Mô hình tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với BÐKH

08:08, 28/08/2018

Mô hình tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và giữ gìn an ninh trật tự ở khu dân cư đến thời điểm cuối tháng 8/2018 trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng đã hình thành được ở  21 khu dân cư tại 18 xã, phường, thị trấn. 

Mô hình tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường (BVMT), ứng phó với biến đổi khí hậu (BÐKH) và giữ gìn an ninh trật tự ở khu dân cư đến thời điểm cuối tháng 8/2018 trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng đã hình thành được ở  21 khu dân cư tại 18 xã, phường, thị trấn. 
 
Theo đó, chỉ tính riêng lĩnh vực BVMT đã có đến 17 khu dân cư tham gia. Đây  sẽ là hạt nhân để cộng đồng chung tay xây dựng cuộc sống sáng - xanh - sạch - đẹp tại khu dân cư.
 
Thực hiện đưa chất thải ra đường đúng quy định, đường làng ngõ phố Thánh Mẫu luôn sạch, đẹp và thông thoáng. Ảnh: M.Đ
Thực hiện đưa chất thải ra đường đúng quy định, đường làng ngõ phố Thánh Mẫu
luôn sạch, đẹp và thông thoáng. Ảnh: M.Đ

100% mô hình đã ra mắt 
 
Bà Đỗ Thị Quế Phương - Trưởng Ban Phong trào Dân tộc - Tôn giáo, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng (Mặt trận tỉnh) cho biết: Trong tháng 7/2018, 100% mô hình đăng ký đã ra mắt và trong tháng 9 này, Mặt trận tỉnh cùng với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) sẽ thống nhất ký kết các nội dung phối hợp. Chương trình này xây dựng trên cơ sở Chương trình số 20 ngày 26/12/2016 giữa Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam với Bộ TN&MT “về thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực TN&MT giai đoạn 2017-2020”, đặc biệt Chương trình phối hợp ngày 30/9/2016 giữa Mặt trận tỉnh và Sở TN&MT Lâm Đồng với các tổ chức tôn giáo tỉnh về “Tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016-2020”. Nội dung phối hợp phân công cụ thể mỗi bên và triển khai trên nhiều lĩnh vực: tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của mỗi người dân, gia đình, cộng đồng dân cư, các tổ chức tôn giáo, các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh; vận động nhân dân phát huy quyền làm chủ, tích cực, tự giác tham gia xây dựng và thực hiện các quy ước, hương ước liên quan đến BVMT; tiếp tục xây dựng mới và nhân rộng các mô hình, điển hình; phối hợp kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội; biên soạn tài liệu tuyên truyền, hỗ trợ kinh phí; tập huấn, thanh tra, đánh giá; tiếp nhận ý kiến, xem xét giải quyết, giải trình ý kiến kiến nghị của cử tri và nhân dân v.v…
 
Ðến nay, Mặt trận tỉnh triển khai được nhiều nội dung quan trọng, từ khảo sát, đánh giá tình hình, xây dựng kế hoạch, mục tiêu, tiêu chí của từng khu dân cư đến tổ chức phát động, ra mắt, ký kết, tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ và các tầng lớp nhân dân triển khai thực hiện mô hình. 
 
Mục tiêu của mô hình là góp phần thành công Cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, trong đó nền tảng là sự đoàn kết toàn dân, hạt nhân là các tôn giáo. Cùng đó, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các tổ chức, chức sắc tôn giáo với Mặt trận các cấp và các ngành liên quan, phát huy tính chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo trong phương pháp, cách làm để mang lại hiệu quả và tính bền vững. Bà Quế Phương cũng cho biết, theo kế hoạch đã được Ban Thường trực Mặt trận tỉnh phê duyệt, quý IV/2018 sẽ phối hợp tổ chức thẩm định, công nhận mô hình và sơ kết, biểu dương, khen thưởng và sẽ nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
 
Các chỉ tiêu và tính bền vững  
 
Để mô hình BVMT và ứng phó với BĐKH có hiệu quả và bền vững, kết quả thực hiện được đo đếm bằng bộ tiêu chí. Cụ thể là căn cứ theo Hướng dẫn số 84 ngày 30/8/2017 của Ban Thường vụ Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Ví dụ: 95% hộ gia đình đăng ký và thực hiện cam kết BVMT và ứng phó với BĐKH trong sản xuất, kinh doanh và tổ chức cuộc sống hàng ngày; trên 90% hộ gia đình nộp đủ các loại phí BVMT theo quy định; có từ 95% dân số dùng nước hợp vệ sinh, có trên 50% dân số được dùng nước sạch theo quy định; 100% cơ sở sản xuất kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về môi trường; có từ 70% hộ gia đình có hố rác, nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh; trên 60% hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường; 100% hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm… Đó còn là bảo đảm vệ sinh, môi trường ở tất cả các tụ điểm công cộng và khu vực sinh hoạt chung của khu dân cư; có tổ chức tự quản và hoạt động tích cực, hiệu quả trong kiểm tra việc thực hiện; có hình thức, biện pháp thu gom, phân loại rác thải do cộng đồng dân cư tự tổ chức thực hiện; đường làng, ngõ xóm, ngõ phố phong quang, vệ sinh, sạch đẹp, trồng cây xanh ở những nơi công cộng… 
 
Theo giới thiệu của Mặt trận tỉnh, chúng tôi có mặt tại Giáo xứ Thánh Mẫu, Phường 7, thành phố Đà Lạt, nơi có mô hình “Giáo xứ an toàn - sáng - xanh - sạch - đẹp”. Đây là một trong số 15 tổ chức Công giáo đăng ký xây dựng mô hình BVMT và ứng phó với BĐKH của tỉnh. Tiếp chúng tôi là linh mục Nguyễn Chu Truyền, quản xứ Thánh Mẫu cùng hai tổ trưởng dân phố Thánh Mẫu 1, ông Nguyễn Quang Trung và Thánh Mẫu 2, ông Nguyễn Văn Lợi. Các ông cho biết, hiện toàn khu dân cư giáo xứ này có hơn 300 hộ dân, gần 1.400 nhân khẩu; trong đó hộ Công giáo khoảng 220 hộ; chưa kể khoảng 400 nhân khẩu thuộc tạm trú. Với các tiêu chí nêu trên, cơ bản khu dân cư này đã đạt được nhờ làm tốt các cuộc vận động mấy năm nay. Linh mục Nguyễn Chu Truyền cho biết: “Đến nay, giáo xứ Thánh Mẫu đã làm theo Hướng dẫn số 234/MTTQ-BTT ngày 9/8/2018 của MTTQ thành phố Đà Lạt”. Ở đây, các hộ dân đã thực hiện quy định về quy trình tập kết chất thải sinh hoạt. Hàng tuần, sau 17 giờ các ngày thứ ba, năm và bảy các hộ mới mang chất thải ra các trục đường chính hoặc những nơi có thùng tập kết. Cách làm này luôn tạo cảnh quan đường phố sạch, đẹp, thông thoáng và đơn vị thu gom chất thải của thành phố Đà Lạt thu gom nhanh. Đáng lưu ý là kiến nghị của Linh mục và 2 tổ trưởng dân phố đặt ra, đó là cần phân loại chất thải ngay từ các hộ gia đình và xe vận chuyển của thành phố. Để làm được, Linh mục và đại diện dân phố đề nghị đơn vị thu gom chất thải thành phố bổ sung gấp đôi số lượng thùng chứa rác hiện nay cho khu dân cư và quy định thu gom, vận chuyển loại rác theo từng ngày xen kẽ. Đây cũng là một trong những yêu cầu của tiêu chí “nông thôn mới, đô thị văn minh”. Thành phố có làm được như vậy thì chúng tôi mới tuyên truyền người dân thực hiện được”, Linh mục Truyền nói.
 
MINH ÐẠO