Ðẩy mạnh phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt, quản lý tốt"

08:08, 13/08/2018

Năm học 2017 - 2018 là năm thứ 4 ngành Giáo dục thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Ngành Giáo dục Lâm Ðồng tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, chú trọng phát triển quy mô, nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường kỷ cương, nền nếp, đẩy mạnh phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt, quản lý tốt".

Năm học 2017 - 2018 là năm thứ 4 ngành Giáo dục thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GDÐT). Ngành Giáo dục Lâm Ðồng tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, chú trọng phát triển quy mô, nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường kỷ cương, nền nếp, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt, quản lý tốt”. Nhân dịp tổng kết năm học 2017 - 2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018 - 2019, Báo Lâm Ðồng có cuộc phỏng vấn bà Ðàm Thị Kinh - Giám đốc Sở GDÐT về những kết quả nổi bật trong năm học vừa qua và định hướng cho năm học tới.
 
PV: Xin bà cho biết những kết quả nổi bật ngành Giáo dục Lâm Đồng đạt được trong năm học 2017 - 2018?
 
Bà Đàm Thị Kinh - Giám đốc Sở GDĐT
Bà Đàm Thị Kinh - Giám đốc
Sở GDĐT
Bà Đàm Thị Kinh: Năm học 2017 - 2018, trên cơ sở tiếp tục điều chỉnh, phát triển mạng lưới trường lớp, làm tốt công tác huy động học sinh ra lớp; quy mô giáo dục tiếp tục được mở rộng đáp ứng nhu cầu học tập của các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Toàn ngành triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tạo môi trường để học sinh được hoạt động trải nghiệm sáng tạo, dạy học gắn với sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học và rèn luyện kỹ năng thực hành; vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn trong học tập và đời sống xã hội. Duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; làm tốt công tác xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ; nâng cao hiệu quả công tác phân luồng, tư vấn hướng nghiệp và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông…
 
Trong năm học vừa qua, thành tích giáo dục mũi nhọn được nâng lên về chất lượng. Đây là lần đầu tiên sau hơn 10 năm Lâm Đồng mới có học sinh đoạt giải nhất tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Đặc biệt, Cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật khu vực phía Nam do tỉnh Lâm Đồng đăng cai tổ chức, đoàn Lâm Đồng đoạt giải nhì toàn đoàn, trong đó, có 1 dự án được chọn tham dự cuộc thi Intel ISEF tại Hoa Kỳ. Tại Cuộc thi Giải quyết tình huống kinh doanh diễn ra tại Canbera (Úc), 3 học sinh Trường THPT chuyên Thăng Long - Đà Lạt đã xuất sắc giành chức vô địch cuộc thi; có 2 học sinh đoạt giải ba Cuộc thi Olympic Vật lý tại Pháp; 1 học sinh đoạt Huy chương Đồng tại cuộc thi Tin học châu Á; 1 học sinh đoạt giải khuyến khích Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 47 năm 2018...
 
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Lâm Đồng diễn ra an toàn, nghiêm túc, trung thực, khách quan, đúng quy chế và đạt kết quả tốt. Toàn tỉnh có 13.997/14.146 thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT, đạt tỷ lệ 98,95%, cao hơn tỷ lệ chung của cả nước 1,38% (nếu tính riêng THPT đạt tỷ lệ tốt nghiệp 99,17%); có 33 đơn vị có tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp 100%, gồm 31/58 trường THPT và 2/8 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. 
 
Đội ngũ CBQL, giáo viên, nhân viên cơ bản đủ về số lượng, có chất lượng, đảm bảo thực hiện công tác quản lý, dạy học trong các đơn vị. Trong năm 2017, có 6 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú lần thứ 14; 1 tập thể được tặng Cờ thi đua của Chính phủ; 3 tập thể, 7 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 24 tập thể được tặng Cờ thi đua của Bộ GDĐT, UBND tỉnh. Sở GDĐT Lâm Đồng được tặng Cờ thi đua xuất sắc của Bộ GDĐT 5 năm liên tục (2012 - 2017); có 128 lượt/125 học sinh xuất sắc đoạt giải tại các cuộc thi cấp quốc tế, quốc gia và giải nhất cấp tỉnh được tuyên dương khen thưởng...
 
PV: Bên cạnh kết quả đạt được, ngành còn có những hạn chế và khó khăn gì, thưa bà?
 
Bà Đàm Thị Kinh: Khó khăn hiện nay của ngành là kinh phí đào tạo, bồi dưỡng của các đơn vị rất hạn chế, đặc biệt là đào tạo, bồi dưỡng trên chuẩn; một số cán bộ quản lý nhà trường chưa thật sự năng động, sáng tạo; nhiều giáo viên THPT ở vùng sâu mới vào nghề, trình độ nghiệp vụ và kinh nghiệm giảng dạy chưa nhiều, còn lúng túng trước yêu cầu đổi mới phương pháp dạy - học; chất lượng giáo dục ở một số địa bàn vùng sâu, vùng DTTS chưa thật vững chắc. Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp cao hơn mặt bằng chung của các tỉnh Tây Nguyên, nhưng còn thấp hơn so với mặt bằng chung cả nước; công tác tổ chức bán trú tại các lớp mẫu giáo lẻ ở vùng khó khăn gặp nhiều bất cập do thiếu thốn về cơ sở vật chất; vẫn còn một số điểm trường tuy có nhà vệ sinh nhưng đã xuống cấp, cần đầu tư nâng cấp, sửa chữa... Cơ sở vật chất trường học được tăng cường nhưng nhìn chung chưa đồng bộ; một số điểm trường do thiếu phòng học nên không có điều kiện tổ chức lớp học 2 buổi/ngày đối với học sinh tiểu học; tỷ lệ trường tổ chức bán trú, học sinh được học tiếng Anh 4 tiết/tuần và Tin học chưa đáp ứng yêu cầu.
 
Với việc đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên. Ảnh: T.Hương
Với việc đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên.
Ảnh: T.Hương

PV: Vậy ngành Giáo dục đề ra những nhiệm vụ trọng tâm gì trong năm học 2018 - 2019?
 
Bà Đàm Thị Kinh: Năm học 2018 - 2019, ngành GDĐT Lâm Đồng tiếp tục phát triển theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện đảm bảo các yếu tố: Chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện; xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lí, gắn với xây dựng xã hội học tập; chủ động tiếp cận và chuẩn bị các nguồn lực cho việc triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau: 
 
Tiếp tục tham mưu điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường lớp học phù hợp với điều kiện thực tế, đáp ứng yêu cầu học tập của người dân; rà soát thực trạng cơ sở vật chất, trường lớp, hệ thống nhà vệ sinh trong toàn ngành, báo cáo Bộ GDĐT và xây dựng kế hoạch sửa chữa, xây dựng mới trong thời gian sắp tới; giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo; làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục;
 
Tiến hành rà soát nhu cầu đội ngũ, từ đó điều chuyển bổ sung CBQL, GV giữa các đơn vị; tiếp tục thực hiện việc sắp xếp cơ cấu tổ chức, đội ngũ ở cơ quan Sở và các đơn vị trực thuộc đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cho năm học mới;
 
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý giáo dục, góp phần thực hiện Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư “4.0” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Đề án xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh của UBND tỉnh; 
 
Nâng cao chất lượng dạy - học ngoại ngữ ở các cấp học; thực hiện công tác khảo thí theo hướng đánh giá năng lực người học; 
 
Đẩy mạnh công tác truyền thông về đổi mới GDĐT, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông... để thống nhất về nhận thức, tạo sự đồng thuận và huy động sự tham gia, đánh giá và phản biện của xã hội đối với công cuộc đổi mới, phát triển GDĐT; đổi mới công tác thi đua, khen thưởng bảo đảm công khai, minh bạch với các tiêu chí rõ ràng, cụ thể, thường xuyên kiểm tra, thanh tra, tránh bệnh thành tích; đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo.
 
PV: Cảm ơn bà đã trả lời phỏng vấn!
 
TUẤN HƯƠNG (Thực hiện)