Nỗ lực giảm nghèo thông tin

08:08, 08/08/2018

Trước thực trạng thiếu về số lượng, yếu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông đã và đang có nhiều nỗ lực khắc phục để nâng cao chất lượng hoạt động thông tin truyền thông cơ sở.

Trước thực trạng thiếu về số lượng, yếu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã và đang có nhiều nỗ lực khắc phục để nâng cao chất lượng hoạt động thông tin truyền thông cơ sở.
 
Anh Kơ Să Ha Jim làm nhiệm vụ tiếp sóng tại trạm thu phát sóng phát thanh - truyền hình ở khu vực ba xã Đầm Ròn (huyện Đam Rông). Ảnh: H.Thắm
Anh Kơ Să Ha Jim làm nhiệm vụ tiếp sóng tại trạm thu phát sóng phát thanh - truyền hình
ở khu vực ba xã Đầm Ròn (huyện Đam Rông). Ảnh: H.Thắm

Hơn 60% nhân lực chưa qua đào tạo
 
Dự án Truyền thông và giảm nghèo thông tin là một trong 5 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2021. Với chương trình này, Sở TTTT đã triển khai các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông tại cơ sở. Không bó gọn chỉ trong đội ngũ làm truyền thanh mà đối tượng tiếp cận đã mở rộng, bao gồm toàn bộ hệ thống chính trị, từ cán bộ tổ dân phố, thôn, xã, cán bộ đoàn thể, truyền thanh, báo cáo viên, những người làm tuyên truyền miệng...; giúp họ chắt lọc thông tin để truyền đạt một cách đơn giản nhất, giúp người dân dễ dàng tiếp cận. 
Cứ khoảng 5h - 5h30 hằng ngày, hệ thống truyền thanh không dây ở hầu hết các địa phương đều như tiếng chuông báo hiệu ngày mới. Thế nhưng ở xã Mê Linh (huyện Lâm Hà) hiện chỉ có 2 thôn trung tâm là hệ thống này còn hoạt động bình thường, còn lại ở các thôn khác, phần thì chất lượng kém, phần thì đã bị hư hỏng. Anh Đỗ Ngọc Tuyền, cán bộ văn hóa xã hội xã Mê Linh kiêm phụ trách trạm truyền thanh cho biết, ở các thôn còn lại, khi có thông báo, văn bản của UBND thì phải liên hệ với trưởng thôn để phát trên loa ở riêng mỗi thôn. 
 
Còn ở Đam Rông, hiện nay, 8/8 xã được trang bị hệ thống truyền thanh không dây. Ông Bùi Tiến Viết, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện đánh giá, hệ thống truyền thanh hiện tại đang làm rất tốt công tác tuyên truyền các vấn đề thời sự, sự kiện chính trị nổi bật của đất nước đến với nhân dân, đặc biệt là với người dân vùng đồng bào DTTS. Với người dân vùng sâu, vùng xa; yếu tố đường sá, việc di chuyển còn nhiều khó khăn thì hệ thống truyền thanh không dây mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, ông Viết cũng thừa nhận rằng, đội ngũ cán bộ phụ trách truyền thanh ở cơ sở chỉ cơ bản đáp ứng được yêu cầu công việc về thời gian hoạt động. Ngoài việc tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài PTTH tỉnh, huyện thì còn lại hầu như chỉ đọc lại các văn bản, thông báo khi có yêu cầu. 
 
Theo thống kê của Sở TTTT, hiện nay, Lâm Đồng có 12 đài Truyền thanh truyền hình cấp huyện, 134 đài truyền thanh cơ sở trong tổng số 147 xã, phường, thị trấn (trong đó có 133 đài truyền thanh không dây, 1 đài truyền thanh có dây). Phụ trách các đài truyền thanh cơ sở có 136 cán bộ bao gồm kiêm nhiệm và không kiêm nhiệm; trong đó chỉ có 42 người có trình độ từ trung cấp trở lên, số còn lại chưa được đào tạo về chuyên môn. 
 
“Phần lớn cán bộ truyền thanh chưa qua đào tạo hoặc làm công tác kiêm nhiệm, không có chuyên môn để làm nhiệm vụ viết tin, bài nên chủ yếu chỉ thực hiện tuyên truyền theo hình thức thông báo các văn bản chỉ đạo của địa phương và tiếp sóng các đài khác. Thêm vào đó, chế độ chính sách đối với đội ngũ làm công tác thông tin cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, vẫn còn khá thấp nên không thu hút được cán bộ gắn bó với công việc”, bà Trần Thị Mai Phương - Phó Giám đốc Sở TTTT nhận xét.
 
Ðẩy mạnh truyền thông và giảm nghèo thông tin
 
Khi khái niệm “nghèo” không còn đơn thuần là tình trạng thiếu ăn, thiếu mặc mà theo các tiêu chí đánh giá nghèo đa chiều về cả thu nhập, giáo dục, y tế, tiếp cận thông tin... như hiện nay thì việc đẩy mạnh thông tin truyền thông tại cơ sở là yêu cầu vô cùng cấp thiết. 
 
Theo đánh giá chung, đối với một bộ phận cư dân nghèo, nhất là bà con dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa thì việc lý giải cho họ căn nguyên của cái nghèo là điều đáng được quan tâm, chú trọng. Từ đó có thể khơi thông được tâm lý ỷ lại, trông chờ vào những hỗ trợ của Nhà nước. Muốn vậy, phải tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền đến từng người, từng nhà. 
 
Các lớp tập huấn tập trung bồi dưỡng kỹ năng xây dựng nội dung và thực hiện công tác tuyên truyền miệng cho đội ngũ cán bộ cơ sở để phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kỹ năng viết tin, bài; thực hiện bản tin tuyên truyền trên đài truyền thanh cơ sở và bản tin, tài liệu không kinh doanh phục vụ tuyên truyền ở cơ sở; kỹ năng vận hành, khai thác và sử dụng hiệu quả đài, trạm truyền thanh và các trang thiết bị tác nghiệp chuyên ngành.
 
Song song với đó, việc đầu tư trang thiết bị cũng đang được quan tâm. Hiện nay, tại các địa phương, các thiết bị của hệ thống truyền thanh không dây thường xuyên hỏng hóc. Tuy nhiên, kinh phí sửa chữa, mua mới rất cao, tốn nhiều thời gian... nên đang được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, hỗ trợ những nơi thực sự cần trước.
 
“Có một tồn tại nữa đó là đội ngũ cán bộ làm công tác TTTT tại cơ sở thường xuyên biến động dẫn đến tình trạng nhiều người đã được tập huấn nhưng khi thay đổi vị trí công tác thì người thay thế lại chưa có kinh nghiệm. Để từng bước giải quyết những hạn chế, tồn tại đã nêu thì cũng cần phải có cần sự chung tay từ phía các cấp chính quyền địa phương bởi hiện nay, để đưa thông tin đến từng người dân thì không gì tốt hơn hệ thống thông tin cơ sở mà đặc biệt là hệ thống truyền thanh”, bà Mai Phương nhấn mạnh.
 
HỒNG THẮM