Khó khăn từ Cơ sở Bảo trợ xã hội Trọng Ðức

09:08, 31/08/2018

Tham gia khá nhiều đợt thiện nguyện đến với Cơ sở Bảo trợ xã hội (BTXH) Trọng Ðức ở xã Thanh Bình, huyện Ðức Trọng, lần nào chúng tôi cũng cám cảnh bởi sự chật vật ở đây, từ quá tải đến các điều kiện chăm sóc sức khỏe từ lâu nay  nhưng vẫn chưa có lời giải.   

Tham gia khá nhiều đợt thiện nguyện đến với Cơ sở Bảo trợ xã hội (BTXH) Trọng Ðức ở xã Thanh Bình, huyện Ðức Trọng, lần nào chúng tôi cũng cám cảnh bởi sự chật vật ở đây, từ quá tải đến các điều kiện chăm sóc sức khỏe từ lâu nay  nhưng vẫn chưa có lời giải.
 
Bệnh nhân tại Cơ sở tâm thần Trọng Đức đang cần nhiều quan tâm giúp đỡ. Ảnh: Đ.P
Bệnh nhân tại Cơ sở tâm thần Trọng Đức đang cần nhiều quan tâm giúp đỡ. Ảnh: Đ.P

Cơ sở BTXH Trọng Đức (CSTĐ) thành lập từ năm 2006 theo quyết định của UBND huyện Đức Trọng, và chịu sự quản lý về mặt nhà nước của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện này. Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Lâm Đồng Ngô Hữu Hay cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 12 cơ sở BTXH ngoài công lập, trong đó có CSTĐ. Đây là cơ sở chăm sóc và điều trị những người có bệnh về tâm thần nói chung ở các dạng. 
 
CSTĐ do bà Trần Thị Hằng là người đứng tên trong giấy phép. Phụ trách cơ sở nam do ông Bùi Văn Thu, cơ sở nữ do ông Trần Văn Hồ, đều là người nhà của bà Hằng. Ngoài ra, còn có khoảng 50 người phục vụ, chia theo ca. Ông Hồ cho biết, hiện có 187 bệnh nhân nữ và hơn 200 bệnh nhân nam. Trong đó có 81 bệnh nhân ở tỉnh Lâm Đồng, còn lại từ các tỉnh, thành khác; không có thân nhân chỉ chiếm 4%. Bệnh nhân rất nhiều độ tuổi, từ 20 đến 70. Ngoài bị bệnh tâm thần, các bệnh nhân còn mang những bệnh thông thường như huyết áp cao, hen suyễn, tiểu đường, viêm đại tràng, viêm đường ruột…
 
Ông Hồ cho biết, hàng tháng Nhà nước cấp thuốc chữa hướng tâm thần khoảng 50%, số còn lại gia đình tự lo; trường hợp không có gia đình nhưng bệnh nặng thì cơ sở tìm cách thông qua tài trợ của các mạnh thường quân, những người làm thiện nguyện và nhờ các bác sĩ từ thiện mua giúp. Theo ông Hồ, giá thuốc hiện nay 20 ngàn đồng/liều, loại thường từ 4-5 ngàn đồng/viên, loại tốt 20 ngàn đồng/viên. Phác đồ điều trị linh hoạt theo thực tế. “Phải theo dõi hàng ngày. Ví dụ đêm ngày nào ngủ được ngày nào không ngủ được, biểu hiện ra sao lúc đó mới đổi đúng thuốc chứ chung chung theo toa bác sĩ mà người nhà mang đến thì không đúng đâu”, ông Hồ nói. Thậm chí cơ sở phải cử người quan sát diễn biến cụ thể bệnh nhân trong từng sinh hoạt nhỏ nhặt mới kết luận được vì bệnh nhân không thể khai báo như các bệnh thông thường khác. 
 
Về thẻ BHYT, bà Trần Thị Hằng cho biết, gia đình bệnh nhân và CSTÐ tự bỏ tiền chỉ mua được một số, rất mong muốn Nhà nước hỗ trợ để mua được 100% cho bệnh nhân. 
 
Bà Hằng nói: “Tuy nhiên, trong số khoảng 30 người mà cơ sở mua mặc dù đã đóng tiền với giá đổ đồng 300 ngàn/người/năm cho ngành BHXH hơn cả tháng rồi nhưng vẫn chưa được cấp thẻ?”. Đối với những người phục vụ, họ không có lương mà làm thiện nguyện. Vào dịp tết, cơ sở san sẻ từ quà của các nhà từ thiện chia cho mỗi người một ít lương thực, thực phẩm để dùng ba bữa tết. Đây cũng là những đối tượng có hoàn cảnh đời sống khó khăn, rất cần được hỗ trợ từ Nhà nước về BHYT và tập huấn chuyên môn chăm sóc sức khỏe bệnh nhân. Ông Ngô Hữu Hay cũng cho biết, những bệnh nhân là người thuộc tỉnh Lâm Đồng và một số người lao động ở cơ sở cũng được nhận quà chúc tết theo chính sách Nhà nước.  
 
Điều mà bà Hằng trăn trở nhất là cơ sở không được tiếp nhận thêm bệnh nhân nữa. Bà nói: “Thấy người ta đi lang thang bên ngoài, ăn bậy ăn bạ, rồi mất thuần phong mĩ tục, cũng thấy tội cho họ, cơ sở muốn đưa họ vào nhưng chính quyền họ không cho tiếp nhận”. Nguyên nhân theo bà Hằng, chính quyền không đồng ý vì cơ sở đã quá tải. Còn bà Hằng thì nói, cơ sở còn dăm ba chỗ nên mong muốn được nhận tiếp để giúp cho họ ổn định, sau đó họ lại về gia đình, khi bệnh tái phát lại tới cơ sở. Ở cơ sở có khoảng 10 người thường lui tới như vậy. Trường hợp ở ngoài tỉnh Lâm Đồng thì bà cũng đồng ý không tiếp nhận. Bà dẫn tôi đến tiếp xúc với ba mẹ con Ka Hét, Ka Huy và Ka Hạnh ở huyện Di Linh để chứng minh: “Khi đó Nhà nước chưa cấm nhận, nếu tôi không tiếp nhận họ thì họ đâu có tiền đi đến bệnh viện chữa bệnh đâu”. Ông Hồ cũng chân thành cho biết thêm, một bệnh nhân do cán bộ Phòng LĐTB&XH và Công an thành phố Bảo Lộc vừa đưa đến tối qua, vì lương tâm, cơ sở cũng đành phải nhận chứ biết làm sao được.                  
 
Theo ông Hồ, bác sĩ Phạm Thị Bạch Yến lâu lâu cũng đến CSTĐ với tư cách gia đình đi thăm và làm từ thiện. Ông Hồ cho biết, chính bác sĩ Yến cũng đã đề xuất xây dựng một trung tâm chăm sóc bệnh tâm thần để tiếp nhận số bệnh nhân cũng như người phục vụ này, nhưng không thành. Sở LĐTB&XH cũng rất quan tâm cơ sở từ giúp đỡ làm thủ tục sổ sách. Tuy nhiên, nếu chỉ có ngành LĐTB&XH thì chắc chắn không thể khắc phục được những bất cập và cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe đối với bệnh nhân tâm thần tại CSTĐ. Rất cần sự hỗ trợ đắc lực của Nhà nước, các ngành, các cấp từ tỉnh đến trung ương. Một dẫn chứng cụ thể về thẻ BHYT để khẳng định điều này. Phòng LĐTB&XH huyện Đức Trọng cho biết, tháng 7/2018, CSTĐ đã bố trí kinh phí đề nghị BHXH huyện cho phép cơ sở mua thẻ BHYT cho 50 đối tượng theo hình thức hộ gia đình, nhưng BHXH Việt Nam đã trả lời không được. Nếu mua tất cả cho 287 người ước tính khoảng 215 triệu đồng thì CSTĐ không đủ nguồn lực để mua, và các đối tượng sẽ gặp khó khăn trong khi ốm đau phải nằm viện dài ngày. Công văn số 57 ngày 17/7/2018 đã được Phòng gửi Sở LĐTB&XH xem xét, giúp đỡ. Đến ngày 30/8/2018, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Ngô Hữu Hay cho PV Báo Lâm Đồng biết, Sở đã làm việc với BHXH tỉnh nhưng vẫn chưa có phương án để tháo gỡ vì theo quy định.
 
Chúng tôi rời CSTĐ, rất nhiều ánh mắt vô hồn, nhiều cánh tay giơ lên vẫy chào đến hiền lành của bệnh nhân. Người này vừa đi vừa hát nghêu ngao, người kia ngồi tư lự, cũng có người đứng trong song sắt buồng kín nhìn ra… Khó có thể biết họ đang vui hay buồn. Chúng tôi cảm nhận rằng, nơi đó đang rất mong mỏi nhiều sự quan tâm hỗ trợ từ phía xã hội, đặc biệt là các cấp, các ngành liên quan từ trung ương đến tỉnh. Nếu chỉ có mấy chục con người phát tâm từ bi cùng những tấm lòng nhân ái của mạnh thường quân, người từ thiện thì không thể. Mặc dù, CSTĐ đã trở thành địa chỉ hết sức đáng tin cậy từ chăm sóc đến điều trị của hàng trăm hộ gia đình trong cả nước để gửi gắm và đã được ngành LĐTB&XH Lâm Đồng, UBND huyện Đức Trọng ghi nhận. Phó Giám đốc Sở Ngô Hữu Hay nhận xét: Đây là cơ sở xưa nay hoạt động vô tư, có hiệu quả, bệnh nhân chuyển biến theo hướng tích cực rõ rệt. Càng đáng ghi nhận là trong lúc Nhà nước chưa có cơ sở để thay thế. Nhưng, theo chúng tôi, rất cần các cấp, các ngành liên quan của tỉnh đề nghị cấp trung ương đặc biệt quan tâm, bởi đây không chỉ bệnh nhân của tỉnh mà còn của rất nhiều tỉnh, thành trong cả nước. 
 
ÐẠO PHAN