Hướng hoạt động hiến máu nhân đạo về vùng nông thôn, đồng bào dân tộc

09:07, 16/07/2018

Mở rộng địa bàn hiến máu tình nguyện (HMTN) về vùng nông thôn, mở rộng đối tượng tham gia đến đồng bào dân tộc thiểu số - đang là cách làm của Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh Lâm Đồng trong những năm gần đây nhằm đẩy mạnh phong trào HMTN. Nhờ đó, công tác hiến máu nhân đạo cứu người trên địa bàn tỉnh đã có nhiều "đột phá" tích cực.

Mở rộng địa bàn hiến máu tình nguyện (HMTN) về vùng nông thôn, mở rộng đối tượng tham gia đến đồng bào dân tộc thiểu số - đang là cách làm của Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh Lâm Đồng trong những năm gần đây nhằm đẩy mạnh phong trào HMTN. Nhờ đó, công tác hiến máu nhân đạo cứu người trên địa bàn tỉnh đã có nhiều “đột phá” tích cực.
 
Công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển biến nhận thức của người dân về hiến máu tình nguyện. Ảnh: V.Q
Công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển biến nhận thức của người dân
về hiến máu tình nguyện. Ảnh: V.Q
Nhiều cách làm sáng tạo
 
Theo thống kê từ Hội CTĐ tỉnh, trung bình mỗi năm tỉnh Lâm Đồng vận động và tiếp nhận được khoảng 12.000 đơn vị máu từ HMTN. Hiện nay, việc cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân tại bệnh viện đa khoa không còn sử dụng nguồn máu từ người bán máu chuyên nghiệp, thay vào đó có 99% nguồn máu từ HMTN và người nhà bệnh nhân hiến máu. Tuy nhiên, nhu cầu về máu vẫn còn rất lớn khi Lâm Đồng là một trong các tỉnh có tỷ lệ bệnh liên quan về máu cần truyền máu ngày càng cao.
 
Theo ông Đỗ Hoàng Tuấn - Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh: Việc tổ chức HMTN trước đây chỉ tập trung nhiều ở khối cơ quan, các trường đại học, cao đẳng và tại trung tâm các huyện, thành phố nên chưa đáp ứng đủ số lượng máu cần thiết. Vì vậy, mở rộng địa điểm hiến máu và vận động các thành phần ở khối phường, xã trong tỉnh tham gia HMTN là một việc làm hết sức cần thiết.
 
Với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) chiếm khoảng 23% tổng số dân cư, công tác vận động HMTN ở vùng nông thôn không chỉ đáp ứng nhu cầu máu phục vụ cho cấp cứu và điều trị mà còn giáo dục lòng nhân đạo, sự sẻ chia trong cộng đồng với tinh thần: “Sẻ giọt máu đào, trao niềm hy vọng; Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”.
 
Để làm được điều này, các cấp Hội CTĐ đã triển khai việc HMNĐ vào tận các xã và cụm liên xã vùng sâu, vùng xa. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho người hiến máu, giúp người dân không mất nhiều thời gian, không phải di chuyển xa và phần nào đảm bảo sức khỏe cho người hiến máu. 
 
Bên cạnh đó, công tác vận động, tuyên truyền để thay đổi nhận thức cho người dân cũng được đẩy mạnh. Hội CTĐ các phường, xã, thị trấn đến tận từng thôn, từng hộ gia đình để vận động, tuyên truyền về lợi ích của việc hiến máu, quyền lợi của người hiến máu, tính nhân đạo của việc HMTN. Hệ thống loa phát thanh, tờ rơi, pa nô, áp phích cũng được tận dụng tối đa để người dân có thể tiếp cận thông tin về HMTN một cách dễ dàng, dễ hiểu và hiệu quả nhất.
 
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 100% số xã, phường có người tham gia hiến máu, tăng số người tham gia HMTN ở cấp xã, phường, thị trấn trong tỉnh từ 24,33% (năm 2017) lên 29,76% (năm 2020) trên tổng số người HMTN toàn tỉnh, Hội CTĐ tỉnh đã chú trọng việc tìm hiểu vấn đề chung về kinh tế, xã hội của từng địa phương, tìm hiểu về dân số, dân trí, đặc điểm tâm lý, xã hội của cộng đồng dân cư, tôn giáo, truyền thống văn hóa và nhận thức của người dân về HMTN.
 
Ngoài ra, Hội cũng chú ý khảo sát người chưa đủ tuổi hiến máu, bởi đây là lực lượng HMTN trong tương lai. Trên cơ sở khảo sát, nghiên cứu về các đối tượng, các cấp hội sẽ xác định nhóm đối tượng mục tiêu có thể là thanh niên, cán bộ công chức, viên chức, nông dân, nội trợ, tiểu thương... trên địa bàn xã, phường để tập trung tuyên truyền, vận động.
 
Chuyển biến rõ nét
 
“Từ những hoạt động tuyên truyền kiên trì, bền bỉ của đội ngũ cộng tác viên truyền thông Hội CTĐ tại cơ sở mà nhận thức của người dân, nhất là ĐBDTTS về HMNĐ đã có nhiều chuyển biến tích cực” - ông Đỗ Hoàng Tuấn cho hay.
 
Và Ngày hội HMTN được tổ chức ở huyện Lạc Dương vào Lễ phát động chiến dịch “Những giọt máu hồng” hè và Tôn vinh người hiến máu tiêu biểu năm 2018 diễn ra vào tháng 6 vừa rồi là một minh chứng cụ thể. Từ sáng sớm, rất đông người dân từ các xã đã tập trung về trung tâm huyện để tham gia hiến máu.
 
Đang ngồi đợi để lấy mẫu xét nghiệm máu, ông Rơ Ông Ha Lang (Thôn 1, xã Đưng KNớ) tươi cười chia sẻ: “Nghe tin huyện phát động đi hiến máu là tôi sắp xếp công việc ở nhà để tham gia ngay. Hôm nay tổ chức ở huyện, hơi xa nên chỉ mình tôi đi. Chứ năm ngoái, các bác sĩ vào tận xã, nên tôi vận động thêm anh em, họ hàng đi hiến máu cứu người. Hiến máu xong vừa khỏe người, vừa làm được điều tốt nên ai cũng hăng hái lắm”.
 
Ở huyện Lạc Dương - nơi có hơn 80% người dân là ĐBDTTS - số lượng người dân tham gia vào những ngày hội HMTN tăng dần đều theo các năm. Có những người hiến hơn chục lần như anh Cil Jim, Ha Minh, Ha Joh... Trong 7 năm qua, đội dự bị hiến máu của huyện cũng đã thường xuyên cung cấp hàng chục đơn vị máu cho bệnh viện các tuyến huyện, tỉnh, góp phần quan trọng vào việc cứu sống những trường hợp bệnh nhân đang trong cơn nguy kịch.
 
Những con số tăng dần qua các năm cũng là một minh chứng cho sự thay đổi đó: Nếu như năm 2014, các cấp phường, xã tổ chức được 15 đợt HMTN, số đơn vị máu thu được chiếm 21,73% và số người tham gia HMTN chỉ chiếm 15,63% trên toàn tỉnh thì năm 2016, đã tổ chức được 18 đợt, số đơn vị máu chiếm 26,47% và số người tham gia HMTN chiếm 21,29%.
 
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng những nỗ lực của Hội CTĐ các cấp trong tỉnh đều đang hướng đến mục tiêu phát triển phong trào HMTN bền vững, nhất là ở vùng nông thôn, vùng ĐBDTTS. Từ đó, giúp mọi người trong xã hội có nhận thức đầy đủ về HMTN, có thái độ đúng đắn và cuối cùng sẽ có sự thay đổi hành vi tham gia HMTN.
 
VIỆT QUỲNH