Vấn đề dân số và phát triển

08:07, 11/07/2018

Chủ đề Ngày Dân số Thế giới 11/7 năm nay: "Thành công của kế hoạch hóa gia đình là tiền đề cho phát triển bền vững" một lần nữa khẳng định sự đúng đắn khi tiếp cận vấn đề dân số gắn với phát triển bền vững là xu hướng tất yếu mang tính toàn cầu. 

Chủ đề Ngày Dân số Thế giới 11/7 năm nay: “Thành công của kế hoạch hóa gia đình là tiền đề cho phát triển bền vững” một lần nữa khẳng định sự đúng đắn khi tiếp cận vấn đề dân số gắn với phát triển bền vững là xu hướng tất yếu mang tính toàn cầu. 
 
Chăm sóc trẻ sơ sinh tại Khoa Sản - Trung tâm Y tế Di Linh. Ảnh: A.N
Chăm sóc trẻ sơ sinh tại Khoa Sản - Trung tâm Y tế Di Linh. Ảnh: A.N

Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “về công tác dân số trong tình hình mới”. Mục đích nhằm quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, có hiệu quả các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp về công tác dân số trong tình hình mới, nhằm nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, duy trì mức sinh hợp lý, giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu và phân bố dân số, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu CNH-HĐH và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo Nghị quyết 21-NQ/TW. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, của cả hệ thống chính trị và nhân dân đối với công tác dân số trong tình hình mới. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý thống nhất của Nhà nước trong việc tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) sang dân số và phát triển. Khắc phục những hạn chế và tồn tại trong công tác dân số thời gian qua, đảm bảo thực hiện đạt các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể Nghị quyết 21-NQ/TW đề ra, góp phần phát triển địa phương nhanh và bền vững.
 
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, Lâm Đồng duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số toàn tỉnh 1.515.700 người. Giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa vùng đồng bào DTTS và thành thị; mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại; giảm 2/3 số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn. Tỉ lệ giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; tỉ lệ người phụ thuộc đạt khoảng 49%. Tỉ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%; giảm 50% số cặp tảo hôn; 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 loại bệnh bẩm sinh phổ biến nhất. Tuổi thọ bình quân của người dân Lâm Đồng đạt 74,5 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm. 100% người cao tuổi có thẻ BHYT, được quản lý sức khỏe, được khám, chữa bệnh, chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung. 100% dân số của tỉnh được đăng ký, quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư thống nhất trên quy mô toàn quốc...
 
Cùng với việc ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, Tỉnh ủy đã xác định 45 nhiệm vụ quan trọng phân công cho các đơn vị, sở, ngành thực hiện từ năm 2018 - 2020. Trong đó có một số nhiệm vụ cấp bách như: Xây dựng đề án sáp nhập Trung tâm Dân số - KHHGĐ cấp huyện vào Trung tâm Y tế cấp huyện; xây dựng kế hoạch thực hiện đề án mô hình và tổ chức bộ máy chuyên trách làm công tác dân số các cấp; xây dựng kế hoạch thực hiện đề án thí điểm mạng lưới cộng tác viên thực hiện công tác dân số, gia đình và trẻ em ở cộng đồng; xây dựng kế hoạch thực hiện đề án quy định cơ chế phối hợp liên ngành về dân số và phát triển; xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy định về phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước về chi cho công tác dân số; đề án truyền thông dân số đến năm 2030...
 
Theo Chi cục Dân số - KHHGĐ, trong quý I/2018, toàn tỉnh có tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên 10,2%; tỷ số giới tính khi sinh là 102,1 trẻ nam/100 trẻ nữ. Đảm bảo cung cấp kịp thời và đầy đủ các phương tiện tránh thai cho đối tượng có nhu cầu thực hiện các biện pháp tránh thai, toàn tỉnh có 176.443 cặp vợ chồng đang sử dụng các biện pháp tránh thai, đạt 73,2%, đã vận động được 80.910 đối tượng thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại. 
 
Tầm soát các dị dạng, bệnh tật bẩm sinh và nâng cao chất lượng dân số về thể chất thông qua đẩy mạnh hoạt động sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh nhằm nâng cao sức khỏe, giảm bệnh tật bẩm sinh của trẻ sơ sinh, nhất là bệnh, tật và tử vong có liên quan đến các yếu tố di truyền được triển khai tại 12 huyện, thành phố với 147 xã, phường, thị trấn. Kết quả đã sàng lọc trước sinh cho 2.206 trường hợp trên tổng số 11.209 bà mẹ mang thai; sàng lọc sơ sinh cho 167 trường hợp trên 4.975 trẻ sinh ra, qua đó phát hiện 3 trường hợp thiếu men G6PD và phát hiện 1 trẻ dị dạng bẩm sinh.
 
Đề án tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân triển khai tại 12 huyện, thành phố với 147 xã, phường, thị trấn, duy trì và nhân rộng 60 câu lạc bộ (CLB) với 2.918 thành viên tham gia. Kiểm soát tốc độ gia tăng tỉ số giới tính khi sinh triển khai tại 12 huyện, thành phố với 147 xã, phường, thị trấn, tổ chức truyền thông, cấp phát tờ rơi cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, đặc biệt là vợ chồng đã có con gái không lựa chọn giới tính thai nhi khi sinh, duy trì sinh hoạt được 53 CLB với 1.789 thành viên. 
 
Trong công tác truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số đã tổ chức 145 buổi hội nghị, tọa đàm, thảo luận nhóm cho 2.248 lượt người tham dự là lãnh đạo cấp ủy, Ban chỉ đạo công tác Dân số - KHHGĐ và các tổ chức chính trị, xã hội. Tổ chức nói chuyện lồng ghép về công tác dân số và phát triển thông qua hình thức thảo luận, họp nhóm, họp tổ, nói chuyện chuyên đề được 692 buổi với 16.685 lượt người tham gia; 1.072 buổi tư vấn nhóm nhỏ cho 12.522 lượt người; thăm và tư vấn tại hộ gia đình 9.366 lượt cho 20.279 người tham dự. 
 
Hoạt động tư vấn, truyền thông CLB tư vấn tiền hôn nhân 259 buổi cho 6.878 lượt người; tư vấn về mất cân bằng giới tính khi sinh và bình đẳng giới 492 buổi cho 11.448 lượt người; tư vấn về sức khỏe sinh sản thông qua mô hình CLB tư vấn tiền hôn nhân và vị thành niên, thanh niên 163 buổi cho 4.267 lượt người; tuyên truyền thông qua mô hình đưa chính sách dân số vào hương ước, quy ước thôn, tổ dân phố được 180 buổi cho 5.334 lượt người tham gia. Cấp phát 21.226 tờ rơi, 366 tài liệu, 578 tranh tuyên truyền cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh. Các sản phẩm truyền thông đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung về công tác dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, lợi ích sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh, bình đẳng giới và mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. 
 
Về hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản, toàn tỉnh có số phụ nữ được quản lý thai chiếm 97,3%, số phụ nữ đẻ được cán bộ y tế đỡ đạt 99,80%; số bà mẹ đẻ được khám thai ≥ 3 lần trong thai kỳ đạt 96,2%. Số mắc tai biến sản khoa được ghi nhận 8 trường hợp (băng huyết 7 ca, sản giật 1 ca), không có tử vong mẹ do tai biến sản khoa. Tổng số lượt khám phụ khoa là 31.828 người, số mắc bệnh phụ khoa được điều trị là 13.312 lượt người. 
 
Công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi được thực hiện theo hướng dẫn của Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 - 2020. Tổng số người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên toàn tỉnh chiếm 9,3% dân số. Hiện toàn tỉnh xây dựng và duy trì 19 CLB liên thế hệ với 923 thành viên tham gia.
 
AN NHIÊN