Ðồng bào Mạ ở Ðạ Nghịch xây dựng buôn làng văn hóa

08:08, 29/08/2018

Nằm bên Quốc lộ 20, ngay cửa ngõ phía Nam vào thành phố trẻ Bảo Lộc, bao quanh là đồi chè, vườn cà phê, buôn Ðạ Nghịch (xã Lộc Châu) của đồng bào Mạ vừa có đời sống văn minh, vừa bảo tồn được những giá trị văn hóa, vẫn giữ nguyên không gian sinh hoạt truyền thống, mà không bị cuốn vào đô thị hóa.

Nằm bên Quốc lộ 20, ngay cửa ngõ phía Nam vào thành phố trẻ Bảo Lộc, bao quanh là đồi chè, vườn cà phê, buôn Ðạ Nghịch (xã Lộc Châu) của đồng bào Mạ vừa có đời sống văn minh, vừa bảo tồn được những giá trị văn hóa, vẫn giữ nguyên không gian sinh hoạt truyền thống, mà không bị cuốn vào đô thị hóa.
 
Trẻ em chơi trò chơi dân gian giữa cuộc sống bình yên. Ảnh: Q.Uyển
Trẻ em chơi trò chơi dân gian giữa cuộc sống bình yên. Ảnh: Q.Uyển

Không có cảnh nhếch nhác, nghèo khó mà người ta vẫn thường nghĩ về một buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số ở miền đất xa xôi nào đó; hơn 300 hộ dân, 1.208 nhân khẩu với 100% là người Mạ sinh sống quần tụ trong không gian khang trang, sạch đẹp, yên bình đã tạo ấn tượng mạnh cho ai lần đầu đặt chân đến đây . Đường ngang ngõ dọc được trải nhựa, bê tông len lỏi trong những vườn chè, cà phê, đưa vào ngõ từng hộ dân. 
 
Theo anh K’Minh, Trưởng thôn Đạ Nghịch, ngay khi phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được phát động, thôn đã thành lập ban vận động với các thành viên là già làng, người có uy tín, đại diện tổ chức đoàn thể, chính trị gồm chi bộ, ban công tác mặt trận, chi đoàn thanh niên, chi hội nông dân, hội người cao tuổi, hội chữ thập đỏ, chi hội khuyến học để tuyên truyền, vận động con cháu trong làng, trong dòng họ thực hiện. Trên tinh thần nhất trí cao, đồng bào tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện tái canh cây cà phê, đồi chè, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo. 
 
Đẩy mạnh giúp nhau phát triển kinh tế, hai tổ vay vốn ngân hàng chính sách hoạt động có hiệu quả đã cùng các đoàn thể đứng ra tín chấp cho trên 90 hộ vay với dư nợ hơn 2 tỷ đồng để bà con tăng gia sản xuất, xây dựng nhiều mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao, đời sống không ngừng đổi thay. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần, hiện nay cả thôn còn 9 hộ nghèo (3%) do có người mắc bệnh hiểm nghèo, khuyết tật bẩm sinh; số gia đình khá có thu nhập cao trên 300 triệu đồng/năm từ chè, cà phê ngày càng nhiều. K’Minh cho biết: Ở đất này, nếu chăm chỉ lao động thì không thể nghèo được. Thanh niên nam nữ nếu không đi học lên cao, có thể đi làm công nhân ươm tơ dệt lụa, nhà máy trà hoặc ở nhà làm vườn. Không hộ gia đình nào phải chịu cảnh nhà cửa dột nát, 90% số hộ có nhà cửa kiên cố, mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ sinh hoạt, 100% hộ sử dụng nguồn điện thắp sáng. Chương trình mục tiêu quốc gia 134 đưa nước sạch về với đồng bào đã thực hiện 5 giếng khoan đưa nước lên 5 bồn chứa được lắp đặt trên trụ cao, nối hệ thống đường ống với các hộ gia đình theo từng cụm dân cư, phục vụ 100% đồng bào có nước sạch sinh hoạt.
 
Xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới luôn song hành cùng gìn giữ giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, đồng bào Mạ ở Đạ Nghịch không ngừng khôi phục, bảo tồn các làn điệu dân ca, bài bản chiêng cổ truyền, đề cao các giá trị đạo đức, quy ước cộng đồng của dân tộc mình. 50% số hộ giữ nghề đan lát truyền thống, đan gùi, rổ, rá, nong, nia để sử dụng trong sinh hoạt; 80% hộ gia đình dệt thổ cẩm để mặc vào dịp tết, dịp lễ hội, đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống. Thôn cũng xây dựng được đội cồng chiêng với hơn 20 thành viên với đủ các thế hệ, có người già truyền dạy, người trẻ kế tục do Trưởng thôn K’Minh làm đội trưởng. Đội cồng chiêng tập luyện đều đặn tại Nhà văn hóa thôn, nhiều lần đại diện cho TP Bảo Lộc đi biểu diễn ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, được đánh giá cao về giữ gìn nguyên bản âm sắc của cồng chiêng truyền thống. Đội cũng thường xuyên được mời biểu diễn phục vụ du khách tại Khu du lịch thác Đạm Bri, qua đó tự hào giới thiệu di sản văn hóa của cha ông để lại đến với bè bạn trong nước và quốc tế. 
 
Đồng bào Mạ ở Đạ Nghịch tự do yêu đương tìm hiểu, không thách cưới, không có hôn nhân cận huyết, anh em họ hàng bên cha (chế độ phụ hệ) và họ hàng gần bên mẹ không được lấy nhau theo đúng luật tục từ lâu đời. Các hoạt động cưới hỏi, tang ma đều thực hiện tiết kiệm, văn minh. Sinh hoạt hợp vệ sinh, mỗi gia đình đều có hố rác tự đốt tiêu hủy, việc nuôi gia súc thả rông đã bị xóa bỏ hoàn toàn. Mọi hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan bị bãi bỏ, tình trạng tảo hôn hiếm khi xảy ra. 90% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, buôn làng 12 năm liền giữ vững danh hiệu thôn văn hóa. Trong thôn có nhiều gia đình văn hóa tiêu biểu trong gìn giữ bản sắc dân tộc như: Ka Thiêu, Ka Nga, K’Jởi, K’Đối, K’Jip, K’Brối, Ka Ngoan, K’Bút…
 
Trưởng thôn K’Minh là một người trẻ tuổi, làm trưởng thôn từ khi mới 27 tuổi, đến nay đã 34. Sau khi học 3 năm ở Trường Dân tộc nội trú Lâm Đồng tại Đà Lạt, tốt nghiệp PTTH đúng lúc gia đình khó khăn, cha qua đời, K’Minh không tiếp tục lên đại học mà trở về với buôn làng và tích cực trong các hoạt động tuổi trẻ tình nguyện, anh được bà con tin yêu. K’Minh đặc biệt vận động đồng bào quan tâm đến việc học của con trẻ. Với 2 trường mầm non, 1 trường tiểu học đóng tại thôn, tất cả trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường; số lượng học sinh vào học các trường đại học, cao đẳng ngày càng nhiều. K’Minh tự hào về buôn làng “nhiều không” của mình: không trộm cắp, không tệ nạn xã hội, không hủ tục, không sinh nhiều con, không thất học…
 
Đạ Nghịch mùa này đang vào mùa cà phê chín bói, trong sắc xanh tươi mát thi thoảng xen những đốm đỏ. Rời buôn làng của người Mạ, chúng tôi mang theo hình ảnh ở từng ngõ xóm, những nhóm trẻ em nhảy lò cò, đùa vui cùng những trò chơi dân gian hòa mình với thiên nhiên trong cuộc sống yên bình, hạnh phúc.
 
QUỲNH UYỂN