Phụ nữ Ðức Long giúp nhau làm kinh tế

08:07, 27/07/2018

Tổ hợp tác là nơi các chị em trong chi hội phụ nữ thôn Ðức Long (xã Hoài Ðức, huyện Lâm Hà) cùng nhau trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, hỗ trợ nguyên liệu... để phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm ở địa phương.

Tổ hợp tác (THT) là nơi các chị em trong chi hội phụ nữ thôn Ðức Long (xã Hoài Ðức, huyện Lâm Hà) cùng nhau trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, hỗ trợ nguyên liệu... để phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm ở địa phương.
 
Kinh tế gia đình phụ nữ ở Đức Long ổn định hơn nhờ nghề trồng dâu nuôi tằm. Ảnh: H.Thắm
Kinh tế gia đình phụ nữ ở Đức Long ổn định hơn nhờ nghề trồng dâu nuôi tằm. Ảnh: H.Thắm

Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn dâu đang vào vụ xanh tốt, chị Phạm Thị Nhật phấn khởi cho biết, hiện gia đình đang sửa chữa lại căn nhà, chuẩn bị mua 2 hộp tằm con về nuôi lấy kén. Không chỉ riêng gia đình chị Nhật mà nhìn rộng ra xung quanh, diện tích gần 2 ha phía trước mặt cũng phủ một màu xanh mơn mởn. 
 
“Trước đây, diện tích này là vùng trũng, sình lầy nên chủ yếu bà con mình làm 1 năm 1 vụ lúa. Vừa vất vả lại chẳng có thu nên tôi bàn với chồng lấy đất sau đồi để san bằng, trồng dâu hay cây công nghiệp lâu năm gì cũng được. Thấy hiệu quả nên các hộ xung quanh cũng làm theo, kết quả mới được như bây giờ”, chị Nhật chia sẻ.
 
Sau một năm thành lập, THT trồng dâu nuôi tằm thôn Đức Long hiện có 10 thành viên với khoảng 3 ha diện tích đất sản xuất. Dù không nhiều nhưng với số lượng từ 1 - 2 hộp tằm/hộ thì cũng phần nào giúp đỡ các chị em tổ viên ổn định mức thu nhập.
 
Trồng dâu nuôi tằm không phải là nghề xa lạ với người dân ở Đức Long nói riêng và ở Lâm Hà nói chung. Tuy nhiên, trước biến động của thị trường, không phải ai cũng giữ được nghề trong suốt thời gian qua. Chị Dương Thị Lương - Tổ trưởng THT cho biết, nhờ giá kén cao mà gần đây nghề nuôi tằm mới phát triển trở lại. Nhờ vào kinh nghiệm giữ nghề hơn 10 năm nay mà tổ trưởng THT cũng đồng thời là người thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm cho các chị em.
 
“Chỉ là nghề dạy nghề nên mình kinh nghiệm hơn các chị em khác thôi, gần như “chăn” tằm chẳng hỏng lứa nào. Trước đây, chị em cũng thường xuyên giúp đỡ lẫn nhau, mỗi khi có việc cũng hay tìm đến nhau trao đổi. Từ ngày thành lập THT, chúng tôi sinh hoạt mỗi tháng một lần, tìm hiểu khó khăn, chia sẻ cùng nhau”, chị Lương cho biết.
 
Không chỉ vậy, THT cũng hình thành tổ đổi công để giúp đỡ nhau những ngày bận rộn. Và khi đó, vừa làm vừa chia sẻ kinh nghiệm trực tiếp cùng nhau. “Nhà nào chẳng may thiếu dâu, khó khăn về kinh phí thì ngay lập tức có THT giúp đỡ. Hay đến ngày tằm chín mà không có người làm thì dù tối muộn các chị cũng chạy sang giúp mình. Đó là cái đáng quý nhất mà chị em ở tổ dành cho nhau trong suốt thời gian vừa qua”, chị Nhật chia sẻ thêm.
 
Chị Nguyễn Thị Thảo, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hoài Đức cho biết, trước đây khi có chủ trương thành lập một mô hình cho chị em phụ nữ thì cũng đã có nhiều phương án được đưa ra như CLB văn nghệ, mô hình áo dài, rau sạch... nhưng nghĩ đến hiệu quả thiết thực nhất là phải động viên kinh tế, dựa trên thế mạnh vốn có của địa phương nên đã quyết định thành lập THT trồng dâu nuôi tằm ở thôn Đức Long.
 
Từ khi thành lập THT cũng nhận được sự hỗ trợ, đặc biệt là nguồn vốn vay phát triển sản xuất từ chương trình phối hợp với Trung tâm nông nghiệp với số tiền 15 triệu đồng/hộ. Số tiền tuy không nhiều nhưng tức thời giải quyết được khó khăn, tạo vốn đầu tư nong né, giống dâu, phân bón, dàn bép tưới..., tạo động lực để các chị em cùng cố gắng vươn lên.
 
Nhưng cũng theo chị Thảo, hiện khó khăn mà THT phải đối mặt đó là chưa có thị trường tiêu thụ ổn định. Phần lớn các gia đình phải tự mua, bán kén tằm cho thương lái nên có chênh lệch giá so với thị trường. Thôn Đức Long nằm ở khá xa trung tâm, đường sá chưa được đầu tư xây dựng nên việc tìm nơi tiêu thụ vẫn còn khó khăn. Không chỉ là nỗi lòng của từng tổ viên, đây cũng chính là bài toán mà địa phương đang tìm hướng giải quyết.
 
HỒNG THẮM