Phong trào thi đua "Dân vận khéo" những năm qua

09:08, 15/08/2018

Thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng trong việc huy động tổ chức hệ thống chính trị mà nòng cốt là lực lượng cán bộ dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội... Ban Dân vận Tỉnh ủy và hệ thống dân vận đã chủ động, tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo triển khai có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận...

LTS: Ðể góp phần thực hiện tốt Chương trình hành động số 66 của Tỉnh ủy Lâm Ðồng thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác vận động quần chúng trong thời kỳ CNH - HÐH đất nước, đặc biệt là phong trào thi đua “Dân vận khéo” thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Ban Dân vận Tỉnh ủy và Báo Lâm Ðồng phối hợp tổ chức chuyên mục “Dân vận khéo” đăng tháng 2 kỳ. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
 
Thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng trong việc huy động tổ chức hệ thống chính trị mà nòng cốt là lực lượng cán bộ dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội... Ban Dân vận Tỉnh ủy và hệ thống dân vận đã chủ động, tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo triển khai có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận, công tác dân tộc, công tác tôn giáo và đặc biệt là phong trào thi đua “Dân vận khéo”; nhất là “Dân vận khéo” thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh... trên địa bàn tỉnh.
 
Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, công tác dân vận càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân, với mục đích nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới...
 
Sau Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ X, để tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Công văn số 723-CV/TU ngày 16/6/2016 về việc “tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua Dân vận khéo”; UBND tỉnh ban hành Công văn số 3758/UBND-VX2 ngày 1/7/2016 về việc tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” kết hợp với thực hiện dân chủ ở cơ sở, cải cách hành chính. Qua đó, Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới và Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh Hướng dẫn liên tịch số 03 -HDLT/BDVTU-BCĐXDNTM-HĐTĐKT, ngày 22/6/2016 về thực hiện Phong trào thi đua “Dân vận khéo” xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (giai đoạn 2016 - 2020). Sở Nội vụ cũng ban hành Hướng dẫn số: 36/HD-SNV ngày 30/8/2017 về “Xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong các cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập (giai đoạn 2017 - 2020)...
 
Nhìn lại phong trào thi đua xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong những năm vừa qua, nhất là từ khi Ban Dân vận Trung ương phát động đến nay, đã thực sự trở thành phong trào thi đua yêu nước của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh và mang lại hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa, giảm nghèo bền vững. Thông qua “Dân vận khéo”, Ban Dân vận các cấp đã giúp các cấp ủy nắm chắc diễn biến tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân để kịp thời giải quyết tốt những vấn đề bức xúc ở cơ sở và địa bàn dân cư. Nhiều mô hình, điển hình với cách làm sáng tạo, hiệu quả, những kinh nghiệm hay trong công tác vận động quần chúng đã được nhân rộng. Cụ thể, về lĩnh vực phát triển kinh tế của địa phương, có các mô hình “Nhà lồng, nhà kính sản xuất rau, hoa công nghệ cao” ở Đà Lạt, Đơn Dương; mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”, “Hai lúa, một bắp” ở huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên; “Tái canh cây cà phê” ở Bảo Lâm; “Chăn nuôi bò sữa” ở Đơn Dương, Bảo Lộc... Lĩnh vực văn hóa, xã hội có các mô hình: “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” của Hội Chữ thập đỏ; “Hiểu để tri ân” của Hội Người cao tuổi huyện Đạ Tẻh; “Vận động nhân dân xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc” ở xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương… Còn lĩnh vực an ninh trật tự và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh có các mô hình: “Tiếng kẻng an ninh” ở huyện Đức Trọng; “Tổ tuần tra, dân cử, dân nuôi” ở Lâm Hà; “Camera an ninh” ở thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc, “Giáo họ không có người vi phạm pháp luật” ở thành phố Bảo Lộc; “Thắp sáng đường quê” ở huyện Bảo Lâm; “Ngày thứ bảy vì dân” ở huyện Di Linh... góp phần phát triển kinh tế, xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở nhiều địa phương, cơ sở trên địa bàn tỉnh...
 
Ban chỉ đạo 502 gặp gỡ, thăm hỏi già làng Điểu K’Kheng trong đợt công tác dân vận tại Thôn 4, xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên. Ảnh: Hồng Thắm
Ban chỉ đạo 502 gặp gỡ, thăm hỏi già làng Điểu K’Kheng trong đợt công tác dân vận tại Thôn 4,
xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên. Ảnh: Hồng Thắm

Có thể nói, nhờ làm tốt công tác dân vận, tạo sự đồng thuận xã hội nên phong trào thi đua “Dân vận khéo” thời gian vừa qua ở Lâm Đồng đã có sức lan tỏa rộng lớn, tạo khí thế sôi nổi, thu hút các tầng lớp nhân dân tích cực chung tay xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả thiết thực.
 
Để tiếp tục phổ biến, xây dựng và nhân rộng các điển hình “Dân vận khéo” trong tất cả các cấp, các ngành, Mặt trận, đoàn thể; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân và trên mọi lĩnh vực hoạt động xã hội; tăng cường vận động các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh của nhân dân, thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đông đảo quần chúng, Các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị đã tập trung hướng về cơ sở, tiếp tục vận động nhân dân tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng; xóa đói, giảm nghèo; tích cực giải quyết các vấn đề khó khăn, bức xúc của dân, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; động viên các thành phần kinh tế, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong toàn tỉnh, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
 
HUỲNH THẢO