Thương nhớ Cổng Trời

08:07, 26/07/2018

Tháng bảy, trời đất sụt sùi dầm dề mưa lạnh. Nhiều ngày lòng vòng cả trăm cây số từ rừng huyện Lạc Dương đến phố phường Ðà Lạt, tiếp xúc hai mươi mấy người, tôi mới lần được những nhân chứng để lắng lòng với ký ức buồn 38 năm trước. 

Tháng bảy, trời đất sụt sùi dầm dề mưa lạnh. Nhiều ngày lòng vòng cả trăm cây số từ rừng huyện Lạc Dương đến phố phường Ðà Lạt, tiếp xúc hai mươi mấy người, tôi mới lần được những nhân chứng để lắng lòng với ký ức buồn 38 năm trước. Sự kiện bi thương xảy ra nơi Cổng Trời, khi đất nước đã thống nhất: 12 người đi chống dịch bệnh vùng sâu thì hy sinh 11 người, người sống sót trở thành thương binh hạng 4/4 và còn chịu 11 vết thương… cho đến tận bây giờ.
 
Hai liệt sỹ giao thông viên lưu danh tại Nhà bia tại Viễn thông (Đà Lạt). Ảnh: M.Đ
Hai liệt sỹ giao thông viên lưu danh tại Nhà bia tại Viễn thông (Đà Lạt). Ảnh: M.Đ

Những năm 80 thế kỷ XX, vùng Nam Tây Nguyên các bệnh dịch sốt rét, tả, lỵ, hạch luôn ám ảnh người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa. Chốn rừng thiêng nước độc, trình độ dân trí thấp, các điều kiện chăm sóc sức khỏe cộng đồng đang vô cùng thiếu thốn. Với những người ngành y tế, họ càng đối mặt nhiều gian nan và hiểm nguy: trong khi cuộc sống vô cùng khó khăn, các dịch bệnh hoành hành thì địa hình hiểm trở cùng lực lượng Fulro ráo riết chống phá…
 
Trong căn nhà nhỏ tụt sâu bên con đường hẹp ở Đà Lạt, tôi đối diện với người sống sót duy nhất của sự kiện Cổng Trời: thương binh Lê Văn Đường, cán bộ kỹ thuật côn trùng năm xưa. Chịu nhiều vết thương, nhất là phần thương tích ở đầu, cuộc sống chật vật phải gồng mình làm điểm tựa của gia đình và chăm sóc mẹ già 102 tuổi như ngọn đèn sắp hết dầu, sức khỏe của người đàn ông 62 tuổi này thực sự cạn kiệt. Nể tình tôi lặn lội nhiều ngày, anh Đường rời vườn cà phê cách hơn 25 km về nhà tiếp chuyện. Tôi vào đề cởi mở để mong anh mạnh dạn chia sẻ câu chuyện cũ: 
 
- Ngày thứ 4 em mới tìm được nhà của anh đấy. Hỏi rất nhiều người, từ cán bộ lãnh đạo ngành y đến ngành thương binh - xã hội, rồi người dân, nhưng chả ai tường tận câu chuyện năm xưa của các anh cả! 
 
- Tôi cũng ngạc nhiên vì nhiều người trong ngành y không biết sự kiện này trong một thời gian rất dài! Mãi sau 31 năm, người ta mới xây dựng Nhà bia, rồi mới biết ít nhiều... Hình như người ta lãng quên thì phải…, anh Đường không giấu nỗi buồn man mác và tính cách thẳng thắn của một người xứ Quảng Nam.   
 
Chuyến tốc hành định mệnh
 
Thương binh Lê Văn Đường chỉ vết thương trên đầu. Ảnh: M.Đ
Thương binh Lê Văn Đường chỉ vết thương trên đầu. Ảnh: M.Đ
Câu chuyện năm xưa được kể lại theo mạch cảm xúc lúc bổng lúc trầm, và cả ngắt quãng vì xúc động của nhân chứng. Hôm đó là ngày 21 tháng 8 năm 1980, anh Nghị (Trưởng Phòng Y tế huyện Lạc Dương) thông báo có công văn báo dịch sốt rét và tả đang diễn ra ở huyện Đam Rông, địa bàn cách Đà Lạt hơn 100 km. Họ khẩn trương đưa cơ số thuốc và xăng lên xe, 12 người lên đường ngay. Trạm Sốt rét có 5 bác sĩ, y sĩ, kỹ thuật viên là các anh Nguyễn Phú Cường, Nga Ra Đôn, Vũ Công Thìn, K’Téo và Lê Văn Đường (kỹ thuật viên, Tổ phó Tổ côn trùng); Trạm Vệ sinh phòng dịch có 4 y sĩ và tài xế: Nguyễn Đình Giao, Nguyễn Văn Hải, Trần Mạnh Canh, Phạm Văn Hoàn; Phòng Y tế huyện Lạc Dương có y tá Nguyễn Văn Quang; ngành Bưu điện có 2 giao thông viên: Liêng Jrang Ha Hương và N’Du Ha K’Rang. Khoảng hơn 7giờ 00, xe ô tô chở 9 người thuộc Ty Y tế xuất phát từ Đà Lạt, đến Ngã Ba Tùng Lâm (Phường 7, thành phố Đà Lạt bây giờ) dừng lại đón tiếp 3 người thuộc huyện Lạc Dương là các anh Quang, Ha Hương và K’Rang. Đường hành quân nhằm hướng xã Đưng K’Nớ để đến xã Đạ Tông rất hiểm trở vì đá lởm chởm, cây cối ngáng kín dày, nhiều đoạn vực sâu hút và đặc biệt là phải bò qua hai cao điểm chót vót gọi là Cổng Trời. Khoảng 9 giờ 00, xe đoàn chạy được khoảng 35 km thì gặp ô tô của lâm nghiệp chở gỗ cùng chiều. Họ vội vã vẫy tay chào nhau rồi xe lâm nghiệp rẽ vào ngã ba đường be về hướng Suối Vàng. Xe đoàn chống dịch tiếp tục đi chỉ gần 1 km thì bất ngờ anh Đường nghe tiếng súng nổ chát chúa và xối xả vào thùng xe. Anh em bị trọng thương, la lên đau đớn. Anh Đường nhận ra đã bị bọn Fulro phục kích tấn công để cướp thuốc. Anh hoảng loạn tuột xuống mặt đất, cố lăn để thoát nạn nhưng vẫn bị trúng 11 vết đạn. Được mấy mét anh Đường gặp anh Nguyễn Đình Giao nằm bên taluy, người đầy máu do trúng đạn M79 vào hông. Tiếng súng kéo dài khoảng vài chục phút thì xe bùng cháy dữ dội vì trên xe có phuy xăng. “Tôi thấy anh Vũ Công Thìn văng ra khỏi xe, rớt ngay xuống chân tôi. Cả người anh bốc cháy ngùn ngụt. Cả đời tôi bị ám ảnh bởi hình ảnh ấy…!”, tiếng anh Đường nhỏ lại, khóe mắt xa xăm đọng nước…
 
Tiếng súng ngưng, dưới chân anh Đường anh Giao hổn hển: “Đường… Đường… mày có sao không? Tao bị thương rồi. Mày đi được không? Mày ra xe lâm nghiệp gặp lúc nãy tìm người ta, chứ mày nằm ở đây vài tháng trời mới có người qua lại chắc mày chết đó Đường ơi…”. Như bừng tỉnh, anh Đường gắng gượng đứng dậy. Anh bàng hoàng đau xót khi nhìn thấy anh em người thì cháy đen, người nằm dưới đất, người gục trên mui xe. “Dù xe đang bốc cháy nhưng nghe mùi máu, ruồi từ khắp rừng già bay tới, bu đông đen. Tôi không thể quên nổi, trong miệng anh em vẫn còn ngậm hạt bắp rang hồi sáng tôi mới phát”, anh Đường kể rồi giơ tay dụi hai hốc mắt. (Những hạt bắp mà vợ anh, chị Lê Thị Phát rang cho mọi người đi rừng thời chống đói). Vượt qua nỗi sợ hãi, anh Đường tìm cành cây làm gậy chống đi bộ ra tìm trại của lâm nghiệp. Mấy trăm mét anh đến được chiếc xe lâm nghiệp đang đổ gỗ và nói nhanh: “Cứu anh Giao…”. Mọi người bế anh lên cabin, sau đó anh ngất xỉu…
 
- Anh còn nhớ ai trong đoàn xe lâm nghiệp hôm đó và hiện ở đâu không?”, tôi tiếp tục hỏi. 
 
Anh Đường nói: “Tôi nhớ một anh tên Vinh, có chị gái tên Nga bán hàng tại Dinh III, Đà Lạt. Nhà chị này ở đường Gio An. Anh đó đã cứu anh Giao nhưng giờ tôi không biết ở đâu?”.  
 
Chia tay vợ chồng anh Đường, tôi lại lần theo manh mối ấy. Qua tổ trưởng dân phố, tôi tìm được nhà chị Nga, nhưng khổ nỗi ai cũng bảo gia đình không có người tên Vinh, chỉ có người làm lâm nghiệp tên Lương, và là anh chứ không phải em chị Nga đang ở phường khác. Lại đi tìm người tên Lương. Bất ngờ đến với tôi, nhân chứng này là anh Nguyễn Bá Lương, người tôi quen. Anh Lương lúc đó làm ở Lâm trường Đà Lạt, sau là Phó Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng, vừa nghỉ hưu, nhà cách nhà chị Nga khoảng 8 km. Sau khi định thần bởi sự xuất hiện bất ngờ của tôi, anh Lương kể: “Bây giờ tôi nhớ lại vẫn cứ rất sợ và ám ảnh. Lúc đó tụi tôi đang đổ gỗ thì nghe tiếng nổ và rất sợ. Một lúc thì thấy anh Đường lết tới báo tin nhờ vào cứu anh Giao. Tôi lái xe Zin 157, giục anh em đổ gỗ xuống lẹ để vô cứu người. Để kịp thời, mấy người dân tộc thiểu số đi bộ vô trước, sau đó tôi ze thẳng luôn. Ai cũng sợ, thấy xe cháy, người chết hết rồi, chỉ còn anh Giao sống nhưng bị thương rất nặng. Anh em bế anh Giao lên xe và gấp gáp đi, mong cứu được người và cũng rất sợ bị Fulro tấn công tiếp. Đường hẹp, rất xóc, máu anh Giao chảy nhiều quá, nên anh ấy mất trên xe trước khi đưa vào bệnh viện tỉnh. Tôi nhớ mãi, thương và cứ ám ảnh câu anh ấy nói: Cứu tôi với!”...
 
Vọng mãi tiếng lòng 
 
Nước mắt Cổng Trời, tiếng lòng dư ba... Anh Đường tiếc nuối với tôi: “Hồi đó mà đường sá như bây giờ thì cứu được anh Giao rồi!”. Còn anh Lương bày tỏ tri ân: “Mình cảm tưởng anh Giao luôn đứng sau phù hộ cho mình sau này. Tôi cứ âm thầm lên Nghĩa trang Liệt sĩ thắp hương cầu nguyện cho anh ấy”. Anh Đường cũng thẳng thắn tâm tư: “Hai bảy hai tám năm người ta chẳng tới tui. Mãi đến sau này, khi cùng dự đám cưới với anh Hạ (Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng-MĐ), tôi tâm sự với anh ấy. Từ đó ngành y tế mới biết đến tôi và lui tới dịp 27/7…”.
 
Anh Đường cũng chia sẻ, năm 1982 đi học bổ túc văn hóa và năm 1988 đang học Đại học Đà Lạt ngành Sử, nhưng bệnh tình nặng do chấn thương, mắt mờ anh đành nghỉ học năm cuối. Xin trở lại công tác tại cơ quan y tế cũ nhưng không được chấp nhận, anh Đường đành làm đơn giám định y khoa và nghỉ chế độ mất sức lao động với hơn 16 năm công tác. Mỗi tháng anh được hưởng 2.040.600 đồng (thời điểm tháng 6/2018). Sau 31 năm, năm 2011, ngành Y tế và huyện Lạc Dương cùng tổ chức xây dựng “Nhà bia tưởng niệm” ghi danh chín liệt sĩ ngành Y tế. Anh Nguyễn Quốc Kỳ, lúc đó là Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, nay là Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lâm Đồng xác nhận với tôi, đích thân anh đã chỉ đạo ngành chức năng tìm kiếm và hoàn tất thủ tục đất đai, còn ngành Y tế huyện cùng tham gia đóng góp xây dựng. Còn Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng Phạm Thị Bạch Yến chia sẻ: Để có kinh phí xây dựng “Nhà bia tưởng niệm”, ngành đã kêu gọi toàn ngành với hơn 4.000 lao động đóng góp ít nhất mỗi người một ngày lương, cùng với số tiền của các nhà hảo tâm. Số tiền còn dư được giao Công đoàn Y tế quản lý để hàng năm vào các ngày lễ tổ chức thăm viếng và cử Đoàn Thanh niên vào dọn dẹp và thắp hương tưởng niệm tri ân, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. “Nhà bia tưởng niệm” nằm bên con đường nhựa láng cóng 725, ngàn thông che bóng, tại Cổng Trời năm xưa. Còn hai liệt sĩ ngành Bưu điện được ghi danh tại Nhà bia của ngành này, đặt trong khuôn viên Viễn thông Lâm Đồng, thành phố Đà Lạt. Tôi cũng tìm đến đây, anh Liêng Jrang Ha Hương và N’Du Ha K’Rang là hai liệt sĩ hy sinh cuối cùng trong danh sách 119 liệt sỹ của ngành, tính từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến sau này.        
 
Khi tôi đặt vấn đề viết bài về sự kiện Cổng Trời với Trưởng phòng Người có công, Sở Lao động, Thương binh - Xã hội Lâm Đồng, thương binh Lê Xuân Dũng nói: “Hay quá, anh nghĩ ra điều thật có ý nghĩa!”. Tuy nhiên, anh cũng thú thật rất khó lục tìm hồ sơ 11 liệt sĩ trong sự kiện chống dịch 1980 vì đang lưu hơn 3.000 hồ sơ. Cậu nhân viên chỉ trích lục được cho tôi hai hồ sơ là Nguyễn Văn Quang, sinh năm 1959, quê quán Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương và Trần Mạnh Canh, sinh năm 1950, quê huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Họ hy sinh khi còn trẻ, đặc biệt, nhiều người hy sinh còn rất trẻ, chưa có gia đình như các anh Nga Ra Đôn, Vũ Công Thìn, Trần Mạnh Canh, K’Téo, Nguyễn Văn Quang, Phan Văn Hoàn,… Anh Đường cho biết, các hài cốt ban đầu được chôn cất tại đồi Ba Cây, sau quy tập vào Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Đà Lạt. “Không hiểu sao người ta không quy tập chôn cất các anh một khu vực, mỗi lần đến thắp hương tìm khùng luôn”, anh Đường thắc mắc. Bây giờ, theo nguyện vọng của thân nhân, một số hài cốt liệt sĩ đã được đưa về quê quán. Nhưng, sự kiện đau thương xảy ra tại Cổng Trời mãi mãi là nốt lặng trong bản tráng ca về một vùng đất Nam Tây Nguyên ngày càng đổi mới. Nỗi nhớ khó nguôi và tuyệt không được phép lãng quên!  
 
Đà Lạt, tháng 7/2018 
 
Ghi chép: MINH ÐẠO