Lợi ích thiết thực từ thẻ bảo hiểm y tế

08:07, 02/07/2018

Bảo hiểm y tế là một trong những chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội của Ðảng và Nhà nước, là quyền lợi sát sườn của mỗi gia đình, mỗi người dân. Khi có thẻ BHYT trong tay, tất cả mọi người dân đều được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe khi bị bệnh, dù bạn là ai, là người nghèo hay người giàu!

Bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội của Ðảng và Nhà nước, là quyền lợi sát sườn của mỗi gia đình, mỗi người dân. Khi có thẻ BHYT trong tay, tất cả mọi người dân đều được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe khi bị bệnh, dù bạn là ai, là người nghèo hay người giàu!
 
Mua bảo hiểm y tế là để chăm sóc sức khỏe của mình và gia đình. Ảnh: T.V
Mua bảo hiểm y tế là để chăm sóc sức khỏe của mình và gia đình. Ảnh: T.V

Chị Nguyễn Thị May - một bệnh nhân đang nằm điều trị tại Khoa Nội - Tiêu hóa thuộc Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng cho hay, chị đã tham gia BHYT được 3 năm nay. Lúc đầu, chị chỉ mua BHYT cho bản thân, đến năm thứ hai, thấy lợi ích mà BHYT mang lại, chị đã quyết định mua BHYT cho cả gia đình gồm 4 người. “Mua bảo hiểm cả gia đình, chi phí cũng giảm so với việc chỉ mua một người. Hơn nữa, khi tham gia BHYT tôi yên tâm lắm, chẳng hạn như việc nằm điều trị bệnh như bây giờ. Trước đây, nếu chưa mua thẻ BHYT, mới nhập viện là đã lo ngay ngáy tiền viện phí, giờ thì có thẻ BHYT rồi mọi chi phí khám chữa bệnh đều được BHYT chi trả” - chị May chia sẻ.
 
Có thể thấy, việc tham gia BHYT đã mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, nhất là các gia đình có mức thu nhập thấp khi không may bị đau ốm bệnh tật, những tai nạn rủi ro, những bệnh nặng, bệnh nan y cần phải chữa trị dài ngày. BHYT là hình thức bảo hiểm để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện và toàn dân tham gia để chăm lo bảo vệ sức khỏe cho mỗi người dân, nhằm đảm bảo an sinh xã hội. BHYT mang lại công bằng về chăm sóc sức khỏe cho mọi người, đặc biệt là người nghèo, người cận nghèo và đồng bào dân tộc sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội còn khó khăn. 
 
Lợi ích của việc tham gia BHYT càng thấy rõ hơn, nhất là bắt đầu từ ngày 1/3/2016 việc điều chỉnh tăng với hơn 1.900 dịch vụ y tế, thì vai trò của thẻ BHYT lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Trung bình giá dịch vụ y tế tăng từ 20% - 30% và một số dịch vụ tăng gấp 2 đến 7 lần, như giá tiền công khám bệnh tại trạm y tế xã, phường, thị trấn, giá tiền ngày giường bệnh... 
 
Cụ thể, khi đi khám tại bệnh viện hạng I, hạng đặc biệt, bệnh nhân sẽ phải đóng 39 ngàn đồng/lần khám, tại bệnh viện hạng 2 là 35 ngàn đồng, hạng 3 là 31 ngàn đồng; hạng 4 và trạm y tế xã là 29 ngàn đồng. Hay như chụp X quang động mạch vành hoặc thông tim, chụp buồng tim tăng từ 5,1 triệu đồng lên gần 5,8 triệu đồng; chụp và can thiệp tim mạch từ 6 triệu đồng lên gần 6,7 triệu đồng cho một lần chụp; nội soi ổ bụng từ 575 ngàn đồng tăng lên 793 ngàn đồng; nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng có sinh thiết tăng từ 220 ngàn đồng lên 385 ngàn đồng...
 
Tại Lâm Đồng, việc triển khai thực hiện giá viện phí theo Thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 16/3/2017 của Bộ Y tế quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT được áp dụng với nhiều dịch vụ y tế có giá cao gấp từ 2 đến 7 lần so với giá đang thực hiện. Cụ thể như: Tiền công khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viên II Lâm Đồng, Bệnh viện Y học cổ truyền Phạm Ngọc Thạch tăng từ 12 ngàn đồng lên 35 ngàn đồng (tăng 2,9 lần); tại các trung tâm y tế tuyến huyện, thành phố tăng từ 8 ngàn đồng lên 31 ngàn đồng; tại phòng khám đa khoa khu vực tăng từ 5,5 ngàn đồng lên 29 ngàn đồng (tăng 5,3 lần)... Riêng giá giường bệnh tại các phòng khám đa khoa khu vực và giường lưu bệnh tại trạm y tế tăng rất cao, gấp 6-7 lần so với giá viện phí trước kia. Cụ thể giá các loại dịch vụ tại các bệnh viện được tính như sau: Ngày điều trị hồi sức tích cực tăng từ 260 ngàn đồng lên 568,9 ngàn đồng (tăng 2,2 lần); ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu chống độc tăng từ 80.000 đồng lên 279,1 ngàn đồng (tăng 3,5 lần); giường bệnh tại phòng khám đa khoa khu vực từ 16 ngàn đồng tăng lên 108 ngàn đồng (tăng 6,8 lần)...; Giá các loại dịch vụ kỹ thuật như siêu âm màu, siêu âm Doppler màu tim 4D (3D REAL TIME), chụp hệ tiết niệu có tiêm thuốc cản quang (UIV)... cũng tăng từ 1,7 đến 3 lần so với mức giá viện phí cũ. Mức giá là theo tối đa của Thông tư 02 và bằng mức giá Thông tư 37 hiện nay đang áp dụng đối với người có thẻ BHYT. Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này để tạo sự bình đẳng giữa người có thẻ BHYT và người không có thẻ, nhằm khuyến khích người dân tham gia BHYT.
 
Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội tỉnh, sau hơn 3 năm thực hiện Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014 đến nay, tỷ lệ bao phủ BHYT trong cả nước nói chung và tại tỉnh Lâm Đồng nói riêng đã tăng trưởng khá nhanh. Nếu năm 2014, toàn tỉnh mới chỉ có 64% dân số tham gia BHYT, tương ứng với 806 ngàn người thì đến năm 2017 đã có 1.023 ngàn người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân trên địa bàn 78,8%. Trong 6 tháng đầu năm 2018, số người tham gia BHYT của tỉnh đã tăng lên 1.026 ngàn người, với số người tăng lên 3.000 người so với năm 2017. 
 
Tuy nhiên, con số này hiện vẫn còn khá thấp so với mặt bằng chung của cả nước. Thực tế cho thấy, đã có nhiều gia đình người bệnh chưa tham gia BHYT nên khi mắc bệnh trọng đã gặp quá nhiều khó khăn trong quá trình điều trị, nhiều người đã phải cầm cố cả tài sản hoặc vay mượn khắp nơi, từ anh em, họ hàng đến bạn bè mới thấm thía giá trị của tấm thẻ BHYT. Vì vậy, mỗi người dân cần thấy rõ giá trị của tấm thẻ BHYT khi không may bị ốm đau, đồng thời nhận thức đây là chính sách an sinh xã hội, nhiều người hỗ trợ một người trong việc chi trả chi phí khám, chữa bệnh, để từ đó tự nguyện tham gia BHYT để được chăm sóc sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.
 
THY VŨ