Mưa bão kéo dài, nhiều khu vực bị ngập cục bộ

08:08, 19/08/2018

(LĐ online) - Ngày 19/8, dù trời đã ngớt mưa nhưng do ảnh hưởng của mưa bão kéo dài từ nhiều ngày trước nên một số khu vực tại huyện Bảo Lâm, Di Linh vẫn còn bị ngập úng cục bộ. Trong khi đó, tại các huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên, tình hình mưa bão làm mực nước sông Đồng Nai và một số nhánh sông khác dâng cao nhưng chưa gây ảnh hưởng đến hoa màu và cuộc sống của người dân. 

(LĐ online) - Ngày 19/8, dù trời đã ngớt mưa nhưng do ảnh hưởng của mưa bão kéo dài từ nhiều ngày trước nên một số khu vực tại huyện Bảo Lâm, Di Linh vẫn còn bị ngập úng cục bộ. Trong khi đó, tại các huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên, tình hình mưa bão làm mực nước sông Đồng Nai và một số nhánh sông khác dâng cao nhưng chưa gây ảnh hưởng đến hoa màu và cuộc sống của người dân. 
 
Một số cà phê của người dân thôn Tiền Yên (xã Lộc Đức, huyện Bảo Lâm) bị ngập. Ảnh: Đông Anh
Một số cà phê của người dân thôn Tiền Yên (xã Lộc Đức, huyện Bảo Lâm) bị ngập. Ảnh: Đông Anh
Ngày 18/8, trên mạng xã hội xuất hiện một clip ghi lại hình ảnh 2 người đang cố vượt qua một chiếc cầu treo đã bị ngập nước. Chiếc cầu treo được níu giữ bằng những sợi thép mỏng manh, mặt cầu là những tấm gỗ đã mấp mé mặt nước. Dòng nước đỏ ngầu cuộn chảy mạnh xô vào đoạn trùng nhất của chiếc cầu khiến nó lắc lư dữ dội. Một người đàn ông đi trước ôm chiếc máy phát cỏ trên tay và một người phụ nữ theo sau. Cả hai liên tục bị chao đảo, cố vượt qua chiếc cầu trong khi dòng nước cuộn chảy đánh mạnh vào chiếc cầu. Nhìn vào cảnh tượng ai cũng thấy kinh hãi. Sau khi xác minh, chiếc cầu treo trong clip được xác định là Cầu A Lý nối thôn 6 với thôn 7 (xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm). Hai người trong clip được cho là đang vội trở về nhà vì sợ nước cuốn trôi mất cầu. Theo lãnh đạo xã Lộc Tân, trong tối 18/8, chiếc cầu treo này đã bị dòng nước mạnh cuốn trôi. Hiện, người dân đang gặp khó khăn khi đi vào khu vực đất sản xuất tại thôn 7.
 
Do ảnh hưởng của cơn bão số 4, trong những ngày qua, đặc biệt ngày 17 và 18/8, trên địa bàn huyện Di Linh đã có mưa to gây ngập cục bộ. Theo ông K’Danh, người dân có rẫy cà phê ở thôn 14 (xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh), riêng thôn của ông có khoảng 20 hộ bị ngập do mực nước suối Đạ Nur dâng cao. Riêng gia đình ông đã có 135 cây cà phê bị ngập nước. Còn theo ông K’Tôn (thôn 10, xã Đinh Trang Hòa), trong ngày 18/8, một số căn nhà trong thôn đã bị ngập nước. Ngoài ra, mưa to làm nước dâng cao, nên cá trong ao cũng theo nước ra ngoài.  Ngoài 2 thôn nói trên, ở xã Đinh Trang Hòa còn có thôn 5B và thôn 6, nơi có con suối Riam chảy qua, một số diện tích lúa của bà con cũng bị ngập úng. Sáng 19/8, trao đổi qua điện thoại, ông Trần Nhật Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh, cho hay: Ngày 18/8, trên địa bàn huyện Di Linh xuất hiện mưa lớn, mực nước hồ Ka La dâng cao nên ở xã Đinh Lạc có một số nơi bị ngập nước. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh Trần Nhật Thi khẳng định qua ghi nhận tình hình diễn biến thời tiết bước đầu, những nơi như xã Đinh Lạc, xã Đinh Trang Hòa chỉ là những điểm ngập cục bộ. Vấn đề an toàn cho người và tài sản của dân vẫn được bảo đảm.                                 TRỊNH CHU

Sáng 19/8, một số hộ dân tại thôn Tiền Yên (xã Lộc Đức, huyện Bảo Lâm) vẫn đang tích cực dọn dẹp lại nhà cửa do bị ngập nước. Một số căn nhà vẫn bị ngập nước và nhiều đồ đạt, vật dụng trong nhà bị hư hỏng nặng. Theo ghi nhận, có 5 căn nhà, 3 ao cá và 1 chuồng heo trong khu vực này bị ngập nặng. Anh Lê Xuân Thanh cho biết: Chỉ trong vòng chưa tới 2 tiếng đồng hồ trưa hôm qua, nước dâng cao và nhanh khiến người dân trở tay không kịp. Nhiều vật dụng trong nhà bị ngập sâu hơn nửa mét hư hỏng nặng. Ao cá cũng ngập nặng khiến thất thoát một lượng lớn cá ra ngoài. Đối diện nhà anh Thanh, gia đình ông Nguyễn Văn Thủy cũng bị thiệt hại nặng do hai ao cá bị thất thoát ra ngoài. Ông Thủy cho biết: Chưa năm nào nước lại dâng cao và nhanh như vậy. Nước từ dòng suối tràn vào hai ao cá khiến một lượng lớn cá theo dòng nước ra ngoài. Đến tận đêm hôm qua, nhiều người vẫn đi chích điện ở dòng suối để bắt cá. Trong khi đó, gia đình bà Nguyễn Thị Lực vừa bị nước ngập vào nhà vừa ngập vào chuồng heo. Đàn heo hơn 30 con may mắn nhờ mọi người di chuyển giúp về nơi an toàn nên không thiệt hại lớn. Tuy nhiên, bà Lực chia sẻ: Nhiều vật dụng trong nhà bị hư hỏng nặng, giếng nước bị ngập sâu không thể sử dụng được. Đàn heo dù được di chuyển đến nơi khô ráo nhưng nhiều con bị trầy xước, bỏ ăn và nguy cơ chết rất cao. Theo phản ảnh của các hộ dân, nước dâng cao đột ngột có thể là do đập thủy lợi phía trên xả đập. Vì từ trước đến nay và ngay cả trong những ngày mưa lớn nhất đợt này, nước vẫn không dâng cao và nhanh như vậy.

 
Còn tại xã Lộc Nam (huyện Bảo Lâm) đến sáng nay, đoạn cống ngầm qua địa bàn xã mới rút bớt nước, xe cộ và người dân mới lưu thông trở lại bình thường, còn trước đó đoạn cống ngầm này cũng bị ngập sâu trong nước nhiều ngày. Liên quan đến hậu quả do mưa lũ gây ra, gần 200 mét đường giao thông tại thôn 10 của xã Lộc Nam cũng bị sụt lún, sạt lỡ nghiêm trọng gây khó khăn cho việc giao thông đi lại và sản xuất của người dân. 
 
Ông Bùi Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh, cho biết: Mưa lớn kéo dài khiến mực nước sông, suối trên địa bàn huyện dâng cao nhưng vẫn chưa tràn đồng gây ảnh hưởng đến hoa màu của người dân. Còn các hồ đập thủy lợi trên địa bàn huyện đến nay vẫn đảm bảo an toàn.
 
Còn theo ông Trần Quang Trừng, Trưởng Phòng NNPTNT huyện Cát Tiên, ngày 18/8, Thủy điện Đồng Nai 5 xả lũ ở mức 437 m 3/s và hôm nay mức xả lũ giảm còn 390 m 3/s. Hiện tại, mực nước sông Đồng Nai là 132 – 133 m, cao hơn mực nước nội đồng từ 2 – 3 m. Nước sông Đồng Nai hiện đang tràn vào nội đồng nhưng chưa ảnh hưởng lớn đến hoa màu của người dân. Nếu mức nước tiếp tục dâng cao thì có khả năng gây ngập úng một số diện tích lúa vụ hè thu ở những vùng ven bờ. Hiện, diện tích lúa hè thu trên địa bàn huyện đã thu hoạch gần hết, còn lại khoảng 400 ha; trong đó, có 100 ha có khả năng bị ảnh hưởng. Huyện đang tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh thu hoạch lúa hè thu để giảm đến mức thấp nhất bị ảnh hưởng nếu nước sông tiếp tục tràn đồng. Đối với các hồ dập thủy lợi, do có kế hoạch ngay từ đầu mùa mưa lũ nên các cơ quan, đơn vị quản lý điều hành hồ đập đã chủ động điều tiết nước, đảm bảo vận hành cho các công trình. Đến thời điểm hiện tại, các công trình được đảm bảo an toàn.
 
Người dân liều mình qua cầu treo A Lý (xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm). Ảnh: Chụp lại từ clip
Người dân liều mình qua cầu treo A Lý (xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm).
Ảnh: Chụp lại từ clip

 

Sáng 19/8, một số nhà dân ở thôn Tiền Yên vẫn bị ngập. Ảnh: Đông Anh
Sáng 19/8, một số nhà dân ở thôn Tiền Yên vẫn bị ngập. Ảnh: Đông Anh


Clip ghi lại hình ảnh 2 người đang cố vượt qua một chiếc cầu treo đã bị ngập nước (nguồn Facebook)

https://youtu.be/_RArSmDTaWQ

ĐÔNG ANH