Nhiều công trình thủy lợi vừa và nhỏ mất an toàn

08:08, 23/08/2018

(LĐ online) - Chiều ngày 23/8, Đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có cuộc khảo sát, kiểm tra an toàn hồ đập mùa mưa lũ và có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng...

(LĐ online) - Chiều ngày 23/8, Đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có cuộc khảo sát, kiểm tra an toàn hồ đập mùa mưa lũ và có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi làm trưởng đoàn đánh giá nhiều công trình thủy lợi vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng không an toàn theo quy định.
 
Đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng chiều nay. Ảnh: C.P
Đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng chiều nay.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, hiện toàn tỉnh có 430 công trình thủy lợi (47 công trình do cấp tỉnh quản lý, 383 công trình do cấp huyện quản lý). Trong đó có 220 hồ chứa, 87 đập dâng, 19 trạm bơm. Có 7 hồ chứa có dung tích trên 10 triệu m3, 7 hồ chứa có dung tích từ 3-10 triệu m3 và số còn lại có dung tích từ 0,5 triệu m3 trở xuống.
 
Đặc biệt là có nhiều công trình thủy lợi vừa và nhỏ trên địa bàn do xây dựng đã lâu, qua thời gian sử dụng dài nên đã xuống cấp, hư hỏng, có công trình xả lũ chưa có cống dưới đập hay mái đập chưa được gia cố… 
 
Từ thông tin được cung cấp và qua khảo sát một số hồ đập tại địa phương, ông Nguyễn Văn Tỉnh bày tỏ sự lo lắng trước sự xuống cấp của hàng chục công trình thủy lợi vừa và nhỏ, đồng thời yêu cầu địa phương cần tăng cường công tác giám sát, có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
 
“Trong quản lý hồ chứa lớn có cửa van chúng tôi rất yên tâm vì được xây dựng thời gian gần đây, đơn vị vận hành có đủ năng lực quản lý… nên cơ bản những loại hồ chứa này bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, các loại hồ chứa vừa và nhỏ có nhiều vấn đề lưu tâm đặc biệt. Thứ nhất là nhiều hồ được xây dựng cách đây 30-50 năm, trong điều kiện xây dựng thiếu thiết bị, công nghệ kém hiện đại và nhiều năm thiếu kinh phí duy tu nên xuống cấp nhiều mặt. Thứ hai là công trình thủy lợi đại đa số đều giao cho địa phương cấp huyện, cấp xã quản lý. Trong khi những cấp này khi chúng tôi rà soát tại nhiều địa phương gần như không đáp ứng yêu cầu về bảo trì, duy tu, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn…” – ông Tỉnh cảnh báo.
 
Ông Nguyễn Văn Sơn, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đánh giá các công trình thủy lợi trên địa bàn thời gian qua được giám sát vận hành an toàn, được kiểm định thường xuyên và có phương án dự phòng khi xảy ra các tình huống xấu. Trong đó, công tác quản lý, giám sát chất lượng công trình đập, kiểm tra an toànvùng hạ lưu…được UBND tỉnh chỉ đạo rà soát chặt chẽ trước mùa mưa lũ năm 2018. 
 
Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu sản xuất của nhân dân trong tỉnh rất lớn nhưng điều kiện thời tiết có nhiều bất thường, khó lường trong khi diện tích được tưới từ công trình thủy lợi còn quá nhỏ bé so với nhu cầu thực tế. Hằng năm vào mùa vụ, các công trình thủy lợi, hồ đập nêu trên không thể đảm bảo năng lực tưới tiêu theo thiết kế.
 
Trên cơ sở đó, ông Sơn kiến nghị các bộ, ngành tại Trung ương xem xét hỗ trợ địa phương xây dựng các hồ chứa lớn như: Hồ chứa nước Đông Thanh, huyện Lâm Hà; hồ Ta Hoét, Hiệp Thuận huyện Đức Trọng, hồ KaZam huyện Đơn Dương. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có cơ chế hỗ trợ vốn để địa phương thực hiện lắp đặt các thiết bị thông tin cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du trên địa bàn tỉnh...
 
C.PHONG