Thắp nén tâm hương cho người nằm dưới cỏ

03:07, 25/07/2018

(LĐ online) - Khu di tích Thành cổ Quảng Trị được xem là nghĩa trang liệt sỹ quốc gia thứ 3 (Nghĩa trang Trường Sơn và Nghĩa trang Đường 9) của tỉnh Quảng Trị. Nơi đây, hàng vạn những người con trên khắp mọi miền đất nước đã ngã xuống trong trận đánh ác liệt 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972 (28/6/1972 - 16/9/1972). 

(LĐ online) - Khu di tích Thành cổ Quảng Trị được xem là nghĩa trang liệt sỹ quốc gia thứ 3 (Nghĩa trang Trường Sơn và Nghĩa trang Đường 9) của tỉnh Quảng Trị. Nơi đây, hàng vạn những người con trên khắp mọi miền đất nước đã ngã xuống trong trận đánh ác liệt 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972 (28/6/1972 - 16/9/1972). 
 
Dấu xưa Thành cổ
Dấu xưa Thành cổ
 
Thành cổ Quảng Trị nằm ở trung tâm thị xã Quảng Trị, chỉ cách Quốc lộ 1A 2 km về phía Bắc, cách sông Thạch Hãn huyền thoại và linh thiêng 500 m về phía Đông. Theo các tư liệu lịch sử, để trấn giữ phía bắc kinh đô Huế, năm 1802, vua Gia Long đã cho đắp thành Quảng Trị tại phường Tiền Kiên (thuộc huyện Triệu Giang - Triệu Phong ngày nay), đến năm 1809 thì dời dinh lỵ về xã Thạch Hãn, huyện Hải Lăng, nay là thị xã Quảng Trị. Nguyên gốc thành đắp bằng đất hình vuông, đến năm 1837 mới xây bằng gạch. Thành có kiến trúc kiểu vô-băng (thành quân sự) với 4 góc nhô hẳn ra ngoài, dùng làm pháo đài canh giữ. Thành có chu vi 2.080 m, tường cao 4,29 m, chân tường dày 12,75 m. Thành có các cửa tiền, hậu, tả, hữu xây hình vòm cuốn, trên có vọng lâu. Bên ngoài thành là hào bao quanh, sâu 3,4 m, rộng 34,85 m. Trong thành có các công trình kiến trúc như: Hành cung, cột cờ, dinh tuần vũ, dinh án sát, dinh lãnh binh, ty phiên, ty niết, kho thóc, nhà lính... 
 
Theo các tư liệu lịch sử tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị, ngày 30/3/1972, hai Sư đoàn 304 và 308 của ta với sự hỗ trợ của các trung đoàn xe tăng và pháo binh đã vượt qua khu phi quân sự tại giới tuyến 17 chia cắt 2 miền. Đồng thời từ phía Tây, Sư đoàn 324B với xe tăng hỗ trợ theo Đường 9 từ Lào vượt qua Khe Sanh tiến vào thung lũng sông Thạch Hãn. Quân ta tiến đánh vào các vị trí phòng thủ làm tan rã lực lượng địch. Ngày 28/4, ta chiếm được Đông Hà. Ngày 2/5, thị xã Quảng Trị được giải phóng. Để mất Quảng Trị, Mỹ - Ngụy đã điên cuồng mở cuộc phản kích tái chiếm Quảng Trị. Trong đó mục tiêu số 1 là phải chiếm được Thành cổ Quảng Trị. Thị xã Quảng Trị trong 81 ngày đêm (từ 28/6 đến 16/9/1972) được ví như một túi bom. Trung bình mỗi ngày địch huy động 150 - 170 lần chiếc máy bay phản lực, 70 - 90 lần chiếc B52 để ném bom huỷ diệt thị xã và Thành cổ Quảng Trị. Với diện tích chưa đầy 3 cây số vuông, trong 81 ngày đêm thị xã và Thành cổ Quảng Trị phải gánh chịu 328.000 tấn bom đạn - tương đương 7 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Nhật Bản. Dù trên mình mang đầy thương tích nhưng các anh vẫn chiến đấu ngoan cường, người này ngã xuống, người khác lại đến thay. Báo Quân đội nhân dân ra ngày 9/8/1972 viết “Mỗi mét vuông đất mà các chiến sĩ ta giành được ở Thành cổ Quảng Trị thực sự là một mét vuông máu”. 
 
Trời Thành cổ trong xanh và lộng gió
Trời Thành cổ trong xanh và lộng gió
 
Cho đến hôm nay, vẫn còn hàng vạn Anh hùng liệt sỹ đang yên nghỉ dưới mảnh đất này, vì thế Thành cổ Quảng Trị được xây dựng thành một công viên văn hoá, tưởng niệm và tri ân tôn vinh những người đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây. “Cho tôi hôm nay vào Thành cổ thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ. Cỏ xanh non tơ cỏ xanh non tơ xin chớ vô tình”. Lời bài hát “Cỏ non Thành cổ” của nhạc sĩ Tân Huyền cũng chính là lời nhắn nhủ của cựu chiến binh Phạm Đình Lân từ Hà Nội về thăm lại chiến trường xưa. Ông đến với đài tưởng niệm cho hàng ngàn đồng đội đang yên nghĩ vĩnh hằng dưới lớp cỏ non xanh của khu di tích thắp nén tâm hương mà lòng xót xa nhắn nhủ: “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/ Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ/ Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió/ Dẫu ồn ào đừng lay động hàng cây/... Nhẹ bước chân và nói khẻ thôi/ Thành Cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật/ Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật/ Cho tôi hôm nay đến nghẹn ngào”. 
 
Là một người con Quảng Trị, khi giới thiệu với bạn bè bốn phương về Thành cổ và cuộc chiến 81 ngày đêm mà không không nhắc đến con sông Thạch Hãn quả là thiếu sót. Sông Thạch Hãn cách phía Tây Thành cổ khoảng 300 m. Trong 81 ngày đêm của cuộc chiến, đây là đường tiếp tế nhân lực, vật lực duy nhất cho mặt trận thị xã và Thành Cổ Quảng Trị. Để cắt đứt tuyến đường tiếp tế đó, địch tăng cường ném bom bắn phá, rất nhiều chiến sỹ của ta đã hi sinh trên sông, sông Thạch Hãn mùa hè năm 1972 thực sự là một dòng sông máu. Cựu chiến binh Lê Bá Dương về thăm lại chiến trường xưa, sau khi vào Thành cổ thắp nén hương cho đồng đội, ông ra đứng bên dòng Thạch Hãn mà nhắn nhũ rằng: “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi đôi mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”. 
 
Hoa đăng trên dòng Thạch Hãn
Hoa đăng trên dòng Thạch Hãn
 
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng dư âm của cuộc chiến 81 ngày đêm mùa hè lịch sử thì vẫn còn đó. Thành cổ Quảng Trị và dòng sông Thạch Hãn trở thành tượng đài lịch sử trong tâm khảm đồng bào cả nước. Những giọt nước mắt của những người mẹ, người vợ, người con và đồng đội vẫn lặng lẽ rơi. Thành cổ hôm nay bầu trời “trong xanh và lộng gió” là vậy nhưng có ai biết rằng dưới mỗi gốc cây, nhành cỏ đều thấm đẫm máu thịt của những người lính mười tám, đôi mươi mãi mãi nằm xuống trên mảnh đất này. Những ngày tháng 7 này, Thành cổ Quảng Trị trở thành địa chỉ tâm linh mà mỗi người đến đây đều mang trong lòng một tâm nguyện được thắp nén tâm hương cho người nằm dưới cỏ, thành tâm cầu nguyện cho linh hồn các Anh hùng liệt sỹ sẽ siêu thoát về cõi vĩnh hằng và thanh thản nơi chín suối.
 
Lê Hữu Túc