Tập trung hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch Chương trình Xây dựng nông thôn mới năm 2018

08:08, 16/08/2018

Từ đầu năm 2018 đến nay, Chương trình Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh tiếp tục được sự quan tâm chỉ đạo thực hiện của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là sự ủng hộ mạnh mẽ và hưởng ứng tham gia của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Từ đầu năm 2018 đến nay, Chương trình Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh tiếp tục được sự quan tâm chỉ đạo thực hiện của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là sự ủng hộ mạnh mẽ và hưởng ứng tham gia của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
 
Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tổ chức các đoàn công tác làm việc với các địa phương về tình hình thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Sở NN-PTNT, Văn phòng nông thôn mới tỉnh đã làm việc với 12 huyện, thành phố và kiểm tra thực tế tình hình triển khai thực hiện tại 14 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018. Qua kiểm tra, khảo sát đã đánh giá được những mặt đã làm được, kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn,vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành nghiên cứu, tham mưu ban hành Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018 - 2020 phù hợp với điều kiện thực tế địa phương; rà soát, điều chỉnh các đề án cho phù hợp với thực tế triển khai thực hiện để tháo gỡ những khó khăn cho địa phương, cơ sở trong thực hiện các tiêu chí. Đến hết năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh có 76/117 xã đã có quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 17,33 tiêu chí. Huyện Đơn Dương là một trong 4 huyện trong cả nước được Trung ương chọn thực hiện mô hình thí điểm huyện nông thôn mới kiểu mẫu của toàn quốc. 
 
Nguồn lực huy động để xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đa dạng hóa, cùng với vốn ngân sách, các nguồn vốn tín dụng, vốn đóng góp của người dân, vốn doanh nghiệp tiếp tục được huy động cho xây dựng nông thôn mới. Tổng nguồn lực thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới 6 tháng đầu năm 2018 là 3.427,464 tỷ đồng. Việc phân bổ, sử dụng nguồn vốn đảm bảo theo quy định, ưu tiên cho các xã khó khăn, các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục được quan tâm đầu tư, nâng chất lượng các tiêu chí đạt được.
 
Tuy nhiên, mức đạt chuẩn các tiêu chí xã, huyện nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 cao hơn giai đoạn 2011-2025, các xã chưa đạt chuẩn hầu hết thuộc địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, nên để thực hiện hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch giao là một khó khăn, thách thức cho các địa phương. Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ngân sách Nhà nước thực hiện chương trình còn chậm so với kế hoạch giao. Hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn ở một số xã xuống cấp chưa được đầu tư, sửa chữa kịp thời. Công tác bảo vệ môi trường nông thôn tuy được quan tâm, nhưng chưa có giải pháp thực hiện hiệu quả, còn nhiều bất cập, chưa thực sự bền vững.
 
Chỉ tiêu kế hoạch chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2018 sẽ có thêm ít nhất 12 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, lũy kế đến năm 2018 có 87/117 xã (75%) đạt chuẩn nông thôn mới. Số tiêu chí bình quân mỗi xã đạt từ 17,5 tiêu chí trở lên. Huyện Đức Trọng đạt chuẩn nông thôn mới, 2 thành phố Bảo Lộc và Đà Lạt được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đối với các xã, huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tiếp tục hoàn thiện (theo Bộ Tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2016-2020) và nâng cao chất lượng các tiêu chí; phê duyệt và thực hiện Đề án huyện Đơn Dương đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh.
 
Để đạt được chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra, UBND tỉnh yêu cầu tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm như sau: Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Cùng cả nước, Lâm Đồng chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn II (2016-2020); triển khai các cuộc vận động gắn với xây dựng nông thôn mới. Khuyến khích, động viên, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất ban hành, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình giai đoạn 2018-2020 cho phù hợp với điều kiện đặc thù của tỉnh. 
 
Đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn để hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân để tạo nguồn lực thực hiện chương trình. Trên cơ sở kế hoạch vốn năm 2018 đã phân bổ và các danh mục dự án công trình đã được phê duyệt, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn, sớm đưa công trình vào sử dụng để phát huy tối đa hiệu quả các nguồn lực đầu tư, tăng cường giám sát chất lượng các công trình xây dựng trên địa bàn xã. Rà soát điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện để xây dựng, phát triển hạ tầng nông thôn, thực hiện đầu tư trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải và để nợ đọng xây dựng cơ bản.
 
Tập trung thực hiện cải thiện cảnh quan, môi trường nông thôn, tạo môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; nghiên cứu xây dựng và triển khai một số mô hình xử lý môi trường. Chủ động lồng ghép các nguồn lực, nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh, thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế cho người dân nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục xây dựng nếp sống văn hóa nông thôn, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của từng vùng, từng dân tộc, nâng cao hiệu quả sử dụng các thiết chế văn hóa cơ sở để đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa của người dân nông thôn.
 
LAN HỒ