Hoàn thành đưa ISO đến xã, phường 2 năm tới

08:07, 27/07/2018

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2021 Lâm Ðồng sẽ đưa hệ thống tiêu chuẩn chất lượng ISO đến toàn bộ 147 xã, phường trong tỉnh. Tuy nhiên, tại cuộc họp về cải cách hành chính gần đây, Chủ tịch UBND tỉnh - ông Ðoàn Văn Việt đã yêu cầu cần sớm hoàn tất công tác này trong 2 năm đến.
 

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2021 Lâm Ðồng sẽ đưa hệ thống tiêu chuẩn chất lượng ISO đến toàn bộ 147 xã, phường trong tỉnh. Tuy nhiên, tại cuộc họp về cải cách hành chính (CCHC) gần đây, Chủ tịch UBND tỉnh - ông Ðoàn Văn Việt đã yêu cầu cần sớm hoàn tất công tác này trong 2 năm đến.
 
Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ tại UBND Phường 2, Đà Lạt. Ảnh: V.T
Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ tại UBND Phường 2, Đà Lạt. Ảnh: V.T

Nhiều đơn vị còn mang tính hình thức
 
Việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước đã được Trung ương và tỉnh yêu cầu với những qui định cụ thể từ năm 2014. 
 
Tính đến thời điểm cuối năm 2017, theo Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng, trong khối cơ quan sở ban ngành ở cấp tỉnh, đã có 45/47 đơn vị đã triển khai áp dụng và công bố bộ tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008, chỉ còn duy nhất 2 đơn vị chưa thực hiện đó là Ban Tôn giáo và Chi cục Văn thư Lưu trữ tỉnh.
 
Lý do 2 đơn vị trên chưa áp dụng, với Chi cục Văn thư lưu trữ, do chỉ có 2 thủ tục hành chính phát sinh ngay tại phòng đọc nên đề nghị không áp dụng ISO; còn Ban Tôn giáo sẽ triển khai trong năm 2018 này.
 
Trong 45 đơn vị đã áp dụng trên, có 31 đơn vị áp dụng ISO cho tất cả các thủ tục hành chính (TTHC) với tổng số thủ tục áp dụng ISO là 4.370/4.502 và tất cả các thủ tục này đã được công bố. Đã có 30 đơn vị thực hiện công bố lại khi có sửa đổi, bổ sung, mở rộng phạm vi sử dụng; các đơn vị còn lại đang rà soát sửa đổi bổ sung, mở rộng phạm vi áp dụng. Trong năm 2017, đã có 2 đơn vị gồm Chi cục Kiểm lâm và UBND thành phố Bảo Lộc thuê tư vấn mở rộng ISO 9001:2008 thành ISO 9001:2015 tại đơn vị mình.
 
Một đánh giá của ngành chức năng tỉnh qua các cuộc kiểm tra cho biết, Sở Giao thông Vận tải Lâm Đồng chính là đơn vị áp dụng ISO tốt nhất trong khối sở ban ngành của tỉnh năm 2017 vừa qua. 
 
Tuy nhiên, qua các cuộc kiểm tra, Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng cũng cho biết vẫn còn nhiều đơn vị chưa thực hiện việc đánh giá nội bộ đầy đủ theo yêu cầu; số lượng TTHC không phát sinh hồ sơ cao so với tổng số TTHC của đơn vị; thời gian, bộ phận thực hiện tại phiếu kiểm soát quá trình giải quyết hoạt động không thống nhất theo quy trình ISO. 
 
Cùng đó, nhiều đơn vị vẫn chưa duy trì thường xuyên ISO như UBND tỉnh, Ban Dân tộc, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Xây dựng, Chi cục Thủy lợi. Tại UBND tỉnh còn trường hợp song trùng các hình thức quản lý, theo dõi, giám sát công việc (bằng giấy và bằng bản điện tử); Sở Giao thông Vận tải, Sở Kế hoạch Đầu tư còn dùng một lúc 2 phần mềm (gồm phần mềm một cửa điện tử của UBND tỉnh và phần mềm chuyên dùng của ngành), gây khó khăn cho quá trình giải quyết TTHC.
 
Như một nhận xét của lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ trong cuộc họp về CCHC của tỉnh gần đây: “Còn tình trạng nhiều cơ quan xây dựng ISO nhưng mang tính hình thức nhiều hơn là thực chất”.
 
Phủ ISO toàn bộ  xã, phường 
 
Việc đưa ISO xuống xã, phường đã được Lâm Đồng bắt đầu từ năm 2016, đến thời điểm này, trong 147 xã, phường, thị trấn toàn tỉnh, đã có 2 xã là thị trấn Lạc Dương và thị trấn Liên Nghĩa áp dụng và công bố Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001. 
 
Nhằm nâng cao công tác CCHC của tỉnh tại UBND cấp xã, tỉnh trong đầu năm 2018 này đã có kế hoạch từng bước đưa ISO xuống xã, phường, theo đó, trong năm 2018 sẽ có 24 xã, phường, thị trấn trong tỉnh triển khai thí điểm; năm 2019 tiếp tục mở rộng đến 50% xã, phường trong tỉnh, đến 2021 sẽ áp dụng cho toàn bộ xã, phường, thị trấn còn lại trong tỉnh. 
 
Theo yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Ðồng gần đây, tỉnh sẽ rút ngắn thời gian đưa ISO xuống xã, phường để đến cuối năm 2020 toàn bộ 147 xã, phường trong tỉnh đều phải áp dụng ISO, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch.
 
Theo bà Phạm Thị Nhâm, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Lâm Đồng thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng, toàn bộ 24 xã, phường được chọn thí điểm trong tỉnh đến nay đã được triển khai ISO, đến tháng 9/2018 năm nay, tỉnh, từ việc áp dụng tại các xã thí điểm này sẽ hoàn tất chương trình khung để xây dựng mô hình khung áp dụng chung cho toàn bộ 121 xã, phường còn lại trong tỉnh.
 
Mô hình khung này khi triển khai theo bà Nhâm sẽ tiết kiệm được một khoản không nhỏ kinh phí tính cho từng xã. Cụ thể, nếu như mỗi xã được chọn thí điểm trong năm nay trung bình kinh phí khoảng 16 triệu đồng cho việc tập huấn cán bộ và các chi phí khác, tuy nhiên khi áp dụng mô hình khung thì số tiền này rút xuống chỉ còn một nửa, khoảng 8 triệu đồng cho mỗi xã, phường.
 
Cái khó nhất khi đưa ISO xuống xã, phường hiện nay theo bà Nhâm, chính là nguồn nhân lực còn rất hạn chế ở cấp xã, hầu hết cán bộ làm kiêm nhiệm, thiếu người phải làm việc hằng ngày nên không có thời gian đào tạo. Cơ sở vật chất thiếu thốn cũng là một vấn đề của cấp xã, phường khi nhiều đơn vị hiện nay phòng ốc chật hẹp, không đủ chỗ cho việc lưu hồ sơ, thiếu máy tính làm việc.
 
Một vấn đề khác cũng cần lưu ý trong triển khai ISO xuống xã là thiếu sự quan tâm của lãnh đạo xã, phường ở một số địa phương, lãnh đạo không sâu sát, không chỉ đạo kịp thời, không tìm cách giải quyết khó khăn. Một số huyện cũng chưa thực sự quan tâm và đồng hành với cấp xã nên khó triển khai kịp tiến độ. Nhiều xã, phường hiện nay vẫn chưa thường xuyên cập nhật văn bản mới, nhiều nơi đến nay vẫn còn sử dụng các văn bản cũ với các yêu cầu, thủ tục còn rườm rà. 
 
Nhằm đẩy nhanh tiến độ theo yêu cầu của tỉnh, theo bà Nhâm, các huyện, thành cần vào cuộc để đẩy nhanh tiến độ áp dụng ISO tại các xã, phường trên địa bàn của mình; đồng thời, Sở Tài chính tỉnh cũng cần chú ý kịp thời bổ sung kinh phí cho các địa phương theo kế hoạch thì tiến độ thực hiện mới đảm bảo được. 

ISO (The International Organization for Standardization) 
 
Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế, được thành lập từ năm 1947, hiện có trên 160 quốc gia trên thế giới là thành viên, trong đó có Việt Nam gia nhập từ năm 1977.
 
Bộ tiêu chuẩn ISO được đúc kết dựa trên các kinh nghiệm quản lý tốt trên toàn thế giới, với mục tiêu đảm bảo các tổ chức áp dụng nó có khả năng cung cấp một cách ổn định các sản phẩm đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, làm hài lòng khách hàng.
 
ISO từ lâu đã được mở rộng phạm vi áp dụng cho mọi tổ chức, không phân biệt loại hình, quy mô và sản phẩm trong đó có cả lĩnh vực quản lý hành chính, sự nghiệp.
 
Bộ ISO 
 
Hiện ISO có các bộ tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý chất lượng bao gồm Tiêu chuẩn áp dụng ISO 9001: 2000 với các phiên bản như 9001: 2008, 9001: 2015… và Tiêu chuẩn hướng dẫn như ISO 9001:2000, ISO 9004:2000, ISO 19011, IWA2…

VIẾT TRỌNG