Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt: Ðẩy mạnh hoạt động đào tạo an toàn bức xạ

08:08, 01/08/2018

Trong năm 2018, Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt dự kiến tổ chức 10 khóa đào tạo an toàn bức xạ cho nhân viên bức xạ, người phụ trách an toàn đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức sử dụng thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ và làm công việc bức xạ liên quan trong và ngoài tỉnh.
 

Trong năm 2018, Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt dự kiến tổ chức 10 khóa đào tạo an toàn bức xạ cho nhân viên bức xạ, người phụ trách an toàn đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức sử dụng thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ và làm công việc bức xạ liên quan trong và ngoài tỉnh.
 
Từ đầu năm đến nay, Viện đã tổ chức được nhiều khóa học đào tạo cho hàng trăm học viên là cán bộ quản lý, bác sĩ, kỹ thuật viên làm việc tại các cơ sở y tế có sử dụng bức xạ trong chẩn đoán và điều trị (X-quang, CT, PET, y học hạt nhân và xạ trị); cán bộ quản lý, nhân viên và kỹ thuật viên làm việc trong các ngành công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, hải quan, chiếu xạ công nghiệp, địa vật lý phóng xạ; các cơ sở thăm dò, khai thác, chế biến quặng phóng xạ, sản xuất chế biến chất phóng xạ; cán bộ, nhân viên làm công tác phụ trách ứng phó sự cố bức xạ, phụ trách an toàn…
 
Tham dự các lớp học của Viện, các học viên được trang bị 14 nội dung lý thuyết và thực hành dành cho những vị trí công việc cụ thể với các kỹ năng đảm bảo an toàn bức xạ trong X-quang chẩn đoán y tế, xạ trị, trong y học hạt nhân, chiếu xạ công nghiệp, chụp ảnh bức xạ công nghiệp, thăm dò khai thác chế biến quặng phóng xạ (kể cả sa khoáng có chứa phóng xạ), sản xuất chế biến phóng xạ, sử dụng thiết bị điều khiển hạt nhân trong công nghiệp, thiết bị soi chiếu, thiết bị phân tích sử dụng nguồn bức xạ, sử dụng nguồn phóng xạ kín, nguồn phóng xạ hở, bức xạ trong cơ sở hạt nhân, kỹ năng ứng phó sự cố bức xạ, đảm bảo an toàn.
 
Bên cạnh đó, Viện còn tổ chức các khóa huấn luyện, chuyên sâu về diễn tập ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân cấp cơ sở; kỹ năng sử dụng thiết bị ghi đo bức xạ và nguồn phóng xạ; kỹ thuật quan trắc phóng xạ môi trường; ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và môi trường; an toàn bức xạ trong pha chế và sử dụng đồng vị phóng xạ, dược chất phóng xạ; ứng dụng bức xạ trong chế biến và bảo quản thực phẩm. TS.Nguyễn Xuân Hải - Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Viện nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt cho biết, từ nay đến cuối năm, Viện sẽ tiến hành tổ chức thêm 4 khóa học nữa theo kế hoạch đề ra. Việc tổ chức thường xuyên, liên tục các khóa đào tạo an toàn bức xạ, hạt nhân nhằm nâng cao trình độ nguồn nhân lực, tạo ra đội ngũ cán bộ, nhân viên làm việc trực tiếp trong môi trường bức xạ có đủ năng lực kiểm soát an toàn bức xạ, có kỹ năng nhanh nhạy trong việc ứng phó khi có sự cố bức xạ, hạt nhân xảy ra, đảm bảo an toàn để sản xuất và phát triển. 
 
QUỲNH UYỂN