Tuyến đường an toàn thực phẩm

08:07, 27/07/2018

Trong tháng 7, Ðà Lạt có tuyến đường Phan Ðình Phùng (Phường 2) và đường Nhà Chung - Xuân An (Phường 3) đang triển khai xây dựng mô hình an toàn thực phẩm với thức ăn đường phố. Hy vọng đây là 2 tuyến đường kiểu mẫu trong việc đảm bảo vệ sinh ATTP thức ăn đường phố, trở thành điểm đến tin cậy của nhiều thực khách.

Trong tháng 7, Ðà Lạt có tuyến đường Phan Ðình Phùng (Phường 2) và đường Nhà Chung - Xuân An (Phường 3) đang triển khai xây dựng mô hình an toàn thực phẩm (ATTP) với thức ăn đường phố. Hy vọng đây là 2 tuyến đường kiểu mẫu trong việc đảm bảo vệ sinh ATTP thức ăn đường phố, trở thành điểm đến tin cậy của nhiều thực khách.
 
Ban điều hành mô hình ATTP với thức ăn đường phố tuyến đường Phan Đình Phùng - Phường 2 có 9 thành viên chính thức nhận nhiệm vụ. Ảnh: A.Nhiên
Ban điều hành mô hình ATTP với thức ăn đường phố tuyến đường Phan Đình Phùng - Phường 2
có 9 thành viên chính thức nhận nhiệm vụ. Ảnh: A.Nhiên

Phát huy vai trò của Hội Phụ nữ cơ sở trong việc đảm bảo ATTP, mô hình tuyến đường ATTP với thức ăn đường phố là một trong những hoạt động thuộc Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027”. Từ mô hình này, Hội Phụ nữ Phường 2 và Phường 3 phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở trong việc thiết kế xây dựng mô hình, tổ chức, vận động các hộ kinh doanh trên hai tuyến đường thực hiện các hoạt động nhằm đảm bảo ATTP trong quá trình kinh doanh, buôn bán, phục vụ thức ăn đường phố cho người dân và du khách. Đồng thời, lập lại trật tự trong kinh doanh buôn bán vỉa hè để Đà Lạt ngày càng xanh - sạch - đẹp.
 
Thức ăn đường phố từ lâu là vấn đề đáng lo ngại về nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao do điều kiện chế biến khó đảm bảo vệ sinh. Tuy nhiên, việc sử dụng thức ăn đường phố khá tiện dụng và phù hợp với đời sống đô thị nên khó dẹp bỏ; vì thế công tác đảm bảo ATTP thức ăn đường phố đặt ra cho nhà quản lý, người sản xuất, chế biến và người tiêu dùng sự sáng suốt lựa chọn. Để giải quyết tận gốc vấn đề này, việc xây dựng mô hình ATTP với thức ăn đường phố có ý nghĩa to lớn, góp phần xây dựng văn minh đô thị và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Trên tuyến đường Phan Đình Phùng, Phường 2 có 23 hộ kinh doanh các mặt hàng như: bánh mì, mì Quảng, bún bò, bánh căn, bánh cuốn, bột chiên... Đa số các hộ kinh doanh đều không có giấy phép kinh doanh, có địa điểm kinh doanh ổn định, thuộc đối tượng tham gia mô hình ATTP với thức ăn đường phố. Đây là tuyến đường chính của Phường 2 tập trung nhiều khách sạn; vào dịp lễ, tết khách tham quan, nghỉ dưỡng đông dẫn đến việc phát triển các dịch vụ ăn uống, buôn bán thực phẩm, dân tạm cư đến tập trung bán hàng nhiều vào buổi chiều tối. Hội Phụ nữ Phường 2 phối hợp với chính quyền địa phương vừa ra mắt mô hình ATTP với thức ăn đường phố với sự tham gia của 23 hộ kinh doanh nêu trên, các hộ đều ký cam kết thực hiện các nội dung quan trọng để đến cuối năm 2018 sẽ hoàn thiện mô hình. Các hộ sẽ được trang bị kiến thức về vệ sinh ATTP và tuyên truyền phổ biến pháp luật trong lĩnh vực đảm bảo ATTP, hỗ trợ sinh kế đối với một số trường hợp hộ khó khăn để kinh doanh lâu dài.
 
Đoạn đường Nhà Chung nối từ đường Trần Phú kéo dài đến chợ Xuân An, có chiều dài 1/2 km. Đóng chân trên trục đường này có 3 trường học gồm: Mầm non 3, THCS Quang Trung, THCS - THPT Tây Sơn; cuối đường Nhà Chung là chợ Xuân An với 27 quầy hàng, trong đó có 7 quầy hàng ăn uống. Đầu đường Nhà Chung là nơi đậu đỗ xe, thường có các gánh hàng rong, những người bán bưng. Qua khảo sát trên tuyến đường Nhà Chung có 28 hộ kinh doanh, buôn bán thức ăn đường phố có địa điểm cố định, chưa có giấy phép kinh doanh thuộc đối tượng đưa vào mô hình ATTP với thức ăn đường phố; có 9 hộ đã có giấy phép kinh doanh, hồ sơ đầy đủ, có giấy khám sức khỏe, giấy xác nhận kiến thức ATTP còn hiệu lực, trong đó có 6 hộ kinh doanh ăn uống và 3 hộ kinh doanh giải khát. Tại chợ Xuân An có 7 hộ kinh doanh ăn uống vào buổi sáng; tại thời điểm khảo sát tuyến đường này có 9 hộ buôn bán hàng rong không có địa điểm ổn định và chỉ bán vào buổi sáng hoặc chiều tối.
 
Mô hình ATTP với thức ăn đường phố tuyến đường Nhà Chung có 28 hộ tham gia ký cam kết chung tay xây dựng tuyến đường đảm bảo ATTP. Trong đó, có 6 hộ bán bánh mì; 4 hộ bán trà sữa; 7 hộ bán đồ ăn vặt; 9 hộ bán mì Quảng, phở, hủ tiếu, bún, bánh cuốn, bánh bèo; 2 hộ bán nước mía, giải khát. Chị Phạm Thị Quyên, hiện đang kinh doanh cà phê, nước giải khát tại 29 Nhà Chung, sau khi ký cam kết xây dựng mô hình ATTP đã phát biểu cam kết: “Thực hiện các quy định về điều kiện ATTP trong cung cấp dịch vụ ăn uống và chịu hoàn toàn trách nhiệm về những hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Cụ thể là tuân thủ đầy đủ các điều kiện đảm bảo ATTP theo quy định về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, có dụng cụ thu gom chứa đựng rác thải, chất thải đảm bảo vệ sinh; có bàn hoặc giá để trưng bày thực phẩm cách mặt đất trên 60 cm; có vật dụng che đậy thực phẩm; có đồ chứa đựng riêng thực phẩm chín và thực phẩm sống; dụng cụ nấu nướng chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh; nguyên liệu thực phẩm rõ nguồn gốc đảm bảo an toàn, không quá hạn sử dụng, sử dụng nguồn nước sạch để chế biến thức ăn; sử dụng vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm đảm bảo an toàn...
 
Bà Nguyễn Thị Tuyết - Phó Chủ tịch UBND Phường 2 cho biết: “Nhằm tạo điều kiện cho Hội LHPN tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, UBND Phường 2 đã chủ động mời đại diện Hội LHPN tham gia làm thành viên của đoàn kiểm tra thực trạng và khảo sát mô hình ATTP với thức ăn đường phố, phối hợp với các hội đoàn thể, các chi hội, tổ dân phố tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh chế biến thực phẩm chấp hành pháp luật và trách nhiệm của công dân trong việc đảm bảo ATTP, lồng ghép trong công tác bình xét gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa hàng năm nên thời gian qua, trên địa bàn chưa xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm. Qua đó, đã giảm thiểu ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua đường thực phẩm, góp phần xây dựng hình ảnh thành phố Đà Lạt văn minh, thân thiện và an toàn”.
 
AN NHIÊN