Hướng đến phát triển bền vững

08:07, 18/07/2018

Theo kế hoạch, vào cuối tháng 7 này sẽ diễn ra hội thảo khoa học quy hoạch chung thành phố (TP) Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2035 giữa lãnh đạo tỉnh và các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý… Cũng trong tháng 7, UBND tỉnh đã chính thức phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung TP Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2040 (Quyết định số 1364/QÐ-UBND ngày 5/7/2018).

Theo kế hoạch, vào cuối tháng 7 này sẽ diễn ra hội thảo khoa học quy hoạch chung thành phố (TP) Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2035 giữa lãnh đạo tỉnh và các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý… Cũng trong tháng 7, UBND tỉnh đã chính thức phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung TP Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2040 (Quyết định số 1364/QÐ-UBND ngày 5/7/2018).
 
Một góc đô thị TP Bảo Lộc hôm nay. Ảnh: M.Đ
Một góc đô thị TP Bảo Lộc hôm nay. Ảnh: M.Đ

Nhiệm vụ quy hoạch chung đã được giới hạn phạm vi nghiên cứu trực tiếp gồm 6 phường, 5 xã hiện có của TP Bảo Lộc và 5 xã của huyện Bảo Lâm: Lộc An, Lộc Tân, Lộc Thành, Lộc Nam và Tân Lạc. Cùng đó là phạm vi nghiên cứu mở rộng xung quanh. Theo Quyết định, diện tích lập quy hoạch TP Bảo Lộc và vùng phụ cận được xác định 597,71 km 2. Mục tiêu hướng đến là Bảo Lộc sẽ phát triển thành đô thị loại II vào năm 2020 và tiệm cận tiêu chí đô thị loại I vào năm 2040, theo xu hướng trở thành tỉnh lỵ. Vì vậy, trong tương lai đây sẽ là trung tâm chính trị - hành chính cấp tỉnh. Cùng đó, tính chất đô thị là sự phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, mang đặc trưng phù hợp. TP Bảo Lộc trong tương lai là trung tâm của nhiều lĩnh vực như: dịch vụ - thương mại hỗn hợp; văn hóa thể thao cấp quốc gia; nông nghiệp chuyên canh ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ du lịch cấp vùng và quốc gia; y tế - giáo dục cấp vùng; nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe cấp vùng và quốc gia; kiểm định hàng hóa và xuất nhập khẩu cấp vùng; công nghiệp phụ trợ… Địa bàn này còn là đầu mối giao thương của vùng tỉnh với các vùng: TP Hồ Chí Minh, Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ và vị trí quan trọng về quốc phòng an ninh của Tây Nguyên. 
 
Theo dự báo, TP Bảo Lộc vào năm 2030 có dân số khoảng 257.900 người và năm 2040 khoảng 320.000 người. Cùng đó, chỉ tiêu đất dân dụng khoảng 80-90 m 2/người; trong đó, đất ở 45-50 m 2/người, đất cây xanh 8-10 m 2/người, đất công trình công cộng 6-8 m 2/người và đất giao thông 14-18 m 2/người. Với những mục tiêu, tính chất và dự báo nêu trên, Quyết định đặt ra những nội dung cần nghiên cứu theo các định hướng phát triển về đô thị và tổ chức không gian, hạ tầng kỹ thuật, thiết kế, môi trường… Bản vẽ quy hoạch về sử dụng đất, kiến trúc cảnh quan, hệ thống hạ tầng, giao thông, môi trường, đánh giá về đất xây dựng, bản đồ không gian đô thị, bản đồ quy hoạch sử dụng đất và phân khu chức năng các giai đoạn… có tỷ lệ 1/10.000; bản vẽ sơ đồ kết cấu phát triển đô thị có tỷ lệ 1/10.000 hoặc 1/25.000. 
 
Vấn đề quy hoạch phát triển đô thị có tính chiến lược dài hơi là mục tiêu quan trọng đáp ứng xu thế, lợi thế phát triển của một vùng; đồng thời là nhiệm vụ rất lớn trong lĩnh vực xây dựng. Để đủ cơ sở khoa học và thực tiễn ban hành Quyết định số 1364 vừa qua, trước hết, đối tượng được xem xét trên cơ sở các đồ án quy hoạch xây dựng trước đây của TP Bảo Lộc (từ quy hoạch chung đến quy hoạch chi tiết) và các đồ án quy hoạch chung đô thị trong vùng phụ cận (gồm các huyện Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên). Kế tiếp, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, từ tháng 11/2017, Sở Xây dựng Lâm Đồng đã triển khai tổ chức lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư đối với Nhiệm vụ lập Đồ án quy hoạch chung TP Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Kết quả, nhiều ý kiến đóng góp cụ thể từ phía cấp ủy, chính quyền, các phòng, ban chuyên môn, tổ chức đoàn thể và hơn 400 ý kiến của hai địa phương TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm tham gia. Và tháng 3/2018, UBND tỉnh đã tổ chức một hội thảo khoa học có chất lượng về “Định hướng phát triển không gian quy hoạch đô thị TP Bảo Lộc và vùng phụ cận, đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050”.   
 
Tại hội thảo được tổ chức vào tháng 3/2018 nêu trên, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến đã ghi nhận sự đóng góp tâm huyết, nhiều kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý. Cùng đó, đồng chí Bí thư cũng mong tiếp tục nhận được nhiều ý kiến góp ý từ các đại biểu như là sự “đặt hàng” đối với phát triển đô thị TP Bảo Lộc trên nhiều lĩnh vực như không gian đô thị 20-30 năm sau, hình thái kiến trúc đô thị cảnh quan, định hướng kinh tế, hạ tầng hiện đại và thông minh, môi trường bền vững, kiến trúc đặc trưng, nền văn hóa độc đáo và chính quyền điện tử… Còn Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh về một trong những định hướng quy hoạch kiến trúc và phát triển đô thị TP Bảo Lộc phải là “một đô thị hiện đại và văn minh; một cấu trúc đô thị bền vững với hệ thống kiến trúc - hạ tầng thông minh; một môi trường sống chất lượng, an lành và sinh thái; một nền kinh tế tăng trưởng xanh, gắn với đặc trưng kinh tế nông nghiệp đô thị của vùng; một thành phố thu hút nhiều nguồn lực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế công - nông nghiệp, du lịch, dịch vụ và thương mại”...
 
Hy vọng TP Bảo Lộc, một đô thị phát triển trong tương lai sẽ hội đủ những ưu điểm lợi thế nhất trong điều kiện khả thi và phù hợp. Tuy nhiên, nói như chuyên gia, kiến trúc sư, thạc sĩ Trần Đức Lộc: “Công việc này thật không đơn giản, không chỉ từ phía những nhà quản lý hoạch định chiến lược, các cơ quan thẩm định chuyên môn, mà đến từng kiến trúc sư khi được tham gia thiết kế quy hoạch, kiến trúc công trình và cả người dân Bảo Lộc (nói riêng) và vùng phía Nam Lâm Đồng (nói chung) cũng phải đồng tình, thống nhất quan điểm, nhận diện được hướng đi và tầm nhìn cho định hướng phát triển quy hoạch TP Bảo Lộc trong tương lai. Nếu không làm công việc khó khăn này, thật khó làm nên một quy hoạch đô thị có bản sắc - như cách nói của một người bạn họa sĩ là “không có nét phác thảo đầu tiên, sẽ khó chọn được gam màu đẹp cho một bức tranh có chủ đích” thật đúng ý trong trường hợp này”.  
 
MINH ÐẠO