Bỏ phố lên núi làm sản phẩm thủ công

08:08, 03/08/2018

Từ bỏ 20 năm ở Sài Gòn với một công việc ổn định, Ðinh Lý Ðoan Thục quyết định trở về quê hương Lâm Ðồng để làm những gì mình thích. Khởi nghiệp với những sản phẩm thủ công ở tuổi 36, Thục bảo rằng không có gì là muộn, bởi cô đang được sống một cuộc sống mình thật sự mong muốn giữa Ðà Lạt yên bình.

Từ bỏ 20 năm ở Sài Gòn với một công việc ổn định, Ðinh Lý Ðoan Thục quyết định trở về quê hương Lâm Ðồng để làm những gì mình thích. Khởi nghiệp với những sản phẩm thủ công ở tuổi 36, Thục bảo rằng không có gì là muộn, bởi cô đang được sống một cuộc sống mình thật sự mong muốn giữa Ðà Lạt yên bình.
 
Mỗi sản phẩm của Nhiên được Đoan Thục chăm chút bằng niềm yêu thích và say mê. Ảnh: V.Quỳnh
Mỗi sản phẩm của Nhiên được Đoan Thục chăm chút bằng niềm yêu thích và say mê. Ảnh: V.Quỳnh

Mang nghệ thuật macrame về Ðà Lạt
 
Đoan Thục (sinh năm 1981) sinh ra và lớn lên ở vùng đất Dran, Đơn Dương. Cô bảo rằng chính vì tuổi thơ mình may mắn được lớn lên giữa đồi núi, sông hồ, giữa bạt ngàn thông xanh và dã quỳ vàng nên tâm hồn cô lãng mạn và gần gũi với thiên nhiên. Chính vì vậy mà mặc dù ngay từ những năm tháng học trung học ở Đà Lạt, Thục đã sớm mơ mộng về Sài Gòn, nhưng rốt cuộc, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, trở thành kỹ sư công nghệ in, cuối cùng Đoan Thục vẫn bỏ nghề, bỏ 20 năm sống ở thành phố sôi động để trở lại Đà Lạt, theo đuổi niềm đam mê từ bé của mình: sáng tạo đồ thủ công.
 
Những sản phẩm thủ công lạ mắt, thật đẹp của Thục được làm theo phong cách macrame, tạm dịch là Nghệ thuật trang trí bằng cách thắt nút tạo hoa văn. Cô cho biết, nghệ thuật macrame được khai sinh từ thế kỷ XIII bởi những người thợ dệt Ả Rập. Sau khi dệt khăn tắm, khăn choàng..., họ tết những sợi chỉ thừa ở hai đầu thành những hoa văn đẹp mắt để đảm bảo chúng không bị bung rách. Những món đồ dễ thương được Thục làm ra chủ yếu từ dây cotton, dây bố... trở thành rèm trang trí, thành vật dụng treo cây, treo bình hoa, tranh gỗ, thảm, giỏ xách,...
 
Đoan Thục chia sẻ: “Việc khởi nghiệp với macrame đến với mình một cách tình cờ. Trước đây, do mình yêu thích cây cỏ, hoa lá và trồng khá nhiều trong nhà, không gian ngôi nhà lại nhỏ nên mình tìm hiểu cách treo chúng lên bằng các giỏ treo macrame. Không ngờ khi lên Đà Lạt, macrame lại trở thành sản phẩm lạ và được nhiều người yêu thích, nên mình quyết định làm và kinh doanh mặt hàng này”. Và Nhiên - cửa tiệm handmade ra đời từ tháng 5/2017 - là nơi để Thục thỏa niềm đam mê đó.
 
Thời gian đầu, khi còn ít người biết đến và khách hàng chưa quen với sản phẩm mới lạ này, Thục mở cửa hàng online để bán, chủ yếu xuất sang Mỹ. Hiện tại, những sản phẩm của Nhiên dễ dàng được bắt gặp tại các quán cà phê hay homestay của Đà Lạt. Lượng khách hàng thân thiết tăng lên nhiều và mang lại nguồn thu nhập khá ổn định, tuy nhiên Thục cho biết, 30% thu nhập của Nhiên vẫn đến từ việc xuất hàng ra nước ngoài.
 
“Lên Ðà Lạt, mình mới thật sự được sống”
 
Lý giải về quyết định bỏ Sài Gòn, bỏ nghề với một thời gian phấn đấu dài và vị trí Trưởng bộ phận Kế hoạch sản xuất để quay lại với niềm đam mê thời thơ bé, Thục chia sẻ: “Sau 15 năm đi làm và có một vị trí nhất định ở một công ty lớn, khi cảm thấy mình không còn hạnh phúc khi làm việc, không còn nhiệt huyết với nghề thì mình nghĩ mình nên dừng lại. Cộng thêm Sài Gòn là thành phố quá bận rộn, nên mình càng ngày càng thấy lạc lõng, căng thẳng và stress ở đó. Cô con gái 3 tuổi của mình lại thể hiện rõ là một đứa trẻ nhạy cảm với đông đúc, với ồn ào. Tất cả những điều đó khiến mình quyết định cùng với gia đình, trở về nơi mình sinh ra và sáng tạo ra những sản phẩm thủ công mà mình mơ ước”.
 
Sau hơn một năm trở về Đà Lạt, Đoan Thục bảo rằng mình chưa hề hối hận về quyết định đó. Bởi “Lên thành phố bình yên này, mình mới thật sự được sống. Mình vui vẻ, cải thiện được mối quan hệ với mọi người khi không còn bị căng thẳng, stress vì công việc. Có nhiều người nghĩ rằng lựa chọn của vợ chồng mình là sai, nhưng đến giờ tụi mình hoàn toàn không hối hận. Bắt đầu một điều gì đó, lúc nào cũng khó khăn. Nhưng lựa chọn giữa vất vả và vui với vất vả mà không vui, đương nhiên mình sẽ chọn vui” - Thục chia sẻ. 
 
Cô con gái tên Nhiên của Thục cũng thay đổi hẳn, từ một cô bé cáu bẳn, hay nhăn nhó trở nên vui vẻ, tươi tắn. Cô bé thích hoa, thích lá, thích nói chuyện với động vật, với hòn đá, thích mỗi lần về Dran để được thả chân trần, dang nắng, hòa mình vào thiên nhiên. Đoan Thục bảo rằng, đó là điều khiến chị thấy hạnh phúc nhất, bởi con lại được lớn lên trong thiên nhiên như tuổi thơ mẹ đã may mắn có được. 
 
Còn với Nhiên - cửa hàng handmade mà Đoan Thục đang chăm chút từng ngày, cô luôn giữ vững quan điểm: “Chỉ khi vui vẻ và yêu thích công việc mình làm thì bản thân sản phẩm mình tạo ra mới có sức thu hút, duyên dáng, mới có thể làm khách hàng hài lòng. Sản phẩm của mình là sản phẩm tay ngang, không đẹp một cách hoàn hảo như sản phẩm chuyên nghiệp, nhưng nó có nét riêng và chứa đựng cả tâm hồn. Chắc nhờ vậy mà nhiều khách rất thương Nhiên, rồi dần trở thành khách hàng thân thiết”.
 
VIỆT QUỲNH