"Bà Loan ơi!"

08:08, 29/08/2018

Bà Loan ơi! Con tôi bị tai nạn. Bà Loan ơi! Vợ chồng nhà kia cãi nhau, đánh nhau đòi ly hôn. Bà Loan ơi! Nhà kia có người chết. Bà Loan ơi! Có người sinh con... Hơn 31 năm qua, bất kể nắng mưa, ngày nào cũng có bà con tới gọi "bà Loan ơi!". Tiếng gọi ấy đã trở nên quá đỗi thân quen đối với bà Loan, ở Thôn 4, xã Liêng Srônh, huyện Ðam Rông. 

Bà Loan ơi! Con tôi bị tai nạn. Bà Loan ơi! Vợ chồng nhà kia cãi nhau, đánh nhau đòi ly hôn. Bà Loan ơi! Nhà kia có người chết. Bà Loan ơi! Có người sinh con... Hơn 31 năm qua, bất kể nắng mưa, ngày nào cũng có bà con tới gọi “bà Loan ơi!”. Tiếng gọi ấy đã trở nên quá đỗi thân quen đối với bà Loan, ở Thôn 4, xã Liêng Srônh, huyện Ðam Rông. 
 
Nụ cười hạnh phúc của bà Loan khi mân mê những kỷ vật trong hơn 31 năm làm công tác dân vận ở thôn. Ảnh: N.Ngà
Nụ cười hạnh phúc của bà Loan khi mân mê những kỷ vật trong hơn 31 năm
làm công tác dân vận ở thôn. Ảnh: N.Ngà

Già làng người Kinh
 
“Chu choa, bà con đây tội lắm cô ơi!”, xa quê gần cả đời người nhưng trong giọng nói và cách nói của người đàn bà ấy vẫn đậm đà đặc trưng miền biển vùng Quảng Ngãi.
 
Năm 1968, bà Loan theo gia đình vào sống ở Đức Trọng. Đến năm 1985, theo đoàn đi kinh tế mới, bà vào Lâm Hà. Đây cũng là nơi tình yêu của bà nảy nở. Những năm tháng đói nghèo quay quắt, người ta thường nghĩ đến chuyện tìm tới vùng đất mới, mang theo hy vọng về nương rẫy xanh tươi. Đó là lý do bà Loan quyết định di chuyển vào vùng Đam Rông vào năm 1987. “Cả vùng này ngày ấy hoang vu bốn bề rừng núi. Muốn đi ra Lâm Hà chỉ có cách duy nhất là đi bộ. Ngày ấy, bà con chuyển vào đây, chỉ mỗi mình gia đình tôi người Kinh. Khi ấy nghèo quá, chẳng nghĩ gì khác ngoài việc cuốc đất trồng bắp để có cái nuôi con. Vì thế mà cứ còng lưng, cứ cần mẫn làm miết, làm miết đến khi ngẩng đầu lên thì đã mấy chục năm trôi qua”, bà Loan kể. 
 
Dòng ký ức của người đàn bà 62 tuổi, khuôn mặt đầy những hằn vết của thời gian như đang quay lại hơn 31 năm về trước, khi mà xã Liêng Srônh vẫn thuộc địa phận huyện Lâm Hà. Bao nhiêu năm chuyển vào vùng đất mới cũng là chừng ấy năm bà Loan làm chi hội phụ nữ, tham gia tuyên truyền xây dựng cuộc sống mới cho người dân, nhất là ở vùng 100% dân số là người DTTS như tại Thôn 4, xã Liêng Srônh. “Mấy anh trên xã, trên huyện động viên nên tôi tham gia làm cán bộ chi hội phụ nữ thôn. Vận động bà con chăm lo phát nương làm rẫy, tích lũy dựng nhà, ăn chín uống sôi... Ban đầu cứ nghĩ làm vài năm rồi nghỉ để người khác làm nhưng công việc cứ năm này qua năm khác liên tiếp nhau nên bẵng cái đã 31 năm trôi qua. Mình còn làm cán bộ Hội Chữ thập đỏ 25 năm, cán bộ kế hoạch hóa gia đình 10 năm”, bà Loan nói.
 
Thời gian sống và gắn bó với bà con nơi này quá lâu nên 8 đứa con gồm 7 gái, 1 trai và 3 đứa con nuôi của bà Loan đều nghe, nói sành sõi tiếng của bà con DTTS. Bà Loan hiện sống với con trai ở Thôn 4, xã Liêng Srônh. Trên tường nhà treo không biết bao nhiêu giấy khen của bà về thành tích trong công tác vận động nhân dân và công tác hội. Và “của để dành” của bà cũng là những giấy tờ, sổ sách ghi chép trong quá trình công tác, các thẻ đại biểu tham dự các hội nghị cấp huyện, cấp tỉnh... “Giữ lại để già rồi lâu lâu lôi ra xem, nhớ lại cho vui”, bà nói trong khi mân mê những kỷ vật.
 
Biết bao thế hệ cán bộ lãnh đạo xã đã công tác nhưng khi hỏi về bà ai cũng biết. Ông Trần Phước Mênh - Bí thư Đảng ủy xã Liêng Srônh nói: “Mấy chục năm làm công việc ở thôn, không có đồng thù lao nào nhưng bà Loan vẫn nhiệt tình trong mọi công việc. Việc lớn, việc nhỏ ở thôn, lãnh đạo xã đều phải nhờ bà, đặc biệt với những nhiệm vụ liên quan tới việc vận động nhân dân. Năm 2016 khi bầu HĐND xã, tất cả các lá phiếu ở Thôn 4 đều dành cho bà Loan”.
 
Và không chỉ có cấp xã mà lãnh đạo cấp huyện mỗi lần làm việc ở Thôn 4 đều nhờ bà Loan dẫn tới từng nhà. Hơn 315 nóc nhà ở Thôn 4, nhà nào bà Loan cũng nắm rõ. “Cái gì cũng phải thực chất cô ạ, như đợt rà soát hộ nghèo đa chiều vừa rồi, tôi đưa cán bộ xã, huyện đến tận từng nhà, xem từng căn bếp, biết ngay ai còn đói khổ”. 
 
Bà Nguyễn Thị Hồng Loan vẫn được bà con Thôn 4 coi và gọi là già làng.
 
“Tôi chết có bà con khiêng đi”
 
Đã không còn sức lên rẫy, bà Loan hiện sống bằng nguồn thu từ cửa hàng tạp hóa nhỏ trước nhà. Mùa này, bà có thu mua thêm măng bởi “Mình không mua thì ai thu mua cho bà con, chẳng lời lãi là bao nhưng thôi để bà con có đồng ra đồng vào”. Nằm ở sát ngay bên Trường Tiểu học Liêng Srônh, năm học mới bắt đầu, căn tạp hóa của bà Loan có thêm bình nước và ly cho học trò đi qua đỡ cơn khát...
 
Ở Thôn 4 này, nhà ai sinh con, ai ốm đau bệnh tật, nhà ai có người chết...; người ta đều tới gọi “Bà Loan ơi”. Chị Rơ Ông Ka Ngồi vẫn nhớ như in lần đầu chị vượt cạn. Mồ côi cha mẹ nên chị bỡ ngỡ sinh con lần đầu mà không có mẹ ở bên, thêm vào đó lại còn đói nghèo, thiếu thốn khiến chị “đau càng thêm đau”. Không ai khác, bà Loan là người chăm chị sinh, xin thuốc cho chị uống, vay gạo mang tới nấu nướng chăm lo cho chị đến khi hồi phục sức khỏe hoàn toàn. Với chị, “Bà Loan tốt lắm nên ai cũng thương”. Và không chỉ có Ka Ngồi, với tất cả những người phụ nữ nghèo sinh con trong thôn, bà Loan đều tìm cách giúp đỡ. “Sinh con đã đau đớn vô cùng mà sinh xong chỉ ăn cháo lá bép thì làm sao lại sức được, xót xa quá nên mình lại cứ xắn tay vào lo”, bà Loan tâm sự. Hay như chuyện của bà Bon Niêng Ka Tràng sống với người con duy nhất bị thần kinh. Có những ngày con lên cơn, bà Ka Tràng không đi làm được, chẳng có gì ăn, bà Loan là người vận động quyên góp gạo giúp đỡ bà Ka Tràng. Có khi quyên góp chẳng được là bao, bà lại lấy tiền dành dụm của mình ra cho. Bao năm qua, mỗi lần các hộ nghèo trong thôn có người chết, bà Loan lại mang gùi đi quyên góp gạo “dẫu chẳng là bao nhưng vậy vừa để giúp đỡ vừa để tăng tình đoàn kết đùm bọc trong cộng đồng”, bà Loan nói. Với bà Loan, người tàn tật, trẻ mồ côi, người già neo đơn và phụ nữ mới sinh con... là những đối tượng bà ưu tiên giúp đỡ hàng đầu. Đi kèm với những lần giúp đỡ, bà vận động bà con chăm lo làm ăn, tích trữ, chăm sóc sức khỏe, bỏ bớt hủ tục lạc hậu cho bớt gánh nặng, đỡ đói nghèo... Thấy được những gì bà Loan làm nên bà con cũng nghe theo mà dần giảm bớt những hủ tục lạc hậu. Người dân bây giờ ăn chín, uống sôi, biết làm ăn tích lũy, đau ốm lên bệnh viện, con cái được học hành...
 
Đã 31 năm trôi qua, còn vài năm nữa, bà Loan cũng sẽ đến độ tuổi không còn công tác trong các đoàn thể thôn, nhưng những bà Ka Sạch, Ka Tràng, Ka Nhinh... và nhiều người khó khăn khác trong thôn đều níu giữ “Bà Loan đừng nghỉ, đừng bỏ chúng tôi”. Nhìn lại chặng đường dài gần bằng nửa cuộc đời ấy, bà Loan hạnh phúc mà nói rằng: “Tôi già rồi, mai này khi tôi chết, bà con chắc sẽ khiêng tôi đi như tiễn người ruột thịt”. 
 
Đợt kỷ niệm 10 năm thành lập huyện Đam Rông, bà Loan là một trong những cá nhân tiêu biểu đóng góp vào sự phát triển của địa phương được tặng quà lưu niệm dịp này. Bà là điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của huyện Đam Rông giai đoạn 2016-2018. Chúng tôi rời nhà bà Loan lúc trời đã đứng bóng, khi bà Rơ Ông Ka Bài đến gọi bảo vợ chồng Lơ Ông Ka Nhi đánh nhau, đòi bỏ nhau. Bà Loan lại tất tả đi đến để hòa giải. Mâm cơm cô con dâu dọn sẵn vẫn đậy lại đó đợi mẹ về. Bởi vẫn như 31 năm trôi qua, bà nào từ chối được khi bà con tin mà tìm tới gọi “Bà Loan ơi”...
 
NGỌC NGÀ