Khủng hoảng trong chuyên ngành loãng xương

08:08, 24/08/2018

Loãng xương là một bệnh phổ biến trong cộng đồng nhưng kiến thức hiểu biết của cộng đồng về bệnh lý này còn rất hạn chế. Ngay cả ở giới bác sĩ, việc cập nhật các thông tin về chẩn đoán và điều trị cũng còn nhiều khó khăn.

Loãng xương là một bệnh phổ biến trong cộng đồng nhưng kiến thức hiểu biết của cộng đồng về bệnh lý này còn rất hạn chế. Ngay cả ở giới bác sĩ, việc cập nhật các thông tin về chẩn đoán và điều trị cũng còn nhiều khó khăn. Hiện nay, đang có một khủng hoảng trong chuyên ngành loãng xương, đó là rất nhiều bệnh nhân (chiếm 80%) bị gãy xương do loãng xương không được điều trị. 
 
PGS-TS-BS Lê Anh Thư - Chủ tịch Hội Loãng xương TP Hồ Chí Minh trình bày về những bất cập trong chẩn đoán, điều trị loãng xương, hậu quả và giải pháp. Ảnh: A.Nhiên
PGS-TS-BS Lê Anh Thư - Chủ tịch Hội Loãng xương TP Hồ Chí Minh trình bày về những bất cập
trong chẩn đoán, điều trị loãng xương, hậu quả và giải pháp. Ảnh: A.Nhiên

Giáo sư (GS) Nguyễn Văn Tuấn - Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan (Úc) nhấn mạnh: Gãy xương là một yếu tố nguy cơ tử vong cao, khoảng 20% bệnh nhân gãy cổ xương đùi tử vong trong vòng 12 tháng và nam giới có nguy cơ cao hơn nữ giới. Điều trị bệnh nhân gãy xương đùi với nhóm thuốc bisphosphonate giảm nguy cơ tử vong khoảng 30%. Tuy nhiên, gần 80% bệnh nhân bị gãy xương hiện nay không được điều trị và tình trạng này được xem là một sự khủng hoảng trong chuyên ngành loãng xương. Mới đây, một liên minh phòng chống loãng xương ở châu Á - Thái Bình Dương được hình thành từ sáng kiến của Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan nhằm đề ra những chiến lược cụ thể cho việc phòng ngừa loãng xương và gãy xương trong vùng. Cần thực hiện một cuộc điều tra về tình hình điều trị loãng xương ở tầm quốc gia; trước mắt, tập trung vào gãy cổ xương đùi vì đại đa số bệnh nhân đều nhập viện và dễ theo dõi. Vấn đề khủng hoảng trong điều trị loãng xương có tác động tiêu cực đến cả cộng đồng và đã đến lúc chúng ta phải có những nỗ lực thiết thực để giảm tử vong vì gãy xương.
 
Theo nghiên cứu của GS Tuấn, bệnh nhân nếu được điều trị thì nguy cơ tử vong sau gãy cổ xương đùi sẽ giảm 30%. Nhưng hiện nay có rất nhiều bệnh nhân bị gãy xương không được điều trị, do đó, một lần nữa nhắc nhở bác sĩ về cơ hội điều trị cho bệnh nhân gãy xương và thời gian lý tưởng là trong vòng 12 tháng sau khi gãy xương vì đó là thời gian có nguy cơ tử vong cao nhất.
 
Cùng với việc gia tăng tuổi thọ và sự thay đổi lối sống, từ hai thập niên gần đây, loãng xương đã trở thành vấn đề y tế của cộng đồng, ảnh hưởng đến 1 trong 3 phụ nữ (tỉ lệ 33%) và 1 trong 5 nam giới (20%) trên 50 tuổi trên toàn thế giới. Bệnh loãng xương còn có xu hướng gia tăng rất nhanh và trở thành một trong những bệnh lý mạn tính quan trọng cần phải được phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị và theo dõi một cách hệ thống giống như một số bệnh mạn tính quan trọng khác như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn Lipid máu, thiếu máu cơ tim cục bộ...
PGS-TS-BS Lê Anh Thư - Chủ tịch Hội Loãng xương TP Hồ Chí Minh
Thông báo của Liên đoàn chống bệnh loãng xương thế giới, hiện nay, chi phí cho bệnh loãng xương tương đương với chi phí cho bệnh tiểu đường và lớn hơn tổng chi phí cho cả hai bệnh ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ là ung thư vú và ung thư tử cung. Tuy nhiên, chi phí lớn nhất cho bệnh loãng xương hiện nay là để điều trị biến chứng gãy xương, đặc biệt là gãy cổ xương đùi, chỉ riêng các chi phí điều trị cho các vấn đề liên quan đến biến chứng gãy xương của bệnh đã đưa bệnh loãng xương trở thành một trong những bệnh mạn tính tiêu tốn nhiều tiền nhất. Một nghiên cứu vừa công bố tại hội nghị khoa học thường niên năm 2018 của Hội Loãng xương TP Hồ Chí Minh diễn ra tại Đà Lạt cho thấy: chi phí y tế trực tiếp điều trị nội trú trung bình 1 ca gãy xương đùi là 33,5 triệu đồng; chi phí điều trị 1 ca gãy xương cột sống 52,6 triệu đồng. Ước tính mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 60.900 ca gãy xương đùi và 44.000 ca gãy xương cột sống, tổng chi phí điều trị 218 triệu USD. 
 
PGS-TS Lê Anh Thư - Chủ tịch Hội Loãng xương TP Hồ Chí Minh cho biết, loãng xương là bệnh dịch thầm lặng và nguy hiểm. Bệnh loãng xương có thể phòng ngừa, có thể chẩn đoán và chẩn đoán sớm, đã có các biện pháp hữu hiệu để giảm tối đa nguy cơ gãy xương, biến chứng nặng nhất của bệnh.
 
Mặc dù loãng xương được biết là một căn bệnh âm thầm nhưng sau giai đoạn đầu tiên, triệu chứng thường gặp của bệnh là đau cấp tính và đau mạn tính. Đau cấp tính trên bệnh nhân loãng xương thường liên quan đến gãy xương; đau mạn tính thường là đau lưng kéo dài liên quan đến các biến chứng nặng của gãy xương trong loãng xương và các bệnh cùng mắc ở người cao tuổi (như thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống, viêm khớp...), gây ảnh hưởng tới các khía cạnh cảm giác, giác quan, nhận thức và chất lượng sống của người bệnh. Đau mạn tính trong loãng xương dẫn đến tàn phế, mất cuộc sống độc lập và cần chăm sóc lâu dài. Điều trị đau trong loãng xương cần phối hợp nhiều mô thức: điều trị bằng thuốc, điều trị không dùng thuốc và giảm đau can thiệp hay phẫu thuật khi cần để bảo vệ và cải thiện chất lượng sống. Trong điều trị đau cấp tính hay mạn tính do loãng xương và biến chứng của bệnh, cần đánh giá đúng tình trạng bệnh và các bệnh lý phối hợp, kết hợp các thuốc giảm đau phù hợp và an toàn, thuốc chống hủy xương, bổ sung canxi và vitamin D hàng ngày. 
 
Với sự thay đổi lối sống kiểu công nghiệp, đô thị, kỹ thuật số, lười vận động, lạm dụng thức ăn đồ uống chế biến sẵn, xa rời thiên nhiên, hạn chế các hoạt động vận động ngoài trời...; bệnh loãng xương đang có xu hướng trẻ hóa, đang bị bỏ quên, chưa có đủ các chương trình tuyên truyền phòng ngừa loãng xương một cách rộng rãi, thường xuyên trong cộng đồng. Nhiều bác sĩ khi khám bệnh cũng không chú ý đến bệnh và bệnh loãng xương thường không được chẩn đoán. Theo Liên đoàn chống bệnh loãng xương thế giới, hiện có hơn 200 triệu người bị loãng xương, hơn 70% số này là phụ nữ, khoảng 9 triệu ca gãy xương hàng năm, cứ mỗi 3 giây sẽ có 1 ca gãy xương mới do loãng xương và tỉ lệ bị loãng xương vẫn đang gia tăng ở các châu lục, đặc biệt vùng châu Á. Tuy nhiên, vài năm nay, bệnh đã bị bỏ quên ở nhiều quốc gia, không đủ các chương trình phòng ngừa loãng xương trong cộng đồng, không đầu tư trang bị đủ cho chẩn đoán bệnh và bệnh không được chẩn đoán, không được điều trị, thậm chí nhiều bệnh nhân bị gãy xương rồi cũng không được điều trị. Tỉ lệ gãy xương gia tăng, đặc biệt ở các quốc gia châu Á.
 
Theo PGS-TS Lê Anh Thư, giải pháp để đạt hiệu quả trong điều trị loãng xương cần tăng cường các hoạt động cộng đồng, cung cấp đầy đủ thông tin về lợi ích của việc phòng bệnh, phát hiện bệnh sớm và điều trị bệnh sớm, các thông tin đúng về lợi ích và nguy cơ của thuốc, vai trò của bác sĩ điều trị và mỗi cá nhân trong việc điều trị, sự cần thiết của mối quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân giúp tăng tối đa sự tuân thủ, hiệu quả điều trị, giảm tối thiểu các nguy cơ hay các tác dụng phụ. Đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng bệnh, nhấn mạnh hơn nữa sự cần thiết của việc bổ sung đủ nhu cầu canxi và vitamin D hàng ngày và tập vận động thích hợp cho từng lứa tuổi. Trong nhiều nghiên cứu, chỉ đơn thuần bổ sung đầy đủ can xi và vitamin D và tập vận động hàng ngày đã làm giảm đáng kể nguy cơ loãng xương và gãy xương cho người bệnh.
 
AN NHIÊN