Trọn đời theo Ðảng

08:07, 12/07/2018

Sáng nào cũng vậy, bắt đầu từ năm giờ, một người đàn ông tuổi bát tuần, chòm râu như đuôi bông lau trắng, lại cùng chiếc xe đạp chạy vòng quanh thị trấn và kết thúc vào lúc sáu giờ.

Ngày nào ông Phả cũng đọc báo Lâm Đồng để giới thiệu thông tin cho mọi người. Ảnh: N.T.T
Ngày nào ông Phả cũng đọc báo Lâm Đồng
để giới thiệu thông tin cho mọi người. Ảnh: N.T.T
Sáng nào cũng vậy, bắt đầu từ năm giờ, một người đàn ông tuổi bát tuần, chòm râu như đuôi bông lau trắng, lại cùng chiếc xe đạp chạy vòng quanh thị trấn và kết thúc vào lúc sáu giờ.
 
Đúng lúc ấy, một người đàn bà nhỏ nhắn trong bộ bà ba, đầu chít khăn mỏ quạ, miệng nhai trầu thuốc, cũng cỡ tuổi ông đứng đón ở cổng, giọng xởi lởi:
 
- Để xe tôi dắt cho, ông vào uống trà nóng rồi hãy tắm. Áo đẫm mồ hôi rồi đây này.
 
Đó là cặp vợ chồng ông Nguyễn Văn Phả, bà Nguyễn Thị Cài, ông bà cùng sinh hoạt tại Chi hội Cựu chiến binh Tổ dân phố 2D, thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh. 
 
Ông Nguyễn Văn Phả sinh năm 1937 tại Thường Tín, Hà Tây, nay là Hà Nội. Ở tuổi 81, nhưng ông còn khỏe và minh mẫn. Giọng nói trầm, vang, có sức lôi cuốn người nghe. Ông cho biết:
 
- Tháng 2/1952, khi mới 15 tuổi, mình đã tham gia du kích ở xã, làm liên lạc. Tháng 6/1953 xung phong vào bộ đội. Chỉ huy thấy mình mới 16 tuổi, người nhỏ, không nhận. Mình cứ ở lỳ. Bằng mọi cách như khóc, bỏ ăn… mình đã được ở lại.
 
Ông cho tôi xem cuốn sổ khá lớn, trong đó lưu giữ các loại giấy khen, ảnh đồng đội và người thân trong gia đình. Ông cẩn thận ép nhựa từng trang. Theo ông cuốn sổ đó như bằng chứng sống cho con cháu sau này sẽ biết ông bà, cha mẹ chúng một thời đã làm gì, để giữ gìn, học tập và phát huy truyền thống gia đình. 
 
Tôi thật sự ngạc nhiên về một tờ giấy cỡ A4, đã ố vàng, nhưng nội dung thì chứa đựng một kỷ niệm không thể nào quên của đời ông. Đó là tấm giấy khen của Ban Chỉ huy Tỉnh đội Hà Đông (sau sát nhập với tỉnh Sơn Tây thành Hà Tây), ghi ngày 21 tháng 2 năm 1954, khen ông vì một chiến công đặc biệt. Thấy tôi chăm chú đọc, rồi lật đi lật lại tấm giấy, hình như ông cũng xúc động, và ký ức ở cái tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu của ông hiện về:
 
- Chuẩn bị cho Điện Biên Phủ, mình được tham gia trận đánh đầu tiên để hỗ trợ chiến dịch. Biết địch từ Hà Đông qua đường 6 mò lên Hòa Bình, qua Sơn La đến Điện Biên, mình được chỉ huy bộ đội địa phương giao đặt mìn phá xe cơ giới. Tại một đoạn đường 6 cạnh chùa Trầm, huyện Chương Mỹ, mình dùng lưỡi lê của súng AK để đào hố chôn mìn chờ địch đi qua. Và, mìn đã nổ trúng đích, phá hỏng một xe và tiêu diệt 4 tên địch.
 
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ hai năm, năm 1957 ông được phục viên. Ở tuổi 20 đầy nhiệt huyết, ông hăng hái tham gia công tác ở địa phương. Chỉ hai năm sau, ông được vinh dự kết nạp vào Đảng - ngày 5/6/1959.
 
Nhưng, do yêu cầu của tình hình mới, Mỹ đổ quân vào miền Nam ngày một đông. Tháng 4/1965, nghe theo tiếng gọi của Đảng, ông tái ngũ, lên đường vào Nam cầm súng tiếp tục cuộc chiến đấu mới. Chiến trường nơi ông đóng quân là một vùng ác liệt: Quảng Trị. Ông làm trợ lý 1 thuộc Ban Chính trị, Trung đoàn 52, Sư 320 B. Từ 1968 đến 1980, suốt 12 năm đánh địch, bám đất, giữ dân và  sau 1975, ông tham gia một trận tuyến mới là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ông Nguyễn Văn Phả đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người lính Bộ đội Cụ Hồ. Đại úy Nguyễn Văn Phả được chuyển ngành vào Lâm Đồng xây dựng vùng đất mới với cương vị: Phó Ban Tổ chức Huyện ủy huyện Đạ Huoai, rồi Huyện ủy Đạ Tẻh. Đến năm 1984, ông được nghỉ hưu.
 
Người hưu mà trí không hưu. Phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, ông tham gia Hội Cựu chiến binh. Suốt 22 năm, từ 1990 đến 2012, ông liên tục giữ các chức vụ: Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Đạ Tẻh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Đạ Tẻh (ba khóa liền), Ủy viên Thường vụ Hội Cựu chiến binh tỉnh Lâm Đồng (hai khóa). 
 
Tôi hỏi, trong những năm tham gia công tác Hội Cựu chiến binh ở huyện, điều gì khiến ông tâm đắc nhất? 
 
- Kỷ luật anh ạ. Kỷ luật làm nên sức mạnh một tổ chức. Nhưng với cựu chiến binh thì trước hết cần động viên họ phát huy truyền thống. Tự hào nhưng không tự cao, tự đại. Kỷ luật phải thấu tình đạt lý, khơi dậy tinh thần tự giác, gương mẫu của người lính khi trở về đời thường. Theo Đảng thì theo đến cùng.
 
Trên thực tế, hoạt động của Hội Cựu chiến binh huyện Đạ Tẻh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Từ việc thường xuyên chăm lo, giúp đỡ cựu chiến binh nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, phát triển kinh tế gia đình, xóa đói, giảm nghèo, làm giàu hợp pháp, đến việc tổ chức các hoạt động tình nghĩa để cựu chiến binh tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.
 
Nghĩ được, làm được, nên ông đã cùng đồng đội cố gắng phấn đấu thực hiện bằng được công việc mà Đảng và Nhà nước giao cho. Ông đã được Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tặng hai bằng khen vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Và Huyện ủy Đạ Tẻh biểu dương là tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2007 - 2009. Gần 70 năm trọn đời theo Đảng, vì nước vì dân, ông Phả đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Nay dù tuổi cao xứng đáng được nghỉ ngơi, nhưng việc Hội, việc tổ dân phố, việc nhà, ông vẫn sinh hoạt và cống hiến đều đặn, nêu tấm gương sáng: Trọn đời theo Đảng, cho con, cháu và mọi người noi theo.
 
Ký chân dung: NGUYỄN THƯỢNG THIÊM