Ðơn Dương: Nhiều giải pháp nâng chất lượng học sinh dân tộc thiểu số

09:08, 15/08/2018

Với trên 30% trong tổng số học sinh toàn huyện là người dân tộc thiểu số, Ðơn Dương nhiều năm liền đã có các giải pháp khá hữu hiệu nhằm từng bước nâng chất lượng học sinh DTTS trên địa bàn.

Với trên 30% trong tổng số học sinh toàn huyện là người dân tộc thiểu số (DTTS), Ðơn Dương nhiều năm liền đã có các giải pháp khá hữu hiệu nhằm từng bước nâng chất lượng học sinh DTTS trên địa bàn.
 
Học sinh Trường Tiểu học Quảng Lập - Đơn Dương trong giờ học. Ảnh: V.Trọng
Học sinh Trường Tiểu học Quảng Lập - Đơn Dương trong giờ học. Ảnh: V.Trọng

Có thể nói, hầu hết các trường học trên địa bàn Đơn Dương hiện nay đều có học sinh người dân tộc thiểu số, chủ yếu là các cộng đồng dân tộc Tây Nguyên bản địa, cùng học chung với học sinh người Kinh trong các lớp học.
 
Cụ thể, ở bậc mầm non có 14 trong tổng số 15 trường trên địa bàn có học sinh DTTS. Trong đó có 6 trường học sinh DTTS chiếm trên 50%. Ở bậc tiểu học, 20/21 trường đều có học sinh DTTS, trong đó có 6 trường học sinh DTTS chiếm trên 50%. Còn bậc trung học cơ sở (THCS) có 13/14 trường có học sinh DTTS thì có đến 6 trường chiếm trên 50% học sinh DTTS.
 
Trong năm học 2017-2018 vừa qua, toàn huyện có tổng cộng 7.023 học sinh DTTS từ bậc mầm non đến tiểu học, THCS do Phòng Giáo dục quản lý, chiếm 31% trong tổng số học sinh toàn huyện, đáng kể bậc tiểu học có học sinh DTTS nhiều nhất với 3.270 học sinh, kế đến là bậc THCS với 1.889 học sinh và bậc mầm non 1.864 học sinh.
 
Điều đáng quan tâm, nhiều năm qua, Phòng Giáo dục Đơn Dương đã đề ra các giải pháp nhằm duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh DTTS ngay từ đầu mỗi năm học. 
 
Với bậc mầm non và tiểu học, theo sự chỉ đạo của Phòng Giáo dục, các trường trên địa bàn đến nay đều tổ chức các lớp tăng cường tiếng Việt cho học sinh trong hè và cả trong năm học. Riêng với khối lớp 1 đầu cấp, các trường có đông học sinh DTTS thực hiện chương trình tăng cường tiếng Việt từ 300 - 500 tiết học được đưa vào thời khóa biểu học hằng ngày cho học sinh. 
 
Trong năm học, theo yêu cầu của huyện, giáo viên các trường đều cần phải tích cực đổi mới phương pháp dạy học cho phù hợp với đối tượng học sinh vùng DTTS nơi đang công tác giảng dạy; chú trọng thực hiện phương án tăng tiết học, tăng cường phụ đạo học sinh yếu, nhất là học sinh các khối lớp đầu cấp. Huyện cũng yêu cầu mỗi giáo viên cần chú ý phụ đạo ngay cho học sinh DTTS trong từng tiết học trên lớp và ngoài giờ lên lớp. Đồng thời, đa dạng hóa các hoạt động trong học đường cho phù hợp với học sinh trên từng địa bàn; thực hiện tốt phong trào xây dựng “Trường học thân thiện - học sinh tích cực” để học sinh yêu trường yêu lớp; tăng cường giáo dục kỹ năng cho học sinh trong đó có học sinh DTTS; giúp học sinh DTTS tự tin hơn trong các hoạt động tập thể tại lớp, trong giao tiếp với nhau hằng ngày. Kể cả việc giáo dục các em tinh thần đoàn kết dân tộc, giúp các em hòa nhập tốt với tập thể trong nhà trường và với cộng đồng nơi cư trú cũng được chú trọng.
 
Phòng Giáo dục cũng yêu cầu các trường xây dựng kế hoạch và có những giải pháp cụ thể để tiếp tục nâng cao chất lượng học sinh dân tộc qua từng năm học; chú ý phát huy vai trò công tác chủ nhiệm; động viên và khen thưởng kịp thời những học sinh dân tộc thiểu số có ý thức vượt khó, có thành tích cao trong học tập. Trường cũng cần chú ý tổ chức các hoạt động ngoại khóa thiết thực bổ ích nhằm khơi dậy tinh thần ham học và sự nỗ lực cố gắng của các học sinh dân tộc thiểu số trong trường. 
 
Với bậc học THCS, Phòng Giáo dục huyện đã chỉ đạo các trường trong vùng có nhiều học sinh dân tộc thiểu số như Phổ thông Dân tộc nội trú, THCS Đơn Dương, THCS Kambutte, THCS Châu Sơn, THCS Đạ Ròn… tổ chức các chuyên đề theo cụm vùng dân tộc, ra đề kiểm tra học kỳ theo đề chung, dựa vào kết quả để phân tích, so sánh, đối chiếu chất lượng học sinh trong từng trường và từng vùng, nhằm có những giải pháp cụ thể để nâng chất lượng học tập. 
 
Huyện cũng yêu cầu các trường có biện pháp phù hợp để làm tốt công tác duy trì sĩ số trong học sinh nói chung và học sinh DTTS nói riêng thông qua việc phối hợp tốt giữa nhà trường với phụ huynh với chính quyền và các đoàn thể địa phương.Do đó, đến nay, hầu hết các trường trên địa bàn huyện, đặc biệt là các trường trong vùng đồng bào DTTS đều làm rất tốt công tác duy trì sĩ số mà điển hình như THCS Lạc Lâm, THCS Lạc Nghiệp, THCS D’ran... với 100% học sinh đến trường đúng độ tuổi những năm học gần đây. Phòng Giáo dục huyện cũng phối hợp với Phòng Nội vụ, Phòng Tài chính kế hoạch, Trung tâm Y tế, Bảo hiểm Xã hội và các đơn vị có liên quan để giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh trong vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn theo qui định.
 
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp duy trì sĩ số, nên đến nay Đơn Dương đã giảm hẳn số lượng học sinh bỏ học hằng năm trong đó có học sinh DTTS. Từ 90 học sinh THCS trong toàn huyện bỏ học trong năm học 2015-2016 (không có học sinh trong bậc tiểu học bỏ học tại huyện), năm học 2016-2017 chỉ còn 52 học sinh bỏ học, đến năm học 2017-2018 vừa qua cả huyện chỉ còn 28 học sinh THCS bỏ học.
 
Về học lực, năm học 2017-2018 vừa qua, bậc tiểu học, gần 24% học sinh DTTS hoàn thành tốt; trên 70% học sinh hoàn thành. Bậc THCS, tỷ lệ học sinh DTTS học lực từ trung bình trở lên tăng 3,9% so với năm học trước; tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng 5,2%, không có học sinh xếp loại học lực kém. Tỷ lệ tốt nghiệp THCS đối với học sinh DTTS cũng đạt mức 100%, cao hơn so với mặt bằng chung toàn huyện; có 3 học sinh DTTS đạt học sinh giỏi cấp huyện các môn văn hóa và 2 em đoạt giải khuyến khích cấp tỉnh môn Lịch sử.
 
GIA KHÁNH