T29, hồi ức vinh quang

08:08, 03/08/2018

Tiếng súng đã ngưng hơn 4 thập kỉ. Màu xanh cây trái lại về trên mọi miền Tổ quốc. Những thế hệ tiếp nối ra đời, phát triển trong niềm vui thanh bình. Thời gian đang xóa dần những dấu tích quá khứ, thế nhưng ký ức về những con người làm nên cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại vẫn luôn nguyên vẹn, xanh tươi trong lòng thế hệ hôm nay và mai sau. 

Tiếng súng đã ngưng hơn 4 thập kỉ. Màu xanh cây trái lại về trên mọi miền Tổ quốc. Những thế hệ tiếp nối ra đời, phát triển trong niềm vui thanh bình. Thời gian đang xóa dần những dấu tích quá khứ, thế nhưng ký ức về những con người làm nên cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại vẫn luôn nguyên vẹn, xanh tươi trong lòng thế hệ hôm nay và mai sau. Quá khứ vệ quốc hào hùng đó của dân tộc có sự hợp sức của quân và dân T29, mật danh của Bảo Lộc trong kháng chiến chống Mỹ.
 
Ông Trần Văn Dũng (người ngồi bên trái) trao đổi với phóng viên
Ông Trần Văn Dũng (người ngồi bên trái) trao đổi với phóng viên

Cách đây 28 năm, trên cương vị Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Bảo Lộc, ông Trần Văn Dũng (71 tuổi, ngụ Phường I, TP Bảo Lộc) được phân công biên soạn “Lịch sử truyền thống cách mạng T29”. Sau 3 năm miệt mài sưu tập sử liệu, trực tiếp phỏng vấn những chứng nhân lịch sử, khảo cứu lại những sự kiện chưa thống nhất để đi đến thống nhất, ông và các cộng sự đã hoàn thành cuốn “Lịch sử truyền thống cách mạng T29” với 136 trang, tái hiện sống động chặng đường 12 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của quân và dân T29. “Thị xã B’Lao trong kháng chiến chống Mỹ thuộc tỉnh Lâm Đồng (cũ), nằm trên phần đất Nam Tây Nguyên, thuộc Quân khu VI, phía Tây giáp miền Đông Nam Bộ, phía Đông giáp Đà Lạt (tỉnh Tuyên Đức cũ), phía Bắc giáp tỉnh Quảng Đức (tỉnh Đắk Nông), phía Nam giáp tỉnh Thuận Hải (tỉnh Bình Thuận ngày nay), có địa hình mấp mô, xung quanh là rừng núi. Nơi đây có Quốc lộ 20 ngang qua, đoạn qua thị xã B’Lao dài 20 km, là địa bàn chiến lược quan trọng của tỉnh Lâm Đồng, gồm 2 căn cứ: căn cứ Bắc và căn cứ Nam. 
 
Giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, về tổ chức hành chính, thị xã B’Lao có 13 xã. Trong đó, 2 xã thuộc vùng địch kiểm soát, 1 xã thuộc vùng căn cứ. Dân số của thị xã B’Lao lúc bấy giờ 2.400 người. Dân số trong vùng địch kiểm soát 24.000 người và vùng căn cứ 400 người Mạ. Gần kết thúc chiến tranh, dân số của thị xã B’Lao 70.000 người, với diện tích trên 23.286 ha. Đây là một vị trí chiến lược quan trọng của tỉnh lỵ Lâm Đồng ở chiến trường Nam Tây Nguyên. Do đó, Mỹ - ngụy đã tổ chức bộ máy chế độ quân chủ từ tỉnh xuống tận xã, ấp, xây dựng thành vị trí quân sự, chính trị, kinh tế, tạo thành hậu cứ an toàn với nhiều âm mưu, thủ đoạn, kìm kẹp, đàn áp quần chúng nhân dân, phong trào cách mạng của ta”, ông Dũng cho biết.
 
Theo ông Dũng, thị xã B’Lao là một đô thị biệt lập, trên một chiến trường độc lập, không có vùng hậu phương trực tiếp như các đô thị đồng bằng, ít được chi viện từ cấp trên, nên phần lớn nhân lực, vật lực đều phải dựa vào vùng tạm chiếm và vùng đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa. Trong khi đó, với ý định đè bẹp và tiêu diệt lực lượng cách mạng, đầu năm 1961, đế quốc Mỹ quyết định thay đổi chiến lược quân sự toàn cầu, từ “trả đũa ồ ạt” sang “phản ứng linh hoạt”, triển khai chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam. Ứng phó với âm mưu, thủ đoạn của địch và do yêu cầu chỉ đạo đối với các địa bàn, ngày 2/9/1963, Tỉnh ủy Lâm Đồng tiến hành sắp xếp lại tổ chức, quyết định thành lập Thị ủy B’Lao. 
 
Cuối năm 1963, “Kế hoạch Staley - Taylor” bình định miền Nam trong vòng 18 tháng thất bại nặng nề, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện “Kế hoạch Johnson - McNamara”, tăng cường cố vấn và lực lượng đặc biệt vào miền Nam, đẩy mạnh chiến tranh biệt kích chống phá miền Bắc, đưa chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” tới mức cao nhất, nhằm bình định miền Nam trong 2 năm: 1964 và 1965. Tại T29, trước sự phát triển của phong trào cách mạng, địch tăng cường trung đoàn 44 phối hợp với lực lượng tại chỗ và trung đoàn 54 đóng tại Di Linh mở nhiều cuộc hành quân càn quét với quy mô lớn, nhằm chiếm lại những vùng đã mất. Ở bên trong, địch tăng cường bắt lính đôn quân bổ sung vào những đơn vị thiếu hụt quân số. Những người trong vùng tạm chiếm từ 16 - 45 tuổi phải vào lính và phòng vệ dân sự để bảo vệ ấp chiến lược, ngăn chặn hoạt động của lực lượng cách mạng. Quán triệt tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 12/1963, Thị ủy T29 chủ trương “kết hợp song song đấu tranh quân sự và củng cố phát triển lực lượng chính trị để hỗ trợ quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược giành quyền làm chủ”. 
 
Thực hiện chủ trương này, phong trào cách mạng tại T29 đã giành được những thắng lợi quan trọng. Được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang tỉnh Lâm Đồng và Tiểu đoàn 186 của Khu ủy VI, quân và dân T29 liên tục tấn công địch bằng thế “2 chân, 3 mũi” trên khắp địa bàn, góp phần cùng cách mạng miền Nam đánh bại hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, tạo thế và lực mới đưa phong trào cách mạng tại địa phương tiếp tục phát triển.
 
Cũng theo ông Dũng, giữa năm 1965, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” bị phá sản. Đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đưa quân Mỹ và quân chư hầu ồ ạt vào miền Nam; đồng thời, mở rộng ném bom đánh phá miền Bắc để cứu vãn tình thế, với hy vọng giành lại thế chủ động trên các chiến trường. Tại địa bàn T29, sau khi bị phá nát hàng loạt khu tập trung, ấp chiến lược, địch tập trung lực lượng củng cố hệ thống phòng thủ bên trong, tăng cường bắt lính đôn quân, đẩy mạnh hoạt động gián điệp, chiến tranh tâm lý, bắn pháo tọa độ thường xuyên vào vùng giải phóng và các đường hành lang. Bên cạnh đó, địch còn bao vây kinh tế vùng căn cứ, rải truyền đơn tuyên truyền sức mạnh của Mỹ, kêu gọi chiêu hồi, gây tâm lý hoang mang trong nội bộ lực lượng cách mạng và tiến hành nhiều cuộc hành quân càn quét dọc Quốc lộ 20 với lực lượng từ cấp đại đội đến trên 1 tiểu đoàn có máy bay, xe tăng yểm trợ. 
 
Trước yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, theo chỉ đạo của Tỉnh ủy Lâm Đồng, Thị ủy T29 đã tổ chức đợt sinh hoạt chính trị, quán triệt các nghị quyết của Đảng và chỉ rõ âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ khi tiến hành chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Đợt chỉnh huấn này, đã củng cố thêm lòng tin của quân và dân T29 vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Từ năm 1965 đến năm 1968, lực lượng vũ trang T29 tiếp tục tấn công địch trên một số địa bàn xung yếu, kết hợp với bố phòng xây dựng làng xã chiến đấu và đẩy mạnh phong trào du kích chiến tranh trong vùng bị địch tạm chiếm, cùng với quân và dân miền Nam đẩy địch vào thế bị động, tiến thoái lưỡng nan về chiến lược, buộc phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán tại Paris. 
 
Bị thất bại nặng nề ở 2 miền đất nước, đầu năm 1969, Tổng thống Mỹ Nixon lên cầm quyền và đề ra chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Mục đích của chiến lược này là Mỹ xuống thang trên thế mạnh. Mỹ tuy đã rút quân về nước nhưng vẫn duy trì được chủ nghĩa thực dân mới tại Việt Nam. Đây là một trong những chiến lược toàn diện, rất xảo quyệt cả về quân sự, chính trị, kinh tế và ngoại giao. Thực hiện chiến lược này, ở T29, địch xây dựng trên 2.000 quân phòng vệ dân sự có trang bị vũ khí, tăng cường canh phòng, bảo vệ hệ thống đồn bốt, chi khu quân sự, sân bay, tòa hành chính. Ngoài ra, địch còn tiến hành chương trình bình định cấp tốc trong vùng kiểm soát và vùng tranh chấp, tiếp tục gom dân vào các ấp chiến lược, mở nhiều cuộc hành quân cảnh sát nhằm đánh phá cơ sở cách mạng và bắt giữ quần chúng tình nghi có quan hệ với cách mạng. Đối với vùng căn cứ và vùng giải phóng, địch đẩy mạnh hoạt động quân sự bằng những cuộc hành quân càn quét, ném bom, bắn phá, rải chất độc hóa học, tung biệt kích do thám với quy mô ác liệt. 
 
Trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, lực lượng vũ trang và các đội công tác trực thuộc T29 tập trung đánh bại kế hoạch bình định của địch, hỗ trợ nhân dân phá ấp, phá kèm, xây dựng căn cứ vững mạnh, đẩy mạnh công tác binh vận và phong trào đấu tranh chính trị. Những thắng lợi mà quân và dân T29 cùng quân và dân miền Nam giành được trong giai đoạn 1969 - 1973 đẩy địch vào thế co cụm, làm thất bại âm mưu giành dân, lấn đất, góp phần đánh tan ý đồ đàm phán trên thế mạnh và làm phá sản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ. Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, đánh dấu bước ngoặt quan trọng làm thay đổi cán cân so sánh lực lượng có lợi cho cách mạng. “Trong kháng chiến chống Mỹ - ngụy, lực lượng vũ trang T29 luôn nắm vững phương châm “2 chân, 3 mũi” để vận dụng vào từng trận đánh và đã đánh 2.745 trận lớn nhỏ, diệt và loại khỏi vòng chiến đấu 15.698 tên Mỹ - ngụy, lính chư hầu; trong đó, diệt 1 tướng 2 sao, 1 đại tá, 2 trung tá, 23 thiếu tá, 33 đại úy, 11 trung úy và 58 thiếu úy; thu 2.551 khẩu súng các loại; bắn rơi, bắn cháy, phá hủy 151 máy bay (trong đó rơi tại địa phương 28 chiếc); phá hủy 446 xe quân sự các loại; diệt gọn 8 đại đội (có 1 đại đội Mỹ, 1 đại đội cộng hòa, 1 đại đội biệt kích và 5 đại đội bảo an); diệt 3 trung đội (có 1b bảo an, 1b thám báo, 1b dân vệ); đánh thiệt hại nặng 7 đại đội bảo an và 2 trung đội (1b bảo an, 1b nghĩa quân) cùng nhiều kho tàng, phương tiện chiến tranh của địch”, ông Dũng chia sẻ.
 
Sau khi rút quân về nước, đế quốc Mỹ tiếp tục âm mưu dùng ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn làm công cụ tiến hành lấn chiếm và bình định, hy vọng kéo dài hòng làm thay đổi cục diện chiến tranh. Tại địa bàn T29, địch tập trung củng cố hệ thống phòng thủ, đôn quân bắt lính, quân sự hóa bộ máy, tổ chức càn quét, lấn chiếm vùng tranh chấp, vùng tạm chiến. Ở vùng ven, địch tiến hành ủi phá địa hình để giãn dân, đưa dân các nơi khác đến định cư với 3 mục tiêu: an ninh lãnh thổ, ổn định chính trị - tâm lý và ổn định đời sống nông thôn - phát triển kinh tế hậu chiến. Trước tình hình địch trắng trợn phá hoại Hiệp định Paris, lực lượng vũ trang và các đội công tác trực thuộc T29 kiên quyết đánh trả những đợt lấn chiếm của địch, đẩy mạnh phong trào du kích mật, phát động quần chúng nổi dậy đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Paris, giữ vững thế tiến công, tạo thời cơ cùng cả nước tiến hành Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. 
 
Ghi nhận những thành tích của quân và dân T29, Đảng, Nhà nước, ngành Trung ương và địa phương đã tặng nhiều huân, huy chương cao quý. Trong đó, xã An Lạc (Lộc An), xã Lộc Nam, xã Lộc Bắc được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và xã H30 (Đại Lào) và lực lượng vũ trang thị xã B’Lao được tặng Huân chương Chiến công. T29 còn có liệt sĩ Lê Thị Pha, liệt sĩ Nguyễn Văn Mười (Mười Trúc) và liệt sĩ Lại Hùng Cường được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, cùng hàng trăm huân, huy chương, bằng khen các loại của hàng trăm con người ưu tú khác.
 
Nói về cuốn “Lịch sử truyền thống cách mạng T29” mà bản thân là chủ biên và là người chắp bút, ông Dũng cho rằng, đó là sự tri ân của ông và các cộng sự đối với những bậc tiền bối, đồng chí, đồng đội... đã ghi dấu ấn của thế hệ vào lịch sử vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Những chiến công đan xen hy sinh mất mát đó, nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau về một thời cha ông đã không tiếc máu xương, sẵn sàng xả thân chiến đấu vì sự trường tồn của Tổ quốc, vì cuộc sống thanh bình, hạnh phúc của nhân dân.
 
QUANG NGỌC - TRỊNH CHU