Chúng tôi đồng hành cùng nông dân xây dựng nông thôn bền vững

08:08, 27/08/2018

Hội Nông dân tỉnh Lâm Ðồng đang trong bước chuyển quan trọng: tổ chức Ðại hội nhiệm kỳ VIII (2018-2023), hướng tới một tương lai mới. Phóng viên (PV) Báo Lâm Ðồng đã có cuộc trò chuyện với ông Ða Cát Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Ðồng về những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua và hướng mở trong nhiệm kỳ sắp tới.

Hội Nông dân tỉnh Lâm Ðồng đang trong bước chuyển quan trọng: tổ chức Ðại hội nhiệm kỳ VIII (2018-2023), hướng tới một tương lai mới. Phóng viên (PV) Báo Lâm Ðồng đã có cuộc trò chuyện với ông Ða Cát Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Ðồng về những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua và hướng mở trong nhiệm kỳ sắp tới.
 
PV: Thưa ông Đa Cát Vinh, ông có thể tổng kết những kết quả hoạt động của Hội nhiệm kỳ vừa qua (2013-2018)?
 
Ông Đa Cát Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng
Ông Đa Cát Vinh, Chủ tịch Hội
Nông dân tỉnh Lâm Đồng
Ông Đa Cát Vinh: Trong nhiệm kỳ vừa qua, cùng toàn thể cộng đồng, Hội Nông dân các cấp đã tích cực thực hiện nhiệm vụ đồng hành cùng nông dân phát triển kinh tế - xã hội. Trong nhiệm kỳ, toàn tỉnh đã kết nạp được 34.309 hội viên mới, nâng tổng số hội viên hiện nay là 156.482 hội viên, đạt 83% so với tổng số hộ nông nghiệp. Chất lượng tổ chức cơ sở Hội ngày càng được nâng lên; số cơ sở khá, vững mạnh hàng năm chiếm trên 80%, không có cơ sở yếu kém. Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đến nay đang quản lý trên 38,082 tỷ đồng (tăng 26,912 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ), từ năm 2013 đến nay đã hỗ trợ cho trên 1.800 lượt hộ vay để xây dựng trên 103 lượt mô hình sản xuất, làm ăn hiệu quả, đã tạo việc làm cho trên 2.000 lao động có thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT tạo điều kiện thuận lợi cho trên 96.350 lượt hộ vay, với tổng dư nợ hiện nay 976,974 tỷ đồng (tăng 259,166 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ). Qua đó, góp phần quan trọng giúp đỡ hội viên nông dân có vốn đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
 
Hội Nông dân các cấp đã trực tiếp và phối hợp với các ngành chức năng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tổ chức dạy nghề, tham quan, hội nghị đầu bờ; hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể được 13.154 buổi cho 591.947 lượt nông dân; tổ chức 6.751 cuộc hội thảo có 333.598 lượt hội viên nông dân tham dự; tổ chức 239 điểm trình diễn, qua đó vận động nông dân làm theo các mô hình có hiệu quả. Trong 5 năm qua, có 10 giải pháp, sáng chế của nông dân được công nhận giải cấp tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 166 hợp tác xã nông nghiệp, hình thành 120 chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ.
 
 Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) được triển khai rộng khắp trong toàn tỉnh và tiếp tục khẳng định là địa phương đi đầu cả nước; đến nay có 52.766 ha sản xuất ƯDCNC gồm các loại cây trồng có thế mạnh của tỉnh như rau, hoa, chè, cà phê, cây ăn quả, cây dược liệu... Nhiều diện tích sản xuất cho doanh thu 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/ha. Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chiếm 30% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.
 
Hội Nông dân các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; hàng năm có 90% gia đình hội viên nông dân đăng ký và có 80 - 84% gia đình hội viên nông dân được công nhận gia đình văn hóa. Hội viên nông dân đóng góp tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới, góp phần giữ vững, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn. Song song đó, phong trào nông dân tham gia xây dựng quốc phòng - an ninh cũng được các cấp Hội triển khai thực hiện với nhiều thành tích tốt, góp phần giữ bình yên thôn xóm.
 
PV: Với Lâm Đồng, những phong trào nào của Hội Nông dân được đánh giá đạt thành tích cao?
 
NHỮNG CON SỐ NỔI BẬT TRONG NHIỆM KỲ VII (2013-2018)
 
- 34.309 hội viên được kết nạp mới.
- 64.676 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
- 38,086 tỷ đồng thuộc Quỹ Hỗ trợ Nông dân.
- 25.145 tấn phân bón các loại, trị giá hơn 92 tỷ đồng cho nông dân mua trả chậm.
- 13.154 lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho 591.947 lượt nông dân.
- 20.000 hộ gia đình hội viên ký hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản.
- 4.943 buổi tuyên truyền pháp luật tới 454.514 lượt cán bộ hội viên.
- Xây dựng 523 mô hình kinh tế có hiệu quả; phối hợp thành lập 202 tổ hợp tác, 65 hợp tác xã.
- 125 tỷ đồng, hiến 366.654 m2 đất, 146.783 ngày công lao động nông dân đóng góp xây dựng nông thôn mới.
- Giới thiệu 899 cán bộ, hội viên nông dân ưu tú kết nạp Đảng, đến nay có 7.249 hội viên nông dân là đảng viên.
HỒ BÍCH LINH
Ông Đa Cát Vinh: Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là một trong ba phong trào lớn do Hội Nông dân Việt Nam phát động từ năm 1989, đến nay đã phát triển thành phong trào quần chúng sâu rộng trong cả nước, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên và nông dân tham gia. Đối với Lâm Đồng, phong trào này đã đạt được nhiều kết quả khả quan, tạo động lực khích lệ hội viên, nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, vươn lên làm giàu; tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; mạnh dạn đầu tư, áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, tạo ra giá trị hàng hóa, lợi nhuận cao. 
 
Thực hiện mục tiêu xây dựng nông nghiệp - nông dân - nông thôn tiến bộ, các cấp Hội đã có nhiều biện pháp chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, nông dân thực hiện chủ trương lớn trong nông nghiệp như: “dồn điền, đổi thửa”, xây dựng “cánh đồng lớn” tạo vùng sản xuất tập trung, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, phối hợp với các bộ, ngành thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ở nông thôn. Vì vậy, đã thu hút được đông đảo các hộ nông dân tham gia phong trào và ngày càng có nhiều nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, nhiều mô hình có quy mô sản xuất lớn, thu hút hàng trăm lao động, thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Phong trào đã phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, cùng nhau làm giàu và giúp hộ nghèo vươn lên, tạo nhiều việc làm ở nông thôn; góp phần giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. 
 
Hàng năm, số hội viên, nông dân đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (SX-KDG) các cấp ngày càng tăng. Năm 2013, toàn tỉnh có 56.438 hộ SX-KDG, đến năm 2017 có 64.676 hộ đạt danh hiệu SX-KDG các cấp (đạt 33% so với tổng số hộ nông nghiệp trên địa bàn). Trong 5 năm, các hộ SX-KDG đã giúp đỡ cho 2.334 lượt gia đình hội viên nghèo với tổng số tiền 11.368 tỷ đồng, 66.822 công lao động; 27.540 con giống, 1.898.595 cây giống; 116.450 kg lương thực, 1.640 kg hạt giống. Trong đó có 1.633 gia đình hội viên vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh từ 9,61% xuống còn 3,91% cuối năm 2017. Đây là phong trào đạt nhiều kết quả tốt và chúng tôi tiếp tục triển khai trong nhiệm kỳ tới.
 
PV: Trải qua nhiệm kỳ 2013-2018 với nhiều kết quả khả quan, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng có kế hoạch gì trong nhiệm kỳ mới 2018-2023?
 
Ông Đa Cát Vinh: Từ kinh nghiệm thực tiễn và thành tích đạt được trong công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2013-2018, nhiệm kỳ tới Hội Nông dân tỉnh và Hội Nông dân các cấp tập trung xây dựng Hội vững mạnh toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đẩy mạnh việc tập hợp, thu hút và kết nạp hội viên mới, đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt Hội, gắn bó thiết thực đến quyền lợi và nghĩa vụ của hội viên, nông dân và các vấn đề hội viên, nông dân đang cần hỗ trợ, giúp đỡ, tạo động lực để hội viên, nông dân gắn bó với tổ chức Hội.
 
Các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy nông dân tiếp tục được thực hiện hiệu quả. Hội tiếp tục đẩy mạnh phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân tăng trưởng đạt 15%/năm, tăng cường khai thác các nguồn vốn từ hoạt động tín chấp với các ngân hàng tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với các nguồn vốn. Thực hiện tốt các chương trình đã ký kết với các sở, ban, ngành; chủ động tìm kiếm các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để ký kết nhằm huy động các nguồn lực để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết đại hội đề ra. Mục tiêu của chúng tôi là đồng hành với nông dân xây dựng một nông thôn Lâm Đồng bền vững.
 
PV: Xin cám ơn ông!

PHÁT TRIỂN TAM NÔNG CÒN KHÔNG ÍT KHÓ KHĂN
 
Kinh tế nông nghiệp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, sản phẩm nông nghiệp cạnh tranh còn thấp, nông dân chưa thực sự quan tâm đến xây dựng thương hiệu sản phẩm, đa số vẫn sản xuất với quy mô nhỏ, manh mún. Số hộ nông dân tham gia liên kết còn ít; sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ qua hợp đồng mới đạt khoảng 30%, mô hình hợp tác xã kiểu mới phát triển chưa mạnh, hiệu quả chưa cao. Việc nông dân tự phát làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không theo quy hoạch và quản lý nhà nước về san ủi mặt bằng sẽ làm phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, tác động đến môi trường sinh thái, nông nghiệp phát triển không bền vững.
 
Nông dân còn băn khoăn, lo lắng trước sự biến đổi khí hậu; dịch bệnh diễn biến phức tạp trên cây trồng, vật nuôi; vấn đề ô nhiễm môi trường; tình trạng phân bón giả, hàng kém chất lượng; mất an toàn vệ sinh thực phẩm; tín dụng đen, thị trường đầu ra nông sản thiếu ổn định. Nông dân khó tiếp cận các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước dẫn đến thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, nhất là vốn đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Việc thu hồi đất nông nghiệp, đền bù giải phóng mặt bằng một số dự án kéo dài, dẫn đến một bộ phận nông dân thiếu đất sản xuất, việc làm không ổn định, đời sống gặp khó khăn, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Những vấn đề phức tạp ở nông thôn như truyền đạo trái phép, kích động lôi kéo bà con phá rừng làm rẫy, đòi lại đất làng cũ, cản trở người thi hành công vụ, khiếu kiện đông người... còn xảy ra ở một số vùng nông thôn.
ÐA CÁT VINH

DIỆP QUỲNH (thực hiện)