Những ngày hè ý nghĩa

08:07, 13/07/2018

Chúng tôi đến lớp, những đứa trẻ có nước da ngăm đen, đôi mắt sáng ngời ngước lên nhìn, nở nụ cười tươi rói. Tất cả có hơn 80 em, được chia thành nhiều khu vực khác nhau theo độ tuổi, lớp lớn học toán, lớp nhỏ tập viết...

Chúng tôi đến lớp, những đứa trẻ có nước da ngăm đen, đôi mắt sáng ngời ngước lên nhìn, nở nụ cười tươi rói. Tất cả có hơn 80 em, được chia thành nhiều khu vực khác nhau theo độ tuổi, lớp lớn học toán, lớp nhỏ tập viết...
 
Ka Nhi đang kiên nhẫn chỉ cho Ka Xuyến ghi nhớ từng loại màu sắc. Ảnh: H.T
Ka Nhi đang kiên nhẫn chỉ cho Ka Xuyến ghi nhớ từng loại màu sắc. Ảnh: H.T

Sau khi nghe giới thiệu về các vị khách, chúng cất tiếng chào kèm theo cái khoanh tay trước ngực một cách lễ phép. Đó là những đứa trẻ mới đầu thì có vẻ khép nép nhưng chỉ cần chơi với chúng một lát thì chúng trở nên cực kỳ tình cảm, gặp đâu cũng chào với chất giọng lơ lớ của mình. 
 
Với đám trẻ con ở thôn Thực Nghiệm (xã Mê Linh, huyện Lâm Hà), 3 tháng hè sẽ là khoảng thời gian cùng cha mẹ lên rẫy, mò cua, bắt ốc bên sông. Một vài đứa lớn hơn sẽ phải đi làm thuê kiếm tiền phụ cha mẹ nuôi đàn em ở nhà. Thống kê cho thấy, thôn Thực Nghiệm có khoảng 800 nhân khẩu thì 1/3 trong số đó là trẻ em. Chị Long Dinh Ka Điệp - cán bộ y tế thôn bản cho biết sở dĩ như vậy vì có nhiều hộ gia đình sinh tới 4, 5 người con. Đông con, thiếu đất sản xuất dẫn đến tình trạng đói nghèo thường xuyên.
 
Thế nên từ khi xuất hiện lớp học hè do nhóm tình nguyện của cô gái trẻ Phạm Ngọc Uyên Nhi (TP Hồ Chí Minh) tổ chức, các em đều hào hứng tham gia. Hơn 80 em được chia thành các lớp theo đúng độ tuổi. Sáng học văn hóa, chiều học kỹ năng sống, tập làm đồ thủ công, tìm hiểu về ẩm thực... 
 
Dù đã 9 tuổi nhưng cô bé Ka Lin vẫn đang tập nắn nót từng từ trong quyển vở tập viết bởi so với chúng bạn, em có phần chậm hơn. Ka Lin bảo rằng hè được đi học, được chơi cùng các bạn, em vui lắm. “Viết chữ khó quá, viết, em viết mãi mà chẳng đẹp như các bạn”, Ka Lin cười xòa.
 
Khác với Ka Lin, cậu bé K’Bích nhỏ hơn 2 tuổi dường như kiên nhẫn hơn. Thỉnh thoảng, cậu bé lại ra bộ đăm chiêu, đưa tay gãi gãi đầu. Hóa ra là gặp từ khó, K’Bích loay hoay không biết viết thế nào cho đúng. Dẫu vậy, nhìn dáng vẻ cần mẫn, chăm chỉ liên tục viết rồi xóa, rồi lại viết tiếp của em, chúng tôi và Ka Nhi bất giác nở nụ cười. Cái nhìn âu yếm mà Ka Nhi và các tình nguyện viên trẻ dành cho các em học sinh, có lẽ họ đang hạnh phúc.
 
Hạnh phúc ở tuổi 24 của một cô gái trẻ như Phạm Ngọc Uyên Nhi có lẽ là chính những thứ mà cô đang dành cho các em nhỏ ở thôn Thực Nghiệm này. Để trở nên gần gũi với các em, Uyên Nhi quyết định “đổi” tên mình thành Ka Nhi - đúng như cái cách mà các ông bố, bà mẹ K’ho đặt tên cho đứa con gái của mình.
 
Ka Nhi cho biết, trong thời gian hoạt động 1 tháng, lớp học bên cạnh việc phụ đạo, củng cố thêm cho các em những kiến thức đã được học ở trường thì còn giúp các em tiếp cận thêm nhiều kỹ năng khác như làm đồ thủ công, học các kỹ năng giao tiếp cơ bản, hát, múa... Với những món đồ thủ công đã làm được, vào những ngày cuối tuần, một phiên chợ sẽ được mở ra để các em bày bán, kiếm tiền mua nguyên liệu làm thêm nhiều sản phẩm khác nữa.
 
“Tình trạng nghèo đói kéo theo việc các em lớn tuổi thường bỏ học để theo cha mẹ lên nương rẫy hoặc ở nhà để chăm sóc em. Các bậc phụ huynh cũng không có nhiều thời gian quan tâm đến con cái nên các em thường sống bản năng, bộc phát những hành vi thiếu kiểm soát. Chúng mình ở đây để giúp các em hiểu hơn về cuộc sống ngoài kia, biết lao động và quý trọng sức lao động, biết dành tình cảm yêu thương, hiếu thảo với mẹ cha…”, Ka Nhi chia sẻ.
 
Đây là năm thứ 2 liên tiếp Ka Nhi gắn bó mùa hè của mình với các em nhỏ và phụ huynh ở Thực Nghiệm. Ka Nhi bảo rằng mình không tham vọng có thể dạy toàn bộ kiến thức phổ thông cho các em mà chỉ mong có thể góp phần giúp các em hiểu hơn về kỹ năng sống, một số kiến thức về giới tính cho những em sắp bước vào lứa tuổi dậy thì… 
 
“Ở đây có những đứa trẻ nhút nhát, các em thiếu nhiều cơ hội tiếp xúc với thế giới bên ngoài, thậm chí có em còn chưa bao giờ rời khỏi ngôi làng mà mình đã sinh ra. Có đi và đến những nơi thế này các bạn mới thấy rằng mình đang có một cuộc sống đủ đầy hơn các em rất nhiều”, Ka Nhi tâm sự.
 
Sau giờ học buổi sáng, chúng tôi cùng Ka Nhi đến nhà Ka Diên, Ka Dân để tìm hiểu lý do vắng học. Hóa ra hai đứa ở nhà phụ mẹ phơi lúa, trông em. Thấy chúng tôi, mẹ của Ka Diên gãi đầu bối rối vì đoán được phần nào nguyên nhân. Thông qua vài câu chuyện nhỏ, buổi chiều hôm ấy, cả Ka Diên và Ka Dân cùng được chạy nhảy với đám bạn trong khoảnh sân nhỏ. Mấy đứa xúm lại cùng đan một chiếc vòng tay, tiếng cười nói cứ thế rộn lên, trong veo...
 
HỒNG THẮM