Những bàn tay xây dựng nông thôn

08:08, 27/08/2018

Học hành không cao nhưng sáng chế ra hàng chục chiếc máy, nông cụ giúp nông dân tăng năng suất, nhà nông Đặng Văn Bảy được mệnh danh là "nhà sáng chế chân đất". Những sáng chế của ông gắn chặt với đời sống người nông dân vùng cà phê Hòa Ninh, Di Linh, nơi ông chọn làm miền đất mới để sống. 

Ðặng Văn Bảy - NHÀ SÁNG CHẾ CHÂN ĐẤT:
 
Anh Đặng Văn Bảy (áo trắng) kiểm tra sản xuất các chi tiết máy sấy NK700
Anh Đặng Văn Bảy (áo trắng) kiểm tra sản xuất các chi tiết máy sấy NK700

Học hành không cao nhưng sáng chế ra hàng chục chiếc máy, nông cụ giúp nông dân tăng năng suất, nhà nông Đặng Văn Bảy được mệnh danh là “nhà sáng chế chân đất”. Những sáng chế của ông gắn chặt với đời sống người nông dân vùng cà phê Hòa Ninh, Di Linh, nơi ông chọn làm miền đất mới để sống. Đầu tiên, ông mày mò sáng chế cối máy chà cà phê tươi, chà cà phê khô đảm bảo nhân không dập nát, tiết kiệm nhiên liệu. Được bà con ủng hộ, ông nghiên cứu sản phẩm đầu bơm nước công suất cao, giá cả vừa phải giúp bà con tưới cà phê hiệu quả hơn. Rồi những công cụ được chế biến, được nông dân sử dụng nhiều, hiệu quả như “Cối chà cà phê khô hệ lớn”, “Máy phân loại cà phê xanh và chín”, “Máy sấy sinh học NK700 sử dụng công nghệ nhiệt sinh khối” được nhiều giải thưởng, bằng khen của các cơ quan chuyên môn. Hiện nay, ngoài việc tiếp tục sản xuất và bán ra thị trường mỗi năm hàng ngàn nông cụ cơ khí, máy móc, ông Đặng Văn Bảy vẫn đang miệt mài nghiên cứu, sáng chế, cải tiến một số loại máy nông nghiệp khác nhằm phục vụ đời sống sản xuất của nông dân khu vực Tây Nguyên và các khu vực khác, giúp bà con tăng năng suất, giảm công lao động, phát triển mạnh vùng chuyên canh cà phê. 
 
Nguyễn Hữu Trí - NHỮNG NGÔI NHÀ ẤM TÌNH ĐỒNG BÀO:
 
Anh Nguyễn Hữu Trí bên vườn hoa ly ly
Anh Nguyễn Hữu Trí bên vườn hoa ly ly

Ở thôn Đa Quý, xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt, ai cũng biết anh Nguyễn Hữu Trí như một nhà nông nổi tiếng về trồng hoa ly ly. Có nhiều cơ hội tiếp cận với kỹ thuật mới, anh Trí mạnh dạn đầu tư trồng hoa ly ly trên giá thể với quy mô 4 ha. Biết áp dụng đúng kỹ thuật, đầu tư trong các khâu chăm sóc, bón phân, xây dựng hệ thống tưới tự động nên vườn hoa của gia đình anh luôn phát triển tốt. Hàng năm, sau khi trừ chi phí, gia đình thu nhập 13,8 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 37 lao động địa phương. Không chỉ làm giàu, anh còn là người hết lòng vì cộng đồng. Từ năm 2012 đến nay, mỗi năm anh Trí và gia đình hỗ trợ xây dựng từ 3-5 căn nhà tình nghĩa, mỗi căn trị giá 45 triệu đồng cho bà con trong xã, trong thành phố. Ngoài ra, gia đình anh còn đóng góp hàng chục triệu đồng làm đường giao thông nông thôn, điện chiếu sáng và hỗ trợ các hoạt động văn hóa - xã hội tại địa phương. Với anh Nguyễn Hữu Trí, làm giàu và chia sẻ với cộng đồng là hai việc luôn song hành và anh thấy hạnh phúc khi chứng kiến sự vươn lên của quê hương Xuân Thọ. 
 
Mai Thị Phượng - MINH BẠCH TRONG CÔNG TÁC HỘI:
 
Chị Mai Thị Phượng
Chị Mai Thị Phượng

Là nữ Chủ tịch Hội Nông dân xã Đambri, thành phố Bảo Lộc, chị Mai Thị Phượng chia sẻ về công việc của mình với tâm thế rất cởi mở. Nông dân luôn gặp khó khăn trong sản xuất nhưng chỉ cần người đi đầu có định hướng phù hợp, bà con sẽ sẵn sàng đồng hành. Chị Phượng cho biết, đời sống của nông dân Đambri đã thay đổi nhiều, nông dân trồng dâu nuôi tằm, làm cà phê, trồng cây trái, chè… cho thu nhập ổn định. Và bà con rất sẵn sàng đóng góp vào công cuộc xây dựng nông thôn mới cũng như các phong trào khác nếu người đứng đầu đảm bảo được sự minh bạch. Chị cho biết, với 14 chi hội cơ sở, mỗi khi triển khai nhiệm vụ, chị đều lên kế hoạch và bàn bạc kế hoạch rộng rãi trong hội viên, đảm bảo sự thống nhất từ trên xuống dưới. Các khoản chi tiêu, đóng góp đều đưa ra công khai, dân chủ, minh bạch để hội viên nắm được rõ ràng và cụ thể. Chị khẳng định, làm cán bộ hội phải đảm bảo được sự dân chủ, công bằng, công khai mới thu hút được nông dân gắn bó với phong trào.
 
Rơ Ông Ha Doanh - NÓI DÂN NHỚ, Ở DÂN THƯƠNG:
 
Anh Rơ Ông Ha Doanh
Anh Rơ Ông Ha Doanh

Anh Rơ Ông Ha Doanh là Chủ tịch Hội Nông dân của xã khó khăn - Liêng Srônh, huyện Đam Rông, nơi có trên 80% đồng bào dân tộc thiểu số cư trú. Anh Ha Doanh bảo, với bà con, phải gần gũi, chia sẻ, “ở sao cho bà con thương nói bà con mới nghe”. Với 765 hội viên nông dân chủ yếu là người K’Ho, Cil, Châu Mạ, anh Ha Doanh thường xuyên gần gũi, tâm sự để từ đó hiểu tâm tư, tình cảm của bà con. Cùng chung ngôn ngữ, cùng chung truyền thống nên các hoạt động của Hội được anh Ha Doanh đưa tới hội viên dễ hiểu hơn. Ngoài ra, với đặc tính phải nhìn thấy rõ rồi mới làm của người đồng bào, anh Ha Doanh cho biết muốn hội viên thay đổi, cán bộ Hội phải đi trước, làm trước. Như Liêng Srônh là vùng chủ yếu canh tác cà phê, để vận động bà con tái canh, áp dụng kỹ thuật thâm canh, anh và gia đình đã thực hiện ngay trên diện tích vườn nhà, lấy chính vườn gia đình làm mô hình để bà con nhìn tận mắt. Người cán bộ dân tộc Cil - Rơ Ông Ha Doanh vẫn ngày ngày gắn bó với bà con, gắn bó với vùng đất Liêng Srônh quê hương.
 
BẢO LINH