Kết nối cộng đồng cùng đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư

08:07, 20/07/2018

Thời gian qua, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở Ðức Trọng tiếp tục được triển khai, thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần trong nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy.

Thời gian qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở Ðức Trọng tiếp tục được triển khai, thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần trong nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy.
 
Xã Bình Thạnh là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện “Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”. Ảnh: N.M
Xã Bình Thạnh là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện “Nếp sống văn minh trong việc cưới,
việc tang, lễ hội”. Ảnh: N.M

Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) huyện Đức Trọng, những tháng đầu năm 2018, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được MTTQ từ huyện đến xã, thị trấn triển khai có hiệu quả, với 5 nội dung cụ thể, thiết thực, toàn diện, phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Một trong những nội dung nổi bật có thể kể đến là đoàn kết tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp. Dựa trên cơ sở 22 mô hình với các nội dung như xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, văn minh đô thị, vệ sinh môi trường, trật tự an toàn giao thông được công nhận năm 2017; đến nay, toàn huyện tiến hành nhân rộng và đã có 57 khu dân cư đăng ký xây dựng mô hình “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Trong đó, xây dựng 2 mô hình khu dân cư kiểu mẫu tại xã Phú Hội và Tân Hội, 6 mô hình do các tôn giáo chủ trì.
 
Xã Bình Thạnh với đặc thù có 98% dân số theo đạo, cũng là một trong những địa phương đi đầu trong việc thực hiện “Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”. Ở đây, các đám cưới, được tổ chức tiết kiệm, phù hợp với phong tục, tập quán của địa phương, chỉ tổ chức trong 1 ngày theo hướng giản tiện các nghi lễ; có nơi bỏ được thủ tục dạm ngõ, ăn uống linh đình, phô trương hình thức...; nhiều đám cưới được nhân dân tổ chức ở nhà văn hóa, nhà thờ. Việc tang lễ cũng được tổ chức chu đáo, tiết kiệm, loại bỏ dần các hủ tục kéo dài, các nghi lễ rườm rà, bớt dần tình trạng phúng viếng bằng vòng hoa quá nhiều, thay vào đó, mỗi công dân đủ 15 tuổi góp 3 ngàn đồng cho một tang lễ để hỗ trợ cho gia đình có người mất. Việc làm này đã trở thành việc làm thường xuyên, trách nhiệm, và cũng là nét đẹp trong đồng bào công giáo Bình Thạnh. 
 
Đặc biệt, đầu năm 2018, xã Bình Thạnh là địa phương được UBMTTQ tỉnh chọn làm điểm triển khai mô hình “Giáo họ an toàn sáng xanh - sạch - đẹp”. Ông Đoàn Thế Định - Chủ tịch UBMTTQ xã Bình Thạnh (Đức Trọng) cho biết, sau khi có công văn của UBMTTQ tỉnh chọn Bình Thạnh là địa phương triển khai mô hình “Giáo họ an toàn sáng xanh - sạch - đẹp”, Thường trực UBMTTQ xã đã làm việc và thống nhất với các linh mục lựa chọn giáo họ 6 của thôn Thanh Bình để triển khai mô hình trên. “Lúc đầu triển khai, chúng tôi gặp nhiều khó khăn, vì ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường chưa cao, vẫn còn xả nước thải ra mương thoát nước gây ô nhiễm môi trường. Sau khi Thường trực Mặt trận làm việc với các linh mục, cùng với các linh mục vận động nhân dân, nhận thức của người dân cũng dần thay đổi. Và nhân dịp sinh nhật Bác Hồ vào ngày 19/5 vừa qua, chúng tôi đã ra quân trồng khoảng 100 cây phân tán dọc Quốc lộ 27; trồng hoa lối dẫn vào khu dân cư. Từ nay tới cuối năm, chúng tôi sẽ cùng với các linh mục tiếp tục vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, đặc biệt là khu vực chợ Thanh Bình; bảo vệ cây phân tán vừa trồng” - ông Định phấn khởi cho biết thêm.
 
Cùng đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của huyện không chỉ góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức cộng đồng mà còn tạo sự gắn kết giữa các gia đình, dòng tộc... Mặt trận các cấp thường xuyên quan tâm thực hiện có hiệu quả phong trào giữ gìn nếp sống văn hóa, văn minh, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện xã hội hóa giáo dục, khai thác mọi nguồn lực của các cấp, các ngành, toàn xã hội để tăng cường cơ sở vật chất, trường lớp đáp ứng công tác giáo dục, giảng dạy, vận động con em trong độ tuổi vào lớp 1 đạt tỷ lệ cao, kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục.
 
Song song với đó, hệ thống các thiết chế văn hóa như nhà văn hóa, sân thể thao, các câu lạc bộ, các mô hình đã được xây dựng và phát triển, đời sống văn hóa được nâng lên, góp phần thúc đẩy kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giải quyết các chính sách xã hội. Phối hợp đẩy mạnh các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, chăm sóc các gia đình chính sách, người có công, thực hiện tốt công tác từ thiện, giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, hỏa hoạn, bị nhiễm chất độc dioxin, người có hoàn cảnh khó khăn...
 
Ngoài các hoạt động trên, UBMTTQ các cấp còn phát huy vai trò trong các hoạt động như: Đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững; đoàn kết chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; đoàn kết phát huy dân chủ, tích cực tham gia giám sát xã hội... Từ đó, tạo động lực cho nhân dân phấn khởi thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế; đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
 
NHẬT MINH