Ðức Trọng thành công trong việc đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức tự nhiên

08:07, 11/07/2018

Theo thống kê của Trung tâm Dân số huyện, những năm trước đây, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở Ðức Trọng tiếp tục tăng cao ở một số địa phương; kết quả thực hiện các biện pháp tránh thai không ổn định, đặc biệt tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) cao và chưa có dấu hiệu cải thiện.

Theo thống kê của Trung tâm Dân số huyện, những năm trước đây, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở Ðức Trọng tiếp tục tăng cao ở một số địa phương; kết quả thực hiện các biện pháp tránh thai không ổn định, đặc biệt tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) cao và chưa có dấu hiệu cải thiện.
 
Trong 2 năm liên tiếp (2010, 2011), tỷ số giới tính khi sinh ở Đức Trọng tăng khá cao: Năm 2010 là 115 bé trai/100 bé gái, năm 2011 là 116 bé trai/100 bé gái. Tỷ lệ này có sự chênh lệch lớn ở một số xã như: Tà Năng, Ninh Loan, Bình Thạnh, Tà Hine và tỷ lệ trung bình giai đoạn 2009-2011 của các xã này tương ứng là 123, 125, 124 và 121. Khi đó, những người làm công tác dân số ở Đức Trọng nhận định: Nếu tỷ số này không được khống chế mà vẫn tiếp tục tăng với tốc độ như vậy sẽ trở thành vấn đề nghiêm trọng trong tương lai, ảnh hưởng đến cơ cấu giới tính và nhân khẩu học trên địa bàn toàn huyện.
 
Từ thực trạng đó, lãnh đạo Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Đức Trọng tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch phê duyệt Đề án Can thiệp giảm thiểu MCBGTKS và ban hành quyết định thành lập Ban Quản lý Đề án và quy chế hoạt động của Ban. Bước đầu, đề án được triển khai tại 8 xã, sau đó tăng lên 15 xã, thị trấn trên toàn huyện. Mục tiêu đầu tiên của đề án hướng tới là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội về ý nghĩa của việc triển khai đề án và những hệ lụy của việc MCBGTKS.
 
Trưởng Ban Quản lý, điều hành Đề án là lãnh đạo HĐND, UBND nên công tác triển khai đề án rất thuận lợi, các ban, ngành, đoàn thể trong huyện đều chung tay triển khai. Hàng tháng, triển khai lồng ghép vào các hội nghị của các ban, ngành, đoàn thể để chuyển tải những nội dung, thông điệp về MCBGTKS đến mọi tầng lớp nhân dân như công nhân, người cao tuổi, phụ nữ, thanh niên; phối hợp với Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện, hệ thống loa phát thanh xã, thị trấn phát sóng, đưa các tin, bài, phóng sự tuyên truyền nguyên nhân, hậu quả của MCBGTKS, cấp phát hàng nghìn tờ rơi, sách mỏng và hàng chục pano nhằm đa dạng hóa, nâng cao hiệu quả truyền thông, đẩy mạnh Đề án an thiệp giảm thiểu MCBGTKS.
 
Để giảm thiểu tình trạng MCBGTKS trên địa bàn, Đức Trọng đã có nhiều giải pháp. Hàng năm, Trung tâm DS-KHHGĐ Đức Trọng tổ chức các hội thảo cung cấp thông tin cho lãnh đạo Đảng, chính quyền, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở. Tư vấn, cung cấp thông tin trực tiếp về thực trạng, hậu quả cũng như các văn bản nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi cho hàng nghìn cặp nam, nữ thanh niên đến đăng ký kết hôn tại UBND xã, thị trấn.
 
Mặt khác, Trung tâm DS-KHHGĐ chủ động tham mưu UBND huyện phối hợp tổ chức các cuộc thanh, kiểm tra việc thực thi pháp luật về cấm lựa chọn giới tính thai nhi tại 12 cơ sở y tế có dịch vụ siêu âm, nạo phá thai và cơ sở kinh doanh văn hóa phẩm trên địa bàn, tuyên truyền thực hiện các quy định của pháp luật về cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng truyền thông, tư vấn về không sinh con thứ 3, không lựa chọn giới tính thai nhi cho cán bộ tư pháp xã, cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số, cán bộ y tế thôn bản.
 
Nhờ triển khai thực hiện các giải pháp và hoạt động can thiệp giảm thiểu MCBGTKS trong những năm qua, tốc độ gia tăng tỷ lệ giới tính khi sinh của huyện đã được khống chế. Qua gần 3 năm triển khai đề án, tỷ lệ MCBGTKS đã giảm xuống rõ rệt, cụ thể: Năm 2013, tỷ số giới tính khi sinh là 106 nam/100 nữ, năm 2014 là 104 nam/100 nữ, năm 2015 là 103 nam/100 nữ và duy trì kết quả tốt. Năm 2017, tỉ số giới tính khi sinh của Đức Trọng là 106,9/100, ở trong mức tự nhiên (từ 103-107/100).
 
Chị Võ Thị Kim Loan, cán bộ truyền thông huyện Đức Trọng chia sẻ: “Kinh nghiệm thực tế cho thấy nơi nào có sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo huyện và sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thì nơi đó công tác DS - KHHGĐ luôn đạt hiệu quả cao chứ không riêng gì về khắc phục được tình trạng MCBGTKS”.
 
CÔNG NAM