Ðam Rông: Những chuyển biến mới trong năm học mới

08:08, 31/08/2018

Từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9, ngành Giáo dục Ðam Rông đã dốc toàn lực chuẩn bị cho năm học mới. Vẫn như mọi năm, nỗi ám ảnh vận động học sinh ra lớp vẫn đè nặng lên các thầy cô giáo ở huyện nghèo. Nhưng năm học này, ngành Giáo dục Ðam Rông có nhiều chuyển biến mới tựa như cánh chim báo tin vui hứa hẹn một năm học nhiều thuận lợi.

Từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9, ngành Giáo dục Ðam Rông đã dốc toàn lực chuẩn bị cho năm học mới. Vẫn như mọi năm, nỗi ám ảnh vận động học sinh (HS) ra lớp vẫn đè nặng lên các thầy cô giáo ở huyện nghèo. Nhưng năm học này, ngành Giáo dục Ðam Rông có nhiều chuyển biến mới tựa như cánh chim báo tin vui hứa hẹn một năm học nhiều thuận lợi.
 
Các trường ở Đam Rông sẵn sàng cho năm học mới
Các trường ở Đam Rông sẵn sàng cho năm học mới

Con số lý tưởng
 
Kết thúc tuần tới trường đầu tiên của năm học 2018-2019, thầy Trần Phú Vinh - Trưởng phòng Giáo dục huyện Đam Rông phấn khởi khoe với chúng tôi: “Năm học 2018-2019, công tác tuyển sinh đầu cấp, đối với bậc Mầm Non là 3.432 HS, bậc Tiểu học 1.389 HS, bậc THCS 1.182 HS, đạt tỷ lệ 100% theo kế hoạch. Năm học này, theo kế hoạch, số HS ra lớp là 13.991 em, tăng 205 HS so với năm trước. Tuy nhiên, đến thời điểm này, sau sự nỗ lực của các thầy cô đã có 13.753 em ra lớp, đạt 98,2%. Con số này cũng cao hơn nhiều so với năm trước. Đối với ngành Giáo dục Đam Rông, đây có thể coi là con số lý tưởng. Điều này có được ngoài sự nỗ lực của các thầy cô giáo còn có sự hỗ trợ nhiệt tình của cấp ủy, chính quyền các địa phương và mừng nhất là ý thức người dân dần chuyển biến...”.
 
Toàn huyện Đam Rông hiện có 34 đơn vị trường học, với gần 14.000 HS, trong đó đa số là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết, ngay từ đầu hè, Phòng đã chỉ đạo các đơn vị trường học về công tác chuẩn bị cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ năm học mới. Bên cạnh đó, Phòng đã phối hợp với UBND các xã và các đơn vị liên quan đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, thi công các công trình xây dựng phòng học, nhà vệ sinh, hàng rào, khuôn viên trường học... Đồng thời chỉ đạo các đơn vị trường học chủ động tổ chức, rà soát về việc chuẩn bị sách vở, đồ dùng học tập của toàn bộ HS, nếu có HS chưa chuẩn bị được sách vở, đồ dùng học tập đến trường, nhà trường cần có các biện pháp để động viên gia đình trang bị hoặc tạo điều kiện để học sinh ra lớp. “Đây cũng là hướng đi mới góp phần nâng số lượng học sinh ra lớp”, Trưởng phòng Giáo dục Đào tạo huyện Đam Rông Trần Phú Vinh khẳng định.
 
Theo số liệu thống kê từ Phòng Giáo dục huyện Đam Rông, năm học này, giáo dục địa phương được đầu tư 10 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị và nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường. Đến nay, các công trình xây dựng được đưa vào sử dụng mới bao gồm: 4 phòng học, 4 phòng chức năng và khu hiệu bộ của Trường TH Đạ Rsal, TH Đạ M’rông; khu hiệu bộ Trường TH Phi Liêng; 4 phòng học Trường Mầm non Phi Liêng và sửa chữa lại 30 phòng học, 15 nhà vệ sinh, 10 sân trường. “Cơ sở vật chất cho năm học mới cơ bản đáp ứng được nhu cầu dạy và học”, thầy Trần Phú Vinh nói.
 
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
 
Xác định việc đưa HS tới trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương. Trước khi HS quay trở lại trường, sau kỳ nghỉ hè, lãnh đạo huyện Đam Rông đã có nhiều buổi làm việc với ngành giáo dục để chuẩn bị tốt nhất cho năm học mới. Lãnh đạo huyện đã quyết liệt chỉ đạo các địa phương thực hiện nhiều biện pháp đồng hành cùng ngành giáo dục đưa con em đến trường. Đơn cử như việc ngay sau khi Phòng Giáo dục huyện báo cáo tình hình về việc do thời tiết mưa nhiều, một vài con đường trên địa bàn xã Đạ Rsal, Đạ Long, Đạ Tông... lầy lội, ảnh hưởng đến việc học sinh tới trường; Chủ tịch UBND huyện Bùi Văn Hởi đã chỉ đạo cho các phòng, ban liên quan và lãnh đạo các xã tiến hành san gạt ngay trong ngày để HS ngày đầu tiên đến trường được thuận lợi. 
 
Dù đã chuẩn bị khá tốt các điều kiện cho năm học mới, song các trường ở Đam Rông vẫn còn đối mặt với tình trạng HS bỏ học. “Vận động HS ra lớp đã khó, duy trì sĩ số đến cuối năm học còn khó hơn”, cô Dương Thị Bình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Rô Men nói... Ông Trần Phú Vinh cho biết: “Ngay từ đầu năm, Phòng và lãnh đạo các trường đã quán triệt tới các thầy cô, nhất là giáo viên chủ nhiệm các lớp coi việc duy trì sĩ số là nhiệm vụ chính trị của nhà trường trong năm học. Đẩy mạnh tham mưu các cấp, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong công tác duy trì sĩ số HS. Triển khai đồng bộ các giải pháp để chống HS bỏ học, tận lực huy động HS trong độ tuổi ra lớp”.
 
Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Trần Minh Thức - Bí thư Huyện ủy Đam Rông cho biết: “Bên cạnh việc chỉ đạo quyết liệt cho ngành giáo dục, huyện còn yêu cầu tất cả các ngành, đoàn thể vào cuộc. Đặc biệt, huyện yêu cầu các địa phương thành lập Ban Vận động HS ra lớp do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch xã làm trưởng ban. Địa phương phối hợp với các trường thường xuyên thực hiện công tác vận động kịp thời khi có HS bỏ học. Đó trở thành một trong những tiêu chí quan trọng cho kết quả xếp loại hàng năm của địa phương”. Cũng từ động thái này của huyện, 8/8 xã thuộc huyện Đam Rông đều thành lập Ban chỉ đạo vận động HS ra lớp. 
 
Như tại xã Đạ Long, danh sách các HS chưa ra lớp được nhà trường gửi về xã, từ đó Ban chỉ đạo vận động HS ra lớp của xã phối hợp cùng các thầy cô đi vận động. Sau đợt cao điểm đầu năm học, hoạt động này cũng được thực hiện hàng tháng để duy trì sĩ số HS. Ông Lơ Mu Ha Póh - Chủ tịch UBND xã Đạ Long cho biết, thời gian qua, nhờ sự đầu tư của Nhà nước cho xã Đạ Long mà hệ thống trường lớp đã được đầu tư rất cơ bản, đảm bảo không chỉ kiên cố mà còn hiện đại, hướng đến xây dựng trường chuẩn quốc gia. 
 
Đặc biệt, năm học này, thực hiện Nghị quyết số 19 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và Kế hoạch 49 của Tỉnh ủy về cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết này, Phòng Giáo dục huyện Đam Rông đã tiến hành sáp nhập Trường Tiểu học Dơn Jri (xã Đạ M’rông) và Trường Tiểu học Đạ M’rông thành Trường Tiểu học Đạ M’Rông. Theo ông Trần Phú Vinh “việc sáp nhập này chỉ thực hiện ở bộ phận hành chính, không ảnh hưởng đến việc tới trường của HS. Ngành Giáo dục Đam Rông sẽ còn tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết 18 và Nghị quyết 19 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII với phương châm tinh giản bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động...”.
 
H. YÊN - N. NGÀ