Hồi ức của người lính đặc công năm xưa

08:07, 13/07/2018

Mười tám tuổi, ông giác ngộ cách mạng đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, luôn tin tưởng vào Ðảng và Bác Hồ. Suốt thời gian tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông cùng đồng đội đã băng rừng, lội suối tham gia hàng chục trận đánh tiêu diệt địch, bảo vệ quê hương, đất nước. Ông chính là Ðại tá Nguyễn Ðức Phó (71 tuổi, nguyên Phó Chỉ huy trưởng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Ðồng).

Mười tám tuổi, ông giác ngộ cách mạng đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, luôn tin tưởng vào Ðảng và Bác Hồ. Suốt thời gian tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông cùng đồng đội đã băng rừng, lội suối tham gia hàng chục trận đánh tiêu diệt địch, bảo vệ quê hương, đất nước. Ông chính là Ðại tá Nguyễn Ðức Phó (71 tuổi, nguyên Phó Chỉ huy trưởng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Ðồng).
 
Cựu binh Nguyễn Đức Phó (bìa trái) kể lại những ký ức oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước
Cựu binh Nguyễn Đức Phó (bìa trái) kể lại những ký ức oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Luôn tin vào Ðảng và Bác Hồ
 
Dẫu biết cuộc chiến ngày nào giờ đã lùi xa, nhưng ký ức về những tháng năm hy sinh gian khổ, về tình đồng đội yêu thương gắn bó nhau vẫn còn mãi trong trái tim đầy cảm xúc của người cựu binh Nguyễn Đức Phó. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước nồng nàn tại xã Bình Dương (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), năm 1964, chàng trai trẻ Nguyễn Đức Phó theo người thân rời quê hương Quảng Ngãi vào Bảo Lộc (Lâm Đồng) làm thuê kiếm sống. Một năm sau, lúc vừa tròn 18 tuổi, cũng như bao thanh niên yêu nước thời bấy giờ, ông Phó đã xung phong gia nhập Đại đội Đặc công c715 (Lực lượng vũ trang Lâm Đồng). Nhớ lại đời binh nghiệp của mình, ông Phó cho biết: “Năm 1965, khi tôi vừa tham gia cách mạng, do lực lượng của ta ở Lâm Đồng còn mỏng nên ban ngày bị địch khống chế, buộc chúng tôi vào rừng hoạt động để xây dựng lực lượng. Còn ban đêm, chúng tôi lại băng rừng, lội suối tìm về các bản làng nắm tình hình của địch và làm công tác tuyên truyền, giác ngộ chủ trương, chính sách của Đảng và Bác Hồ cho người dân cùng tham gia làm cách mạng. Đối với bản thân mình, tôi xác định “ra đi không hẹn ngày về”, luôn tin vào Đảng và Bác Hồ về một ngày mai thắng lợi, hòa bình để quyết tâm theo các chú, các bác và các anh trong đơn vị học hỏi, rèn luyện làm cách mạng”.
 
Năm 1968, ông Phó vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam và được đơn vị tín nhiệm giao trọng trách làm Chính trị viên phó Đại đội Đặc công c715. Dù quân địch hùng hậu, lớn mạnh và được trang bị vũ khí hiện đại, tối tân nhưng mỗi lần được cấp trên giao nhiệm vụ, ông Phó và đồng đội luôn xác định “đã đánh là phải bằng mọi cách tiêu diệt được địch”. Vì thế, hầu hết các trận đánh của Đại đội Đặc công c715 do ông Phó trực tiếp chỉ huy đều chọn các thế trận du kích, phục kích và tập kích để tiêu diệt địch. Sau mỗi trận đánh, ông cùng đồng đội tự rút ra cho mình nhiều bài học kinh nghiệm để tham gia những trận đánh lớn, nhỏ sau này cùng quân, dân cả nước quyết tâm thực hiện mục đích cao cả, thiêng liêng của dân tộc theo như mong muốn của Bác Hồ “Vì độc lập, vì tự do. Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.
 
Ba trận đánh để đời
 
Trong đời binh nghiệp của mình, người cựu binh này cùng các đồng đội đã tham gia hàng chục trận đánh lớn, nhỏ tiêu diệt địch. Trong đó, có 3 trận đánh để đời mà ông Phó tự bảo lòng mình “không được phép quên”.
 
Vậy là ký ức của những năm tháng gian khổ, nhưng hào hùng của một thời lửa đạn lại ùa về trong ông. Rồi ông bắt đầu kể về trận đánh tiêu diệt Đại đội Thám sát biệt hiệu 407 của địch. Kể về trận đánh này, ông Phó rơm rớm nước mắt: “Trước trận đánh này, tôi nghe tin ở thôn Mỹ Lai, làng Sơn Mỹ (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi - quê tôi) xảy ra một vụ thảm sát của lính Mỹ đã giết chết 504 dân thường vô tội. Vì vậy, lòng căm thù giặc Mỹ trong bản thân tôi và đồng đội lúc bấy giờ cứ sục sôi và quyết trả thù cho đồng bào ta ở Mỹ Lai”.
 
Ông Phó hồi tưởng: Sau khi nắm tình hình về quân địch và biết được vào đêm 14/6/1968, Đại đội Thám sát 407 của quân Mỹ từ Di Linh hành quân xuống đèo Bảo Lộc, nên cấp trên đã giao nhiệm vụ cho Đại đội c715 phục kích tiêu diệt. Nhận lệnh, tôi cùng các đồng đội chủ động hành quân xây dựng trận địa phục kích tại Cây số 3 (nay thuộc khu vực Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Di Linh). Khi quân địch vừa tới, chúng tôi đã đồng loạt nổ súng đánh úp khiến chúng không kịp trở tay. Trận đánh này, chúng tôi đã tiêu diệt gọn cả đại đội của địch và thu trên 30 khẩu súng các loại. Trong đó, bản thân tôi đã tự tay bắt sống 2 tên chỉ huy của Mỹ. Theo ông Phó thì đây là trận đánh lớn đầu tiên mà ông trực tiếp tham gia kể từ khi bắt đầu tham gia làm cách mạng.
 
Tiếp theo là trận đánh phá hủy hậu cứ Lữ đoàn dù 173 của Mỹ tại sân bay Khu 6, thị xã B’Lao (nay thuộc Phường 2, TP Bảo Lộc). Ông Phó nhớ như in về trận đánh: “Tại hậu cứ Lữ đoàn dù của Mỹ được xây dựng lô cốt vững chắc, cùng nhiều vũ khí, phương tiện chiến đấu hiện đại. Đại đội Đặc công chúng tôi được giao nhiệm vụ trực tiếp tham gia tấn công hậu cứ. Đêm 18 rạng sáng ngày 19/1/1969, tôi cùng các đồng đội nổ súng tập kích vào Lữ đoàn dù của địch. Cùng lúc, Đơn vị nữ Pháo binh 8/3 đã bắn hàng trăm quả đạn cối 82 ly vào Tòa hành chính và Sân bay Kon Hin Đạ để ngăn địch đưa lực lượng chi viện cho Lữ đoàn dù. Bị chúng tôi tập kích bất ngờ, số đông quân Mỹ trong các dãy nhà, lô cốt bị tiêu diệt, chống trả yếu ớt. Sau hơn 30 phút đánh vào hậu cứ, chúng tôi đã phá hủy 1 máy bay trực thăng, 1 khẩu pháo, 4 xe quân sự, đốt cháy 1 kho xăng và đánh sập 24 lô cốt, hầm chiến đấu của quân Mỹ. Kết thúc trận đánh, mặc dù không chiếm được hậu cứ của địch nhưng đã giáng một đòn cực mạnh làm thiệt hại nặng về phương tiện chiến tranh và hao tổn sinh lực địch. Sau trận đánh này, ông Phó vinh dự được Bộ Tư lệnh Miền tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Chiến thắng cũng đã tạo lòng tin, sự phấn khởi để người dân Bảo Lộc đồng loạt nổi dậy giúp bộ đội địa phương tham gia phá ấp, phá tổ chức phòng vệ dân sự của địch để đòi tự do đi lại, làm ăn.
 
Cuối cùng là trận đánh tiêu diệt toàn bộ một đại đội quân Mỹ. Thời gian này, trước tình hình giặc Mỹ cho quân càn quét vùng suối Đạ Ri Am - Đạ Giam (nay thuộc xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm) để truy tìm tiêu diệt bộ đội ta. Ông Phó kể rành mạch: “Để đối phó quân địch, tôi và một số đồng đội được giao nhiệm vụ trinh sát bám theo lộ trình hành quân của địch. Qua đó, chúng tôi nắm bắt được, đại đội quân địch có khoảng 125 - 130 tên, do một viên đại úy người Mỹ chỉ huy, sẽ hạ trại đóng quân bên kia suối Đạ Giam hòng mai phục quân ta. Ngay sau đó, chúng tôi đã báo cáo Sở chỉ huy xin lệnh chỉ đạo tiêu diệt địch. Nhận lệnh cấp trên, vào đêm 7/4/1969, tôi và 11 đồng đội trong Đại đội Đặc công cùng 12 đồng chí thuộc Đại đội 744 tiến hành tập kích quân địch. Trong trận đánh này, tôi được giao nhiệm vụ “điểm hỏa” tấn công địch”.
 
Trong cơn mưa dầm của đêm Tây Nguyên tháng 4, sau hơn 4 giờ băng rừng, lội suối, đến khoảng 12 giờ đêm mùng 6 rạng sáng ngày 7/4, ông Phó cùng các đồng đội đã tiếp cận được điểm hạ trại của quân địch. Ngay sau đó, thế trận được bày bố sẵn để chờ thời cơ “chín muồi” tấn công. Đến khoảng 4 giờ 30 sáng, phát hiện quân địch “thoát ly công sự”, ông Phó đã dùng mìn DH 20 “điểm hỏa” trận đánh. Ngay sau đó, các đồng đội từ 2 hướng đã dùng cối 82 ly, lưu đạn và súng AK đồng loạt tấn công vào lán trại địch. Bị tấn công đợt đầu tiên khoảng 10 phút thì cả đại đội lính Mỹ gần như tê liệt. “Lúc đó, tôi cùng các đồng đội thừa thắng xông lên làm chủ trận địa. Trong lúc xung phong, tôi đã bị một tên lính Mỹ bị thương bắn trúng vào đùi trái làm gãy xương. Sau đó, các đồng đội của tôi đã tiêu diệt toàn bộ lính Mỹ, làm chủ trận địa, thu giữ hàng chục khẩu súng và đồ quân sự của Mỹ” - ông Phó nhớ lại giây phút sinh tử của trận đánh. Sau trận đánh vang dội này, Lực lượng vũ trang tỉnh Lâm Đồng đã được Bộ chỉ huy Miền tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì và bản thân ông Phó được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất.
 
Sau khi bị thương, ông Nguyễn Đức Phó được điều động qua làm Chính trị viên Đại đội 710 và tiếp tục cầm súng đánh Mỹ cho đến khi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thắng lợi, miền Nam được giải phóng, nước nhà hoàn toàn thống nhất. Sau giải phóng, ông Phó được điều về giữ chức vụ Phó Tiểu đoàn trưởng D719 tỉnh Lâm Đồng và tiếp tục chỉ huy bộ đội truy quyét Fulro. Cuối năm 1976, ông được điều về Trường Quân chính (Quân khu 6 cũ, đóng tại Tháp Chàm, Ninh Thuận). Năm 1984, ông được điều về giữ chức Phó Chỉ huy trưởng, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bảo Lộc. Năm 1989 được bổ nhiệm Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bảo Lộc. Năm 1997, ông được bổ nhiệm Phó Chỉ huy trưởng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng. Đến năm 2004, nhận quyết định nghỉ hưu về lại địa phương, ông được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội CCB TP Bảo Lộc đến cuối năm 2017.
 
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về những năm tháng chiến đấu gian khổ, oanh liệt vẫn đầy ắp trong những câu chuyện mà người lính đặc công Nguyễn Đức Phó thường kể cho con cháu, đồng nghiệp. Và, sự hy sinh, đóng góp xương máu của ông đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng nhiều huân chương, huy chương cao quý; trong đó, có ba Huân chương Chiến công (hạng Nhất, Nhì và Ba). Cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, những đóng góp của ông đã truyền cảm hứng, thắp lên ngọn lửa thi đua ái quốc đến con cháu và cả thế hệ trẻ địa phương.
 
KHÁNH PHÚC - HỮU LINH