Lộc Tân vượt khó đạt chuẩn nông thôn mới

09:08, 07/08/2018

Là một xã còn nhiều khó khăn của huyện Bảo Lâm, với gần 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng với ý chí và nghị lực của người dân trong thời kỳ đổi mới, đã giúp Lộc Tân vươn mình hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới.

Là một xã còn nhiều khó khăn của huyện Bảo Lâm, với gần 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nhưng với ý chí và nghị lực của người dân trong thời kỳ đổi mới, đã giúp Lộc Tân vươn mình hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).
 
Một góc xã nông thôn mới Lộc Tân. Ảnh: K.Phúc
Một góc xã nông thôn mới Lộc Tân. Ảnh: K.Phúc

Ðiểm xuất phát thấp
 
Lộc Tân là xã thuần nông, có diện tích đất tự nhiên hơn 13.700 ha; trong đó, có hơn 3.860 ha đất sản xuất nông nghiệp với 2 loại cây trồng chính là chè và cà phê. Xã có 7 thôn, với 1.697 hộ dân và hơn 6.570 nhân khẩu. Trong đó, có 4 thôn đồng bào DTTS gốc Châu Mạ, chiếm gần 70% dân số toàn xã. Năm 2010, khi triển khai xây dựng NTM, Lộc Tân là một trong 5 xã nghèo của huyện Bảo Lâm. Thời điểm đó, 2 loại cây chính của địa phương là cà phê và chè đều bị già cỗi, thoái hóa nên năng suất, chất lượng thấp khiến đời sống của người dân địa phương gặp vô vàn khó khăn, thách thức.
 
Tuy nhiên, khi Chương trình xây dựng NTM được triển khai, thì Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Lộc Tân nhận thức rõ đây là cơ hội không thể tốt hơn để thay đổi diện mạo của một xã nghèo. Vì vậy, Lộc Tân không ngừng nỗ lực phấn đấu, huy động các nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng NTM. Năm 2017, khi mới đạt 13/18 tiêu chí (do không quy hoạch chợ), Lộc Tân được huyện Bảo Lâm giao trọng trách phấn đấu “về đích” NTM vào cuối năm khiến địa phương “vừa mừng, vừa lo”. Điều đáng nói, 5 tiêu chí chưa đạt của địa phương đều khó, cần nguồn kinh phí đầu tư cao (khoảng 10 tỷ đồng) như: giao thông, trường học, thu nhập, hộ nghèo và nhà ở dân cư. “Xuất phát điểm thấp khi thực hiện Chương trình xây dựng NTM, nhưng xác định đây là chương trình lớn, tổng thể, toàn diện nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nên Đảng ủy xã ra nghị quyết lãnh đạo tổ chức thực hiện; UBND xã ban hành quyết định thành lập Ban Quản lý xây dựng NTM và thành lập 7 ban phát triển thôn trên địa bàn; phân công nhiệm vụ, lĩnh vực phụ trách cho từng thành viên cụ thể. Sau đó, ban quản lý điều tra tổng thể tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn nhằm lập quy hoạch, kế hoạch sát thực tế. Trên cơ sở đó, địa phương đã tranh thủ các nguồn đầu tư cho chương trình NTM, nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác của Nhà nước; đồng thời, phát huy tối đa nội lực của người dân để thực hiện chương trình...” - Chủ tịch UBND xã Lộc Tân, ông Nguyễn Văn Tùng cho biết.
 
Vượt khó “về đích”
 
Trải qua nhiều năm vất vả, gian nan, song với bản chất cần cù, chịu khó, tinh thần đoàn kết, những kinh nghiệm trong sản xuất của người dân đã giúp Lộc Tân thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ vậy, đời sống của người dân, đặc biệt là bà con đồng bào DTTS của địa phương có chuyển biến tích cực. Những mô hình mới, cách làm hay được nông dân đẩy mạnh phát triển như: đẩy mạnh chương trình tái canh cà phê, đưa những giống chè mới vào trồng; nhiều mô hình chăn nuôi heo, bò được người dân đầu tư phát triển và đặc biệt là mô hình trồng dâu, nuôi tằm được chú trọng phát triển, nhân rộng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Tuy nhiên, với trọng trách phải hoàn thành 5 tiêu chí còn lại để đạt chuẩn NTM trong năm 2017, Lộc Tân cần tới nguồn vốn đầu tư hơn 10 tỷ đồng. Để “về đích” đúng dự kiến, trong năm 2017, Lộc Tân đã huy động nguồn lực từ vốn xây dựng NTM của tỉnh, huyện và nguồn vốn từ các Chương trình 30a và 135. Đặc biệt, xã đã chủ động tuyên truyền để người dân tiếp cận và phát triển mô hình trồng dâu, nuôi tằm nâng cao thu nhập. Ông Nguyễn Văn Tùng Chủ tịch UBND xã Lộc Tân, khẳng định: “Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền đúng hướng, chỉ trong vòng một năm, Lộc Tân đã phát triển được gần 100 ha dâu tằm, nâng tổng số diện tích dâu tằm của toàn xã lên gần 190 ha. Riêng trong năm 2017, nghề trồng dâu nuôi tằm đã đóng góp vào tổng nguồn thu của người dân địa phương từ 20 - 22 tỷ đồng. Trong đó, bà con đồng bào DTTS chiếm khoảng 30 - 35% số hộ tham gia trồng dâu nuôi tằm. Nhờ vậy, trong năm 2017, đã có hàng chục căn nhà cấp 4 (trị giá từ 300 - 400 triệu đồng/căn) được người dân địa phương đầu tư xây mới, góp phần củng cố vững chắc tiêu chí nhà ở với 1.451/1.697 căn đạt chuẩn. Mô hình trồng dâu nuôi tằm cũng góp phần đáng kể đưa thu nhập bình quân của người dân đạt trên 32 triệu đồng/người/năm và giảm số hộ nghèo của toàn xã xuống còn 6,9%”.
 
Xã Lộc Tân đã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2017. Ảnh: K.Phúc
Xã Lộc Tân đã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2017. Ảnh: K.Phúc

Đối với tiêu chí giao thông, trong năm 2017, người dân địa phương đã đóng góp hơn 1 tỷ đồng, hàng trăm ngày công lao động và hiến hơn 1.500 m 2 đất để làm đường. Đến cuối năm, toàn xã đã có hơn 6 km đường trục chính được nhựa hóa, hơn 7,6 km đường liên thôn, 19 km đường ngõ xóm và 15,5 km đường nội đồng được cứng hóa, bê tông hóa. Đối với tiêu chí trường học, Lộc Tân đã chủ động mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công trường mầm non và đến tháng 11/2017 đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Ngay sau đó, Trường Mầm non Lộc Tân được công nhận đạt chuẩn quốc gia và nâng tổng số trường đạt chuẩn của địa phương lên 2/4 trường.
 
Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Tùng, sau hơn 7 năm nỗ lực vượt khó, chương trình xây dựng NTM tại địa phương đã thực sự trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, mang tính dân chủ. Nhiều hộ dân hiến đất làm đường, hiến công, hiến của, chung sức xây dựng NTM. Hạ tầng kinh tế - xã hội cho nông thôn được tập trung đầu tư, có nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả và được nhân rộng, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt, đời sống người dân ngày càng được nâng lên... Nhờ vậy, đến cuối năm 2017, xã đã hoàn thành 18/18 tiêu chí, sau khi thẩm định, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định công nhận xã Lộc Tân đạt chuẩn NTM. Hiện, địa phương vẫn chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giúp người dân tăng thu nhập, nâng cao cuộc sống để tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao điều kiện học tập cho con em địa phương...
 
KHÁNH PHÚC