Thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội

08:07, 05/07/2018

Ðề tài nghiên cứu "Một số giải pháp nhằm triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội (ASXH) trên địa bàn huyện Ðơn Dương" của tác giả Nguyễn Văn Thanh, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ðơn Dương vừa được UBND tỉnh công nhận là giải pháp hữu ích năm 2018.  

Ðề tài nghiên cứu “Một số giải pháp nhằm triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội (ASXH) trên địa bàn huyện Ðơn Dương” của tác giả Nguyễn Văn Thanh, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TBXH) huyện Ðơn Dương vừa được UBND tỉnh công nhận là giải pháp hữu ích năm 2018.  
 
Mô hình những người có công với cách mạng giúp nhau trong sản xuất rau, hoa ở Đơn Dương. Ảnh: A.Nhiên
Mô hình những người có công với cách mạng giúp nhau trong sản xuất rau, hoa ở Đơn Dương. Ảnh: A.Nhiên

Ông Thanh cho biết, đề tài này tập trung phân tích thực trạng và đề xuất một số giải pháp chủ yếu, nhằm góp phần nâng cao chất lượng việc triển khai hệ thống chính sách ASXH ở huyện Đơn Dương đã thực hiện trong thời gian qua và tiếp tục áp dụng trong thời gian tới. Đề cập một số lĩnh vực: Chính sách thương binh liệt sĩ (TBLS) và người có công, bảo trợ xã hội (BTXH), giảm nghèo, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, dạy nghề và giải quyết việc làm. Các giải pháp phát huy đầy đủ sức mạnh của thế kiềng 3 chân với phương châm 3 kết hợp “Nhà nước, nhân dân, đối tượng cùng làm”, đã tạo được sức mạnh tổng hợp trong thực hiện chính sách, nhằm từng bước nâng cao mức sống người có công, người nghèo, đối tượng BTXH trên địa bàn huyện, giảm nghèo bền vững, đảm bảo 100% số hộ nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn sản xuất, tiếp cận được các nguồn lực và các dịch vụ xã hội như: Y tế, giáo dục, văn hóa, học nghề...
 
Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh vượt kế hoạch đề ra. Theo điều tra hộ nghèo cuối năm 2016, toàn huyện Đơn Dương có 967 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,19%, trong đó hộ nghèo thuộc đồng bào DTTS có 523 hộ, chiếm tỷ lệ 8,46%. Kết quả tỷ lệ hộ nghèo của huyện đến cuối năm 2017 còn 3,56%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào DTTS còn 6,13%, hạn chế hộ nghèo tái nghèo và hộ nghèo phát sinh mới.
 
Về công tác chính sách TBLS và người có công, toàn huyện có 1.325 gia đình chính sách, trong đó 367 hộ người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Đời sống của người có công trên địa bàn huyện ổn định, tập trung vào sản xuất nông nghiệp là chính, phần lớn có mức sống trung bình trở lên, tỷ lệ hộ gia đình chính sách thuộc hộ khá, giàu còn thấp. Các đối tượng chính sách tuổi cao, sức yếu, bị bệnh thường xuyên, mất sức lao động, đời sống hàng ngày chủ yếu nhờ vào tiền trợ cấp hàng tháng của nhà nước. Chất lượng cuộc sống của các gia đình chính sách tuy ngày một cải thiện nhưng nhìn chung chất lượng cuộc sống của một số gia đình chính sách còn thấp cần phải có sự nỗ lực vươn lên của chính gia đình họ và sự giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng xã hội. Một số gia đình chính sách nhà ở còn khó khăn cần được hỗ trợ kinh phí để xây dựng và sửa chữa nhà ở.
 
Công tác thực hiện chính sách BTXH, toàn huyện có 2.217 đối tượng BTXH được trợ cấp hàng tháng, trong đó trẻ em 54 em, người đơn thân nghèo đang nuôi con 31 người, người cao tuổi 1.424 người, người khuyết tật 708 người. Đời sống vật chất tinh thần của một số đối tượng BTXH còn thấp, họ là những người khuyết tật về thân thể, già cả, đau ốm thường xuyên, hầu hết cư trú ở những vùng khó khăn. Toàn huyện có 30.594 trẻ em, trong đó: trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ 397 em, trẻ em không nơi nương tựa 3 em, trẻ em khuyết tật 342 em, trẻ em HIV/AIDS có 1 em. 
 
Nhóm những giải pháp cụ thể đối với công tác chính sách TBLS và người có công: Trong thời gian qua, phong trào chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng ở Đơn Dương đã phát triển thành 5 chương trình: Chương trình xây dựng nhà tình nghĩa, chương trình đền ơn đáp nghĩa, chương trình sổ tiết kiệm tình nghĩa, chương trình ổn định đời sống thương binh nặng ở gia đình, chương trình chăm sóc bà mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn và con liệt sỹ mồ côi, các chương trình này đã mang lại hiệu quả tốt. Phòng LĐ-TBXH huyện tiếp tục tham mưu cho UBND huyện trích từ ngân sách huyện hỗ trợ kinh phí cho các đối tượng chính sách và đối tượng xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng mua bảo hiểm sinh mạng, kinh phí hỗ trợ hơn 435 triệu đồng/năm. Phối hợp tổ chức khám, chữa bệnh cho người có công ở các xã, thị trấn. Duy trì thường xuyên việc chăm sóc sức khỏe tận nhà đối với thương, bệnh binh nặng, bà mẹ VNAH. Triển khai cho công chức đơn vị tiến hành chi trả tận nhà người có công kịp thời gian, đúng chế độ, đối tượng, có 100% người có công được chi trả trợ cấp tại nhà. 
 
Giải pháp thực hiện chính sách BTXH: Xây dựng hệ thống chỉ tiêu theo dõi giám sát đánh giá tình hình thực hiện chính sách BTXH. Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục về hoạt động BTXH, tổ chức trợ giúp tư vấn, tham vấn tiếp cận các dịch vụ trợ giúp. Thực hiện kịp thời đầy đủ chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng BTXH. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý đối tượng hưởng chính sách xã hội. Thường xuyên nâng cao đời sống vật chất cho người cao tuổi, tăng mức hỗ trợ tài chính cho người già neo đơn lên mức đủ sống, ít nhất cũng ngang với mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định. Tiếp tục rà soát giải quyết kịp thời các chính sách BTXH hàng tháng cho người cao tuổi; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách nhằm hỗ trợ cho người cao tuổi đều được cấp thẻ BHYT miễn phí. 
 
Nhóm giải pháp giảm nghèo bền vững bao gồm: Thực hiện chính sách và giải pháp hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập và chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo. Trong năm 2017, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, mức sống của các hộ nghèo, Phòng LĐ-TBXH đã tham mưu cho UBND huyện trích ngân sách của huyện 1 tỷ đồng, đầu tư cho 100 hộ nghèo, mỗi hộ 10 triệu đồng để đầu tư trồng trọt và chăn nuôi. Mặt khác, phối hợp với các cơ quan, đơn vị lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình 135, chương trình nông thôn mới, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong công tác giảm nghèo.
 
Kết quả đánh giá về cơ bản các chính sách ASXH trong những năm qua, đặc biệt trong năm 2017 của huyện Đơn Dương triển khai đạt được kết quả tốt, tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống nhân dân, nhất là tầng lớp yếu thế, đang gặp phải những khó khăn trong cuộc sống. Thực hiện chính sách đa dạng, toàn diện, đa tầng, linh hoạt, công bằng, bền vững, nhằm không ngừng mở rộng diện bao phủ và hiệu quả của chính sách ASXH sao cho không một người dân nào bị bỏ lại phía sau trong quá trình thực thi chính sách ASXH. Toàn huyện có 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú, không có gia đình người có công tái nghèo và phát sinh hộ nghèo, 100% các gia đình chính sách có nhà ở ổn định, không ở nhà tạm bợ, dột nát. Nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt 40%, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động, đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế và góp phần thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện. Chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Hàng năm tạo việc làm mới 1.000 - 1.200 lao động, vượt kế hoạch đề ra. 
 
Việc thực hiện hiệu quả các chính sách ASXH đã góp phần hoàn thành các tiêu chí về nhà ở, giảm nghèo, việc làm, bảo hiểm y tế, thu nhập bình quân của huyện nông thôn mới Đơn Dương đều đạt đã vượt so với quy định.
 
AN NHIÊN