Làm kinh tế giỏi, sẻ chia cùng những hoàn cảnh khó khăn

08:07, 13/07/2018

Ðến Hiệp An (Ðức Trọng) lập nghiệp cách đây gần 30 năm, từ hai bàn tay trắng, đến nay, vợ chồng ông Dương Thanh Bình đã tích lũy cho mình khối tài sản mà nhiều người mơ ước. Và, đặc biệt hơn, không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Bình còn luôn sẵn lòng giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.

Ðến Hiệp An (Ðức Trọng) lập nghiệp cách đây gần 30 năm, từ hai bàn tay trắng, đến nay, vợ chồng ông Dương Thanh Bình đã tích lũy cho mình khối tài sản mà nhiều người mơ ước. Và, đặc biệt hơn, không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Bình còn luôn sẵn lòng giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
 
Ông Dương Thanh Bình. Ảnh: T.V
Ông Dương Thanh Bình. Ảnh: T.V

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Dương Thanh Bình đúng vào dịp bác vừa được Hội Người cao tuổi huyện Đức Trọng tặng giấy khen về thành tích làm kinh tế giỏi giai đoạn 2014-2018. Ông Bình cho biết, để có kết quả như hôm nay, là cả một quãng thời gian đầy khó khăn, vất vả khi cả gia đình quyết định rời quê hương Bắc Giang vào Lâm Đồng lập nghiệp. “Đó là vào năm 1992, tôi đưa cả gia đình 6 người vào đây lập nghiệp. Những ngày đầu vào đây, ai thuê gì làm nấy, chỉ mong có người thuê mướn để có việc mà làm. Lúc bấy giờ, ngoài làm thuê, gia đình tôi chẳng biết canh tác gì, vì thú thật, lúc đó vẫn còn bỡ ngỡ trong việc trồng trọt, sản xuất nông nghiệp, vì kinh nghiệm không có, đất sản xuất cũng không” - ông Bình cho biết.
 
Nhưng rồi, vốn là cựu chiến binh, ông tự nhủ mình không thể nào cứ chịu mãi cảnh làm ăn thua thiệt. Vậy là ông quyết định phải tự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ những hộ gia đình làm nông nghiệp giỏi trong vùng Định An nơi ông sinh sống, rồi tìm về tận huyện Đơn Dương để học tập cách thức trồng bông, trồng rau, từ đó đúc rút kinh nghiệm cho bản thân. “Tôi còn nhớ năm đó là năm 1997, lần đầu tiên tôi được một người quen làm ở một công ty của Đài Loan về đây thuê đất trồng bông cho ít giống bông lay ơn, vậy là trồng thử trong vườn. Vụ đó, tôi thu được 27 triệu đồng, một số tiền khá lớn đối với gia đình tôi lúc bấy giờ và tôi cũng bén duyên trồng bông từ ngày đó” - ông Bình nhớ lại. 
 
Cùng với thời gian, nguồn thu hoạch của gia đình ông Bình từ rau, hoa cũng ngày càng đạt năng suất cao, dù không thể tránh được những lần làm ăn thua lỗ do được mùa mất giá, được giá mất mùa, hay bệnh tật... Có tiền, gia đình ông lại mua thêm đất để mở rộng sản xuất. Từ 1 sào đất mua được từ những ngày đầu vào đây lập nghiệp, đến nay, gia đình ông đã mua được 1,5 ha đất để canh tác, thu nhập trung bình mỗi năm của gia đình ông mỗi năm đạt gần 500 triệu đồng. “Muốn làm kinh tế giỏi, trước tiên phải chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm làm ăn của những người đi trước, nhất là những người làm giỏi, thu nhập cao, có sản phẩm chất lượng tốt. Bên cạnh đó, cũng phải thường xuyên tiếp cận với những tài liệu khuyến nông để áp dụng khoa học, kỹ thuật cho từng loại cây trồng. Và quan trọng là phải thường xuyên nắm bắt giá cả thị trường rau, hoa để có cách ứng phó...” - ông Bình chia sẻ về kinh nghiệm làm ăn của mình.
 
Ông Bình cho hay, 4 người con của ông cũng đã trưởng thành, chủ yếu làm nghề buôn rau, hoa nên vợ chồng ông chủ yếu trồng các loại rau mà các con hay buôn để bán tận các đầu mối. Riêng bông thì tết năm nào gia đình ông cũng trồng để bán. Ngoài ra, còn thu mua rau, bông của bà con để gửi về các nơi tiêu thụ như Sài Gòn hoặc các tỉnh lẻ. 
 
Không chỉ làm kinh tế giỏi, nhiều năm qua, gia đình ông Bình còn luôn sẵn lòng giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đó là giúp bằng tiền cho khoảng 150 lượt người, giúp vàng được 35 lượt người, tiền giúp người cao nhất là 250 triệu đồng, vàng giúp người nhiều nhất là 60 chỉ. Hình thức giúp cũng đa dạng, có thể ngắn ngày, hoặc dài ngày để bà con đầu tư sản xuất hay làm nhà, mua đất, nhưng tất cả đều không lấy một đồng tiền lời.
 
Nói về ông Dương Thanh Bình, ông Lê Đăng Tuấn - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Hiệp An, nói: “Bác Bình là một hội viên Hội Người cao tuổi, hội viên cựu chiến binh và hội viên gia đình chính sách rất năng nổ, nhiệt tình trong các phong trào chung của thôn K’Long, cũng như xã Hiệp An. Bác cũng rất tích cực vận động các hội viên khác tham gia sôi nổi các phong trào do thôn, xã phát động. Đặc biệt, bác Bình còn có một tấm lòng đáng trân trọng, luôn nhiệt tình giúp đỡ người khác về kinh nghiệm sản xuất, cũng như sẵn lòng cho bà con vay, mượn mà không hề lấy lãi. Đây thật sự là một tấm gương sáng để mọi người noi theo”.
 
THY VŨ