"Nghề giáo đã cho tôi chữ Ðẹp"

08:08, 13/08/2018

22 mùa hoa phượng qua đi, đối với cô Nguyễn Thị Bảo Trâm (44 tuổi, giáo viên Trường THPT Chuyên Bảo Lộc), điều lớn nhất mà cô đã nhận được từ nghề giáo gói gọn trong một chữ: Ðẹp - Ðẹp trong tâm hồn, đẹp trong cuộc sống...

22 mùa hoa phượng qua đi, đối với cô Nguyễn Thị Bảo Trâm (44 tuổi, giáo viên Trường THPT Chuyên Bảo Lộc), điều lớn nhất mà cô đã nhận được từ nghề giáo gói gọn trong một chữ: Ðẹp - Ðẹp trong tâm hồn, đẹp trong cuộc sống. Bằng kiến thức chuyên môn cùng tâm huyết của mình, cô Trâm đã truyền tình yêu và niềm đam mê văn học đến với nhiều thế hệ học sinh xứ trà B’Lao.
 
Cô Nguyễn Thị Bảo Trâm đã truyền niềm yêu thích văn học cho nhiều thế hệ học sinh.
Cô Nguyễn Thị Bảo Trâm đã truyền niềm yêu thích văn học cho nhiều thế hệ học sinh.

Sinh ra và lớn lên tại TP Bảo Lộc, ngay từ những ngày còn là học sinh THPT, cô nữ sinh Bảo Trâm đã ấp ủ trong mình ước mơ lớn lên được trở thành cô giáo. Không chỉ vì đó đã là truyền thống của gia đình khi mà nhà cô có đến 6 anh chị em ruột làm nghề gõ đầu trẻ. Hơn hết, cô có niềm đam mê đặc biệt với môn Văn và luôn mong muốn được truyền tình yêu đó đến với các thế hệ sau mình.
 
Năm 1996, cô Trâm tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Đà Lạt và về công tác tại Trường THPT Lộc Thanh, gắn bó với nơi này trong 16 năm. Năm 2012, khi Trường THPT Chuyên Bảo Lộc được thành lập, cô Trâm chuyển về công tác tại đây và trở thành một trong những giáo viên chính phụ trách đào tạo, bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi môn Ngữ văn của trường. 
 
Hơn 20 năm đứng trên bục giảng, theo cô Bảo Trâm, điều khó nhất để học sinh cảm thấy yêu thích môn Ngữ văn là phải làm sao truyền được cảm hứng, niềm đam mê với thơ văn, để học sinh tự tìm đến với môn học - nhất là trong nhịp sống hiện đại, khi có quá nhiều thứ kéo học sinh ra xa khỏi những trang sách, những vần thơ, và những tác phẩm văn học. “Chính vì vậy, tôi luôn phải tìm cách đổi mới trong từng giờ dạy, bài dạy, kết hợp giữa các yếu tố hiện đại xen vào các bài giảng truyền thống để học sinh không thấy nhàm chán” - cô Trâm chia sẻ.
 
Khác với những môn học khác, môn Ngữ văn đòi hỏi nhiều cảm xúc và khả năng cảm thụ từ cả người dạy và người học. Thế nên, cô Trâm cho rằng, ngoài những yêu cầu về phẩm chất và năng lực chung cần có của người giáo viên, để khơi dậy tâm hồn, niềm yêu thích môn Văn, giáo viên Văn phải thực sự là người có tâm hồn, phải có năng lực đồng cảm, năng lực giải quyết vấn đề.
 
“Mình dạy bằng cả trái tim thì học trò sẽ học bằng cả khát vọng” - Cô Nguyễn Thị Bảo Trâm chia sẻ
Từ năm 2000 đến nay, cô Bảo Trâm đã có nhiều năm trực tiếp tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi môn Ngữ văn cấp tỉnh, khu vực, quốc gia. Dưới sự dẫn dắt của cô, rất nhiều những giải cao đã được các em học sinh Bảo Lộc gặt hái, mang về niềm tự hào cho thầy và trò: 3 giải khuyến khích cấp Quốc gia, 4 học sinh đoạt Huy chương Vàng, Huy chương Bạc, Huy chương Đồng, 2 năm liền có 6 học sinh đoạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh,... Theo cô Trâm, trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi thì khâu phát hiện và tuyển chọn là cực kì quan trọng, bởi có được hạt giống tốt thì sẽ có mùa bội thu.
 
Hiện là Tổ trưởng chuyên môn Tổ Ngữ văn, Trường THPT Chuyên Bảo Lộc, cô Bảo Trâm chia sẻ rằng, điều may mắn của cô là hai vợ chồng đều làm nghề giáo nên rất hiểu và chia sẻ với nhau trong công việc giảng dạy, cũng như trong cuộc sống gia đình. Có lẽ nhờ vậy mà cô liên tục đạt được các thành tích tốt trong các năm học: Đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua và Giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở nhiều năm liền; Năm học 2016 - 2017, cô được Liên đoàn Lao động tỉnh tặng Bằng khen về thành tích trong phong trào Lao động giỏi và xây dựng tổ chức Công đoàn; Đoạt giải nhất (giải lĩnh vực) cấp Quốc gia - Cuộc thi “Dạy học theo chủ đề tích hợp”; Có 3 đề tài Nghiên cứu Khoa học sư phạm ứng dụng được đăng trên Tạp chí chuyên ngành Dạy và học ngày nay (Hội Khuyến học Trung ương); Hướng dẫn học sinh thực hiện 3 đề tài nghiên cứu khoa học,...
 
Thầy Hoàng Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Bảo Lộc nhận xét: Cô Trâm là một giáo viên có năng lực chuyên môn tốt và luôn có ý thức trau dồi nghiệp vụ. Đặc biệt, sự năng nổ, tâm huyết và trách nhiệm của cô Trâm trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi là điều mà nhà trường luôn ghi nhận và trân trọng.
 
VIỆT QUỲNH