"Lặng" ở trường khiếm thính

08:07, 24/07/2018

Lặng nằm ở trong sân trường khiếm thính, bình yên như chính tên gọi của mình. Nơi đây trưng bày hàng trăm sản phẩm tranh thêu tay, quần áo được vẽ trang trí, nông sản sấy khô, hàng thủ công mỹ nghệ... do các em học sinh khiếm thính làm dưới sự hướng dẫn của thầy cô và các nghệ nhân.

Lặng nằm ở trong sân trường khiếm thính, bình yên như chính tên gọi của mình. Nơi đây trưng bày hàng trăm sản phẩm tranh thêu tay, quần áo được vẽ trang trí, nông sản sấy khô, hàng thủ công mỹ nghệ... do các em học sinh khiếm thính làm dưới sự hướng dẫn của thầy cô và các nghệ nhân.
 
Ngần và Ka Hà luôn vui vẻ vì được ở lại trường trông coi gian hàng. Ảnh: H.T
Ngần và Ka Hà luôn vui vẻ vì được ở lại trường trông coi gian hàng. Ảnh: H.T

Ở Lặng, mùi trà thơm tỏa ra trong không gian nhỏ ấm cúng dễ làm say lòng khách khi đặt những bước chân đầu tiên vào đây. 
 
Sau khi giúp khách gọi thức uống, Ka Hà nói cảm ơn bằng động tác đưa tay lên ngang cằm - lời cảm ơn bằng ngôn ngữ ký hiệu và trở lại chỗ ngồi quen thuộc bên khung tranh thêu. Đây là một trong những nghề thủ công mà Ka Hà giỏi nhất. Nhờ một cô giáo phiên dịch, chúng tôi biết Hà năm nay 15 tuổi, nhà ở Di Linh. Năm nay, Ka Hà cùng với 2 bạn Ngần và Thoa không về quê mà ở lại trông coi gian hàng thủ công Lặng này. Hằng ngày, ngoài việc phục vụ khách, cả ba em đều làm bạn với khung thêu, lò sấy để làm ra những sản phẩm trưng bày trong gian hàng. Hỏi Ka Hà nhiều thứ nhưng cô bé khá kiệm lời, em bảo rằng với bản thân mình, thêu là nghề em giỏi nhất và có thể ngồi kiên nhẫn nhiều giờ liền.
 
Như chính tên gọi, ở Lặng khá lặng lẽ, ít khi có tiếng nói ồn ào. Nhưng đặc biệt, với những em học sinh khiếm thính, nụ cười luôn thường trực trên môi. Không ít khách đến cứ ngẩn người nhìn những cô bé xinh xắn thoăn thoắt đôi bàn tay bên khung thêu và nở nụ cười thích thú. 
 
Cô Nguyễn Thị Lợi - Phó Hiệu trưởng Trường Khiếm thính Lâm Đồng cho biết, gian hàng Lặng ra đời là kết quả cho những tâm huyết của cả thầy cô và học trò. Trước đây, phần lớn các em học xong phải tự tìm kiếm công việc. Nhiều em học sinh sau khi rời khỏi trường thì trở về nhà hoặc đi làm thuê với đồng lương ít ỏi. Từ khi nhà trường bắt đầu mở rộng dạy cả cấp 2, các em có điều kiện học nghề một cách bài bản hơn nhưng những khó khăn vẫn còn đó. “Sản phẩm của các em làm ra từ tranh thêu, tranh vẽ, hoa giấy... cứ chất đống trong kho, không biết giải quyết thế nào, đồng thời các khoản chi phí cho nguyên vật liệu ngày càng cao. Từ đó ấp ủ có một gian hàng chuyên để trưng bày và bán các sản phẩm này ra đời. Sau nhiều nỗ lực của các thầy cô, mạnh thường quân thì điều này cũng trở thành hiện thực”, cô Lợi chia sẻ.
 
Trước tình hình đó, Trường Khiếm thính tăng cường dạy nghề nghiệp cho các em học và tiếp xúc nhiều nghề khác nhau để tìm ra thế mạnh, năng khiếu của mình. Các nghề thêu, may, làm bánh, làm xà phòng, làm hoa giấy... đều thu hút các em học sinh. Nhiều em có năng khiếu nhưng trước đó còn gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp, di chuyển nên chưa thể tiếp cận được hết các ngành nghề mà mình mong muốn.
 
Sau nhiều nỗ lực, vào tháng 4 vừa qua, Lặng chính thức ra đời. Những sản phẩm thủ công bắt mắt, đa dạng mẫu mã do chính tay các em học sinh của trường làm ra được sắp xếp gọn gàng trong từng góc nhỏ. Để có được thành quả này, thầy cô và các mạnh thường quân đã phải đi vận động ủng hộ từ nhiều nguồn, nhiều nơi. Một trong những người có đóng góp lớn là tiến sĩ Choi Young Suk - một tình nguyện viên người Hàn Quốc, và cũng là người đã có một khoảng thời gian khá dài gắn bó với học sinh đặc biệt ở Lâm Đồng. Bà cũng là người trực tiếp đứng ra hỗ trợ cho các em học sinh nguyên liệu làm xà phòng, chỉ thêu, màu vẽ...
 
Ngoài các sản phẩm thủ công, phần lớn các loại trà đều do chính tay các em học sinh gieo hạt, chăm sóc, thu hoạch và sấy tại trường, hoàn toàn tự nhiên. Mỗi công đoạn đều được các em chăm chút, tỉ mỉ. Nhiều hình vẽ theo mẫu được các em tự tay thêu lên những chiếc áo quần vô cùng xinh xắn, hay những chiếc túi xách được tạo ra từ quần áo cũ... vô cùng sáng tạo. 
 
Theo cô Lợi, từ khi gian hàng đi vào hoạt động, các sản phẩm thủ công nhận được nhiều sự ủng hộ của các đoàn khách ghé thăm nhà trường cũng như khách du lịch đến Đà Lạt. “Toàn bộ lợi nhuận từ gian hàng được dùng đầu tư cho việc học, mua sắm thêm nguyên liệu, thiết bị để hỗ trợ cho học tập và cuộc sống cho các em học sinh. Đồng thời cũng tạo thêm nhiều động lực để các em cố gắng học, tìm tòi nghiên cứu để phát triển nghề một cách tốt hơn. Vô năm học nhà trường dự định sẽ mở rộng thêm một số ngành nghề khác để giúp các em đa dạng các sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng ”, cô Lợi cho hay.
 
HỒNG THẮM