉnh giao việc nhưng chậm báo cáo định kỳ, chưa phê duyệt đề án vị trí việc làm... Nhiều đơn vị, địa phương chưa hoàn thành tốt các nội dung CCHC, trong tỉnh còn có cơ quan cấp tỉnh chưa thực hiện việc đánh giá nội bộ, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn của các cấp chưa đảm bảo 100%...
 
Tuy nhiên, điều cần nói nhất chính là chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước của Lâm Đồng đạt rất thấp, chỉ được 72,83% trong năm 2017, xếp gần cuối bảng xếp hạng với vị trí 56/63 tỉnh, thành phố trong nước.
 
Giải pháp nào? 
 
Nhiều giải pháp cụ thể đã được UBND tỉnh Lâm Đồng đưa ra nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện chỉ số CCHC của tỉnh năm 2017, cải thiện các chỉ số thành phần, phấn đấu đưa thứ hạng của Lâm Đồng lên cao hơn trong thời gian đến.
 
Trong chỉ đạo điều hành, tỉnh cho biết sẽ tăng cường kiểm tra công tác CCHC của cơ quan nhà nước các cấp; xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh; nâng cao chất lượng và tính kịp thời của các văn bản chỉ đạo, điều hành; phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, đồng thời gắn kết quả thực hiện CCHC của các ngành, các cấp với công tác thi đua, khen thưởng cuối năm. 
 
Tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá tác động và kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) nhà nước các cấp trên địa bàn; đánh giá kết quả thực hiện của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh; xử lý kịp thời phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức đối với các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết; công bố, công khai đầy đủ TTHC cho người dân biết thông qua nhiều hình thức.
 
Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong CCHC, thời gian đến tỉnh tiếp tục đổi mới việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức; tổ chức thi tuyển công chức, thi nâng ngạch công chức theo nguyên tắc cạnh tranh, thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp; bố trí cán bộ theo đúng vị trí việc làm và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tương ứng với từng vị trí. Tỉnh sẽ thực hiện việc đánh giá chất lượng công chức, viên chức trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, theo năng lực, chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ người dân.
 
Để tăng sự hài lòng của người dân, tỉnh yêu cầu các cấp từ cấp tỉnh, cấp huyện thành đến cấp xã tiếp tục duy trì 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của mình theo cơ chế một cửa, nâng số TTHC giải quyết theo cơ chế một cửa liên thông; phấn đấu 100% số hồ sơ TTHC được giải quyết đúng thời hạn ở cả 3 cấp. Đặc biệt, tăng tỷ lệ giải quyết TTHC đúng hạn của một số ngành như Tài nguyên Môi trường; Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Thuế, Hải quan...
 
Tỉnh cũng cho biết sẽ tăng cường việc kiểm tra, giám sát đánh giá tình hình và chất lượng hoạt động của cơ chế một cửa, một cửa liên thông của các cấp, các ngành, thu nhận ý kiến và tổ chức đo lường sự hài lòng của người dân khi đến giao dịch tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các cấp, các ngành; rà soát đánh giá việc bố trí đội ngũ công chức làm việc chuyên trách tại đây, đồng thời yêu cầu các cấp cần có biện pháp củng cố, kiện toàn nhằm nâng cao chất lượng phục vụ của bộ phận một cửa, chú ý bố trí nơi đón tiếp người dân, chấn chỉnh thái độ phục vụ của công chức tại đây, quy định rõ thời gian giải quyết cũng như nâng chất lượng giải quyết TTHC của đơn vị, địa phương mình. 
 
GIA KHÁNH