Trang bị tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số

09:07, 16/07/2018

Chất lượng học tập của trẻ em dân tộc thiểu số (DTTS) ở bậc mầm non, bậc tiểu học và các bậc học tiếp theo tốt hay xấu ít nhiều phụ thuộc vào việc trang bị tiếng Việt cho trẻ ngay từ khi trẻ chưa đủ tuổi đến trường. Đồng thời, chú ý dạy tiếng Việt nhưng không để trẻ quên tiếng mẹ đẻ.

Chất lượng học tập của trẻ em dân tộc thiểu số (DTTS) ở bậc mầm non, bậc tiểu học và các bậc học tiếp theo tốt hay xấu ít nhiều phụ thuộc vào việc trang bị tiếng Việt cho trẻ ngay từ khi trẻ chưa đủ tuổi đến trường. Đồng thời, chú ý dạy tiếng Việt nhưng không để trẻ quên tiếng mẹ đẻ.
 
Dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số trong trường học. Ảnh: T.Chu
Dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số trong trường học. Ảnh: T.Chu
Sự cần thiết của mô hình
 
Qua hè 2018, K’Nu, một học sinh Trường THCS Đinh Trang Hòa I (xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh), sẽ lên lớp 8, thế nhưng thỉnh thoảng em vẫn bị nhầm lẫn một số từ trong tiếng Việt, ví như xang (xăng), xữa (sữa), ngài (ngày)... Những lỗi chính tả mà K’Nu mắc phải cũng là thực trạng chung ở trẻ DTTS trên địa bàn huyện Di Linh. Theo bà Lê Thị Vân, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện, nguyên nhân của tình trạng trên là do ở nhà trẻ DTTS nói tiếng mẹ đẻ, trong khi đến trường giáo viên lại nói tiếng phổ thông, chương trình giáo dục cũng được thực hiện bằng tiếng phổ thông. “Đây là một rào cản, gây khó khăn cho cả giáo viên và học sinh. Thiếu phản xạ nói và vốn từ tiếng Việt, khiến trẻ DTTS nhút nhát, rụt rè, ngại giao tiếp. Thậm chí, một số trẻ có phản ứng thái quá với giáo viên, vì trẻ DTTS không hiểu giáo viên người Kinh nói gì. Từ những thực tế đó, chúng tôi nhận thấy, việc tăng cường nói và dạy tiếng Việt cho trẻ DTTS là cần thiết, giúp trẻ có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt, để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục tiểu học, thông qua mô hình Mẹ nói, dạy tiếng Việt cho trẻ”, bà Vân chia sẻ. 
 
Mô hình được Hội LHPN huyện Di Linh triển khai điểm tại Thôn 1, xã Đinh Trang Thượng, vào năm 2014, với 30 bà mẹ có con nhỏ tham gia. Ngoài việc tập nói tiếng Việt cho con tại nhà, mỗi tháng các bà mẹ và trẻ tham gia sinh hoạt một lần tại hội trường thôn để chia sẻ những kinh nghiệm hay trong việc nói, dạy tiếng Việt cho trẻ và trao đổi những tồn tại nếu gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện. “Mô hình Mẹ nói, dạy tiếng Việt cho trẻ ở xã Đinh Trang Thượng đem lại thành công ngoài mong đợi. Vì thế, chúng tôi tiếp tục nhân rộng mô hình này tại các xã có người DTTS như Tân Lâm, Tân Thượng, Tân Châu, Tân Nghĩa, Đinh Lạc, Liên Đầm, Đinh Trang Hòa, Hòa Bắc, Gia Bắc, Sơn Điền, Gung Ré, Bảo Thuận, Hòa Nam, Tam Bố, Gia Hiệp và thị trấn Di Linh... Riêng xã Đinh Trang Thượng, từ mô hình điểm ở Thôn 1, đến nay đã có 3 trong tổng số 5 thôn của xã có mô hình Mẹ nói, dạy tiếng Việt cho trẻ”, bà Vân cho biết. 
 
Cô giáo Phượng, giáo viên Trường Mẫu giáo Đinh Trang Thượng, đánh giá rất cao mô hình này của Hội LHPN huyện Di Linh. Bởi theo như chia sẻ của cô giáo Phượng, tại Trường Mẫu giáo Đinh Trang Thượng, trước đây giáo viên gặp không ít khó khăn khi giao tiếp, chăm sóc, giáo dục trẻ, nay thì việc giao tiếp giữa cô và trò đã dễ dàng hơn rất nhiều vì khả năng nghe, nói tiếng Việt của trẻ DTTS tăng đáng kể. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Di Linh cũng ghi nhận tính tích cực của mô hình Mẹ nói, dạy tiếng Việt cho trẻ. “Mô hình đã cải thiện đáng kể việc dạy và học tiếng Việt ở các trường mầm non và tiểu học. Qua mô hình này, khả năng tiếng Việt của trẻ DTTS tốt hơn, trẻ tiếp thu kiến thức nhanh hơn, phát âm chuẩn hơn và do đó chất lượng giáo dục cũng tốt hơn”, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Di Linh nhận định. “Tuy vậy, chúng tôi luôn nhấn mạnh rằng, các bà mẹ và các thành viên trong gia đình tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ nhưng tuyệt đối không để trẻ quên mất tiếng mẹ đẻ”, bà Vân lưu ý. 
 
Lan tỏa tính tích cực
 
Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Di Linh Lê Thị Vân cho hay: Tính đến thời điểm hiện tại, mô hình Mẹ nói, dạy tiếng Việt cho trẻ đã có mặt tại 12 xã trong tổng số 17 xã, thị trấn có người DTTS, của huyện Di Linh. “Trong năm 2018, chúng tôi giao chỉ tiêu cụ thể cho từng Hội Phụ nữ xã. Theo đó, xã nào có dưới 6 chi hội phụ nữ là người DTTS phải xây dựng được ít nhất 1 mô hình, xã nào có trên 6 chi hội phụ nữ là người DTTS phải xây dựng được từ 2 mô hình trở lên”, bà Vân trao đổi.
 
Theo bà Vân, nếu thôn, xã và cộng đồng dân cư bản địa ủng hộ, thì việc thành lập mô hình Mẹ nói, dạy tiếng Việt cho trẻ sẽ thành công mỹ mãn. Khi đó, trẻ DTTS biết nói, nghe và giao tiếp bằng tiếng Việt ngay từ giai đoạn tập nói, để khi bước vào bậc học mầm non các em tự tin tham gia các hoạt động giáo dục tại trường. Quan trọng nhất, trong quá trình học tập sau này, các em tránh được việc phát âm sai, hoặc phát âm thiếu thanh điệu dẫn đến viết sai chính tả như trường hợp học sinh K’Nu mà ở trên nêu. “Thành lập được mô hình rồi, thì mô hình đó phải sống được, tránh kiểu thành lập cho có, không đem lại hiệu quả thiết thực. Do đó, chúng tôi mong muốn xã, thôn đặc biệt quan tâm đến mô hình, cùng làm với chị em phụ nữ để mô hình thực sự lan tỏa trong cộng đồng”, bà Vân kết luận.
 
TRỊNH CHU