Về làng kháng chiến Ðạ Chais

08:08, 30/08/2018

Là nơi có nhiều liệt sỹ nhất của huyện Lạc Dương, tên tuổi của các anh, 17 người con dân tộc Cil thuộc xã Ðồng Mang trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nay là xã Ðạ Chais, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Ðồng được khắc ghi trang trọng tại Ðài tưởng niệm của xã và huyện. 

Là nơi có nhiều liệt sỹ nhất của huyện Lạc Dương, tên tuổi của các anh, 17 người con dân tộc Cil thuộc xã Ðồng Mang trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nay là xã Ðạ Chais, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Ðồng được khắc ghi trang trọng tại Ðài tưởng niệm của xã và huyện.
 
Một góc trung tâm xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương hôm nay
Một góc trung tâm xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương hôm nay

Họ, những người con quả cảm của núi rừng Tây Nguyên một thời đã cùng với buôn làng của mình kề vai sát cánh, chở che bộ đội, lập nên vùng cứ địa cách mạng bất khả xâm phạm ngay cạnh sào huyệt kẻ thù, là chỗ dựa vững chắc, bảo vệ an toàn cơ quan Huyện ủy Lạc Dương, Tỉnh ủy Tuyên Đức (cũ) suốt 15 năm chống Mỹ. Đồng thời, giữ vững hành lang chiến lược nối liền các tỉnh Nam Tây Nguyên với Khánh Hòa, Ninh Thuận.  
 
Một thời oanh liệt
 
“Nếu không có vùng căn cứ lõm và đồng bào dân tộc ở đó, thì nói thật là ta cũng không thể tồn tại được, tỉnh này không còn chỗ nào để đứng chân nữa. Nhờ bà con, chúng ta mới gây dựng cơ sở cách mạng, phát triển rộng ra cả vùng”, Thiếu tướng Bùi Minh Hớn, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Ninh Thuận, Chủ tịch Hội CCB tỉnh Lâm Đồng, người tiên phong từ những ngày đầu về vận động bà con, cùng ăn, cùng ở, cùng chiến đấu với đồng bào suốt 15 năm chống Mỹ, Ngụy và truy quét Fulro khẳng định. 
 
Về thăm xã anh hùng Đạ Chais. Dù là buổi sáng nhưng ở vùng cứ địa năm xưa vẫn mịt mờ sương giăng kín đại ngàn. Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Đạ Chais Nguyễn Văn Thọ niềm nở cho biết: “Mùa này ngày nào cũng vậy, mưa thường xuyên, cả tháng nay rồi, bất kể sáng chiều, ở đây còn mưa nhiều hơn Đà Lạt”. Sau một vài trao đổi, Chỉ huy trưởng Thọ dẫn chúng tôi đến gặp cụ bà Kơ Dơng K Srây ở thôn Tu Poh, một trong những người đầu tiên đi theo cách mạng ở vùng này. Năm nay đã gần 90 tuổi, bà K Srây cũng không còn nhớ rõ, ngày đó bà làm nuôi quân, giã gạo, vận động mọi người đi gùi muối, mua lương thực, thực phẩm từ thị xã Đà Lạt về nuôi bộ đội; những năm 1967, 1968 là những năm đói nhất, không có lương thực để ăn chủ yếu phải ăn củ mỳ trừ cơm, cơ sở cách mạng của gia đình bà có lúc nuôi giấu khoảng 100 người. Trong đó có nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Tỉnh ủy Tuyên Đức lúc bấy giờ như: đồng chí Trình Luyện, Hà Ngọc Bích, Chế Đặng, Đinh Sỹ Uẩn, Hoàng Công Bích, Bùi Minh Hớn, Hoàng Phi Núi… “Mình chỉ nhớ là trong một lần chúng nó đi càn, trong nhà có 2 cán bộ, mình đã đẩy họ vào góc nhà rồi dùng củi chất xung quanh để lừa bọn địch, sau lần đó thì mình cũng theo cán bộ vào trong rừng ở luôn” - bà Kơ Dơng K Srây chậm rãi kể. 
 
Ở vùng căn cứ Đạ Chais, già làng Kơ Să Ha Siêng, thôn Tu Poh được xem là cầu nối người dân với cách mạng, gia đình ông hiện có 2 liệt sỹ, 1 thương binh hạng 2/4 như sống lại thời trai trẻ, đầy dũng khí: “Ngày đó, mình tham gia kháng chiến ở vùng rừng này, gọi là căn cứ B1, ở trong bộ đội “đường dây”, sau đó về làm du kích xã, chúng mình đánh trận cũng nhiều: như đánh ở Xuân Trường, Xuân Thọ, đánh vào ấp Quảng Hiệp (Đức Trọng), Trường Võ bị Đà Lạt, đánh Sân bay Cam Ly. Nhưng đến giờ mình vẫn nhớ trận đánh ác liệt nhất vào khoảng năm 1968, diễn ra trên 2 giờ đồng hồ, đó là lúc địch phát hiện chị Mai và chị Thu trong bộ phận nuôi quân, chúng đã vây ráp và bọn mình cùng với bộ đội chủ lực đánh lại rất rát, buộc chúng phải rút lui. Trong trận này, ông Đưng Gun Ha Ông đã bắn rơi máy bay trinh sát L19 của địch…”. Sau giải phóng, ông Ha Siêng tiếp tục tham gia làm nhiệm vụ truy quét Fulro, là Huyện ủy viên (Lạc Dương), sau đó được tăng cường vào Đạ Sar làm Chủ tịch Mặt trận; con gái ông, chị Kơ Dơng Ka Hoa cũng là cán bộ Hội Phụ nữ huyện, sau làm Bí thư Đảng ủy xã Đạ Chais từ 2004 đến 2009…   
 
Trong ký ức của những CCB như Đơng Gu Ha Sôn, Đơng Gu Ha Ze, thương binh hạng 2/4, Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng ở thôn Đạ Cháy, xã Đa Nhim thì ngày trước, dân làng Đạ Chais cứ hễ lớn lên biết cầm con dao là biết vót chông, con trai lớn thêm tí nữa là cầm súng vô du kích hoặc vào bộ đội chủ lực; người già thì lên nương trồng lúa, bắp, củ mì để nuôi bộ đội; chông và cạm bẫy của con trai, con gái Đạ Chais đã làm nên một tuyến bố phòng dài cả chục km khiến cho kẻ địch bao phen càn quét vẫn không thể xuyên thủng. Ngoài ra, người dân Đạ Chais còn huy động cả làng đi dân công tải đạn, tải lương thực thực phẩm, hàng hóa và cả phục vụ thương binh, thậm chí có lúc xuống tận Vũng Rô (Phú Yên) để tải vũ khí từ Bắc đưa vào… Ngày đó, Đạ Chais chỉ có khoảng ba chục nóc nhà, 350 người dân gồm 3 buôn: Đồng Mang, Đạ Tro và Tu Poh. Những năm 1961, 1962, bà con đồng bào xã Đạ Chais đã phá ấp chiến lược, bỏ làng vào rừng sâu lập căn cứ kháng chiến. Trong suốt 15 năm chống Mỹ, Ngụy, xã Đạ Chais đã tiến hành dời làng đến 6 lần vào rừng sâu để nuôi quân, tiếp tế lương thực cho bộ đội. Cả dân Đạ Chais đều một lòng theo cách mạng. Đặc biệt, trong kháng chiến chống Mỹ, Đạ Chais là xã có 100% là người dân tộc thiểu số có các tổ chức Đảng, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, một trung đội du kích và có cả Ban Chỉ huy xã đội. Thời kỳ sau giải phóng, xã Đạ Chais cũng là xã đi đầu trong việc giải quyết, bóc gỡ tổ chức phản động Fulro. Ghi nhận những thành tích trong chiến đấu, ngày 20/12/1994, Đảng và Nhà nước ta đã tặng xã Đồng Mang (Đạ Chais hôm nay) danh hiệu Anh hùng LLVTND.
 
Quyết tâm vượt khó trên mảnh đất anh hùng
 
Dọc theo Quốc lộ 27c, cung đường nối biển và hoa từ Đà Lạt (Lâm Đồng) đến Nha Trang (Khánh Hòa), đi qua xã Đạ Chais đã tạo thế và lực cho vùng đất này cất cánh. Bí thư Đảng ủy xã Kơ Dơng Ha Quyên phấn khởi tự hào “Nếu so với thời điểm thành lập xã, kể từ năm 2005, Đạ Chais bây giờ thay đổi nhiều lắm: đó là cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông, điện lưới quốc gia và các dự án chương trình mục tiêu quốc gia… đều được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư khang trang, kiên cố. Cuộc sống của bà con đồng bào được nâng lên rõ rệt, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đến cuối năm 2018, toàn xã quyết tâm thực hiện đạt 16 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, phấn đấu hoàn thành 19 tiêu chí trong năm 2019…”. 
 
Hiện xã Đạ Chais có 461 hộ/1.871 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 86%. Thực tế những năm qua mặc dù rất cố gắng, song tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn ở mức cao, chiếm trên 40%. “Khó khăn lớn nhất của chúng tôi hiện nay là nhận thức của bà con vẫn còn thấp, ý thức trông chờ, thụ động, thiếu vốn đầu tư nên các mô hình kinh tế, trồng trọt trong nhà lưới, nhà kính còn manh mún, nhỏ lẻ…”, Bí thư Đảng ủy xã Kơ Dơng Ha Quyên trăn trở. 
 
Dẫu còn đó bộn bề gian khó, song với cách nghĩ, cách làm đã phát huy hiệu quả từ những mô hình trồng cà phê, khoai lang, trồng rau, hoa trong nhà lưới, nhà kính của các ông: Đa Du Ha Krong, Sơ Kết Đa Ni, Sơ Kết K’Nét ở thôn Long Lanh… cùng những cán bộ trẻ đầy tâm huyết như Bí thư Đảng ủy xã Kơ Dơng Ha Quyên, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Nguyễn Văn Thọ… tin rằng ngày không xa, “Phố núi” nơi vùng căn cứ Đạ Chais sẽ vươn lên sánh ngang các vùng quê trù phú trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
 
Đạ Chais tháng 7/2018
 
HOÀNG CHÂU - NGUYỄN THẾ