Về chiến khu xưa Lộc Bắc

09:08, 22/08/2018

Tôi về xã anh hùng Lộc Bắc (huyện Bảo Lâm) giữa những ngày tháng bảy - khi Tây Nguyên vào mùa mưa, mùa cà phê chín bói. Tôi thật sự ngỡ ngàng trước một không gian xanh bạt ngàn của cây trái; nhà cửa của nhân dân, các công trình công cộng được xây dựng khang trang; giao thông đi lại thoáng rộng. Cuộc sống no đủ, hạnh phúc đang về trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng...

Tôi về xã anh hùng Lộc Bắc (huyện Bảo Lâm) giữa những ngày tháng bảy - khi Tây Nguyên vào mùa mưa, mùa cà phê chín bói. Tôi thật sự ngỡ ngàng trước một không gian xanh bạt ngàn của cây trái; nhà cửa của nhân dân, các công trình công cộng được xây dựng khang trang; giao thông đi lại thoáng rộng. Cuộc sống no đủ, hạnh phúc đang về trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng...
 
Toàn cảnh Lộc Bắc hôm nay. Ảnh: T.Đ.H
Toàn cảnh Lộc Bắc hôm nay. Ảnh: T.Đ.H
“Căn cứ Bắc” anh hùng
 
Đối với các thế hệ cha anh đã từng sống, chiến đấu trên vùng đất Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và khu vực Nam Tây Nguyên qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ, có lẽ những địa danh, căn cứ, mật khu: Đèo B40, K1, hành lang chiến lược Bắc - Nam; hay phong trào Mộ Cọ, Đơn vị Nữ pháo binh 8/3... mãi mãi là ký ức đẹp, là niềm tự hào về một địa danh anh hùng - căn cứ Lộc Bắc!
 
Lộc Bắc cách thị trấn Lộc Thắng (Bảo Lâm) chừng 40 km, tiếp giáp với tỉnh Đắk Nông (phía Bắc), giáp huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên (phía Tây), điểm cuối cùng của dãy Trường Sơn hùng vĩ. Bởi có vị trí hiểm trở, núi cao, rừng sâu trùng điệp, có nhiều sông suối; đồng thời tiếp giáp với các tỉnh, thành trong khu vực Đông Nam Bộ và Chiến khu Đ nên ngay trong những năm kháng chiến chống Pháp, Lộc Bắc được xác định là địa bàn trọng yếu của cách mạng...
 
Trước năm 1960, Lộc Bắc thuộc quận B’Lao, rồi thuộc quận Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng). Năm 1961, vùng Lộc Bắc được xây dựng thành “Căn cứ Bắc” gồm 4 xã (xã 1, 2, 3 và 7 - thuộc K1). Đến tháng 11/1976, 4 xã này hợp thành xã Lộc Bắc, thuộc huyện Bảo Lộc. Ngày 11/7/1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 65/NĐ-CP tách huyện Bảo Lộc thành thị xã Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm (xã Lộc Bắc thuộc huyện Bảo Lâm); xã Lộc Bắc cũng được chia tách thành 2 xã: Lộc Bắc và Lộc Bảo (Bảo Lâm)... 
 
Bao đời nay, người dân Lộc Bắc sống gắn bó với núi rừng, sông suối; họ yêu buôn làng và một lòng tin Đảng, theo Đảng làm cách mạng. Khi Trung ương và Tỉnh ủy Lâm Đồng xây dựng khu “Căn cứ Bắc” - điểm đón tiếp những cán bộ cao cấp từ miền Bắc tăng cường xây dựng lực lượng cách mạng cho chiến trường miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, người dân Lộc Bắc đã cống hiến toàn bộ sức người, sức của cho cách mạng. Nhất là những năm gian khổ xây dựng đường hành lang chiến lược Bắc - Nam và Đông - Tây nối Lâm Đồng với các tỉnh khu vực miền Đông Nam Bộ và Chiến khu Đ, nhân dân Lộc Bắc đã huy động 100% công sức và hy sinh xương máu trong các cuộc càn quét, khủng bố, truy lùng của giặc để bảo vệ hậu cứ vững chắc, che giấu, bảo vệ cán bộ, bảo vệ cách mạng...
 
Trong cuốn“Truyền thống đấu tranh cách mạng xã Lộc Bắc anh hùng” giai đoạn 1945-2010, do Huyện ủy Bảo Lâm chỉ đạo biên soạn, mỗi trang, mỗi dòng còn in đậm những chiến công hiển hách, thấm đẫm máu xương và niềm tự hào của quân, dân Lộc Bắc! Ở đó, lưu lại những dấu ấn của cuộc đấu tranh hào hùng trên chiến trường Tây Nguyên của quân và dân Lâm Đồng, Khu ủy K1 và quân dân Lộc Bắc. Bia di tích nối thông hành lang chiến lược Bắc-Nam tại Thôn 3, xã Lộc Bảo, Đài tưởng niệm Liệt sĩ tại xã Lộc Bắc, hay những trận đánh của quân dân Lộc Bắc bảo vệ hành lang chiến lược không để kẻ thù phá hoại con đường huyết mạch của cách mạng... Đặc biệt, phong trào chiến đấu chống trả các cuộc không kích bằng máy bay của địch vào căn cứ cách mạng còn lưu danh chiến công vang dội của nhân dân Lộc Bắc. Từ cụ già 70 tuổi như ông Ma Bu, đến anh thương binh cụt một tay như K’Léo, hay em K’Châu (14 tuổi) đã bắn rơi trực thăng giặc bằng súng trường. Đỉnh cao là ông K’Wet đã bắn rơi chiếc trực thăng HU1A của tên trung tướng Mỹ Ki-Si và giết 6 sĩ quan Mỹ... mãi mãi là niềm tự hào của người dân Lộc Bắc! 
 
Trong kháng chiến, Lộc Bắc đã có 435 người tham gia lực lượng vũ trang; nhân dân đóng góp trên 600 ngàn tấn lương thực, hơn 200 ngàn ngày công phục vụ chiến trường... Hiện nay, Lộc Bắc có 60 liệt sĩ, 200 thương bệnh binh; 474 người được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến (hạng Nhất, Nhì, Ba); hơn 300 người được tặng thưởng Huân, Huy chương, Bằng khen có thành tích tham gia kháng chiến. Đặc biệt, ngày 20/12/1994, Đảng bộ, quân và dân xã Lộc Bắc vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”...
 
Nhà của đồng bào Lộc Bắc hôm nay. Ảnh: T.Đ.H
Nhà của đồng bào Lộc Bắc hôm nay. Ảnh: T.Đ.H
Lộc Bắc hôm nay 
 
“Căn cứ Bắc” (K1) - Lộc Bắc năm xưa đói cơm, lạt muối, bị bom đạn cày xới trong 2 cuộc chiến tranh khốc liệt và những tháng năm bị tàn phá, giết chóc của bọn tàn quân Fulro đã mãi mãi lùi vào quá khứ! Gần nửa thế kỷ hàn gắn vết thương chiến tranh và một phần tư thế kỷ từ khi chia tách xã (Lộc Bắc và Lộc Bảo), Đảng bộ, chính quyền đã lãnh đạo nhân dân vượt qua biết bao khó khăn, thử thách để hôm nay trên vùng đất anh hùng này tràn trề nhựa sống!
 
Nhớ lại, giai đoạn 1961-1975, khi xây dựng “Căn cứ Bắc” (K1), dân số Lộc Bắc chỉ có 1.705 người, 100% là người dân tộc Mạ sinh sống. Người dân quen sống du canh du cư, phát rừng làm rẫy, sản xuất lạc hậu nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn, bất cập. Từ năm 1983, chính quyền địa phương đầu tư các chính sách phát triển vùng DTTS, bố trí nhân dân sống định canh, định cư tại khu vực xã; hướng dẫn nhân dân trồng cây công nghiệp dài ngày (cà phê, chè, cây ăn quả...); đẩy mạnh phong trào xóa mù chữ, chăm sóc y tế... Tuy nhiên, những năm 1986-1990, do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế - xã hội của đất nước trầm trọng, tình hình chính trị thế giới biến động, một bộ phận nhân dân Lộc Bắc tiếp tục vào rừng khai thác lâm sản, phát rừng làm rẫy, đời sống hết sức khó khăn (hơn 66% dân số thiếu đói; 30% trẻ em không được đến trường; 60% trẻ suy dinh dưỡng; 40% dân số bị bệnh tật...). Đây là giai đoạn đầy cam go, thử thách đối với cấp ủy, chính quyền huyện Bảo Lâm nói chung và xã Lộc Bắc nói riêng.
 
Nhiều nghị quyết, chương trình sát thực của Trung ương, của tỉnh và huyện Bảo Lâm đã đầu tư “Phát triển kinh tế - xã hội miền núi”, vùng dân tộc thiểu số (DTTS); Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội “vào cuộc” tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân. Phát huy truyền thống anh hùng trong kháng chiến, nhân dân Lộc Bắc đã tích cực ủng hộ chủ trương của Nhà nước và chính quyền, đồng cam cộng khổ vươn lên từng bước thoát đói, giảm nghèo, xây dựng căn cứ năm xưa thành một vùng trù phú.
 
Hiện nay, giao thông đi lại giữa các xã, vào tận các thôn, buôn; nối giữa Lộc Bắc, Lộc Bảo với các huyện lân cận trong tỉnh và tỉnh Đắk Nông được rải nhựa, phá vỡ thế cô lập, kết nối thuận tiện để nhân dân đi lại, sản xuất và giao thương hàng hóa; hệ thống trường học (mẫu giáo, mầm non, tiểu học, THCS) được xây dựng khang trang tại 2 xã; đặc biệt, năm học 2009-2010, Trường THCS và THPT Lộc Bắc được xây dựng và khai giảng đã giải quyết cho trên 300 học sinh là con em người DTTS Lộc Bắc, Lộc Bảo học tập (chấm dứt việc học sinh phải vượt núi, trèo đèo ra trung tâm huyện học tập). Các công trình công cộng, các thiết chế văn hóa: Trụ sở làm việc của 2 xã, Trạm y tế, Nhà văn hóa, Bưu điện văn hóa xã Lộc Bắc - Lộc Bảo; Trung tâm học tập cộng đồng... xây dựng khang trang, thiết bị hiện đại, phục vụ tốt công tác của cán bộ và đời sống vật chất, sinh hoạt văn hóa tinh thần cho nhân dân.
 
Từ khi chỉ có hơn 1.000 nhân khẩu của 2 xã (100% người Mạ); đến nay, Lộc Bắc, Lộc Bảo đã có 8 thôn, 11 buôn, có 2.356 hộ với 8.585 nhân khẩu của 8 dân tộc anh em (Mạ, Kơ Ho, Kinh, Tày, Nùng...) sinh sống thuận hòa. Thu nhập bình quân đầu người của nhân dân ở 2 xã đạt 23 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo (2 xã) còn khoảng 9,5% (hộ nghèo DTTS khoảng 12%); đặc biệt, đã có nhiều hộ DTTS nhờ thâm canh cây cà phê, chè, chăn nuôi trâu, bò thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/năm...
 
Rời Lộc Bắc dưới làn mưa trắng xóa, hai bên đường các công trình, nhà cửa, những vườn cà phê, cây trái của nhân dân nối nhau lùi dần sau tầm mắt. Đèo B40 uốn lượn qua những cánh rừng nguyên sinh mênh mông chợt dậy rì rào khi một cơn gió thổi qua. Tôi thầm nghĩ, dù vẫn còn khó khăn; song, “Căn cứ Bắc” năm xưa đang từng ngày “lột xác” trở thành vùng đất trù phú giữa đất trời Tây Nguyên xanh...
 
THANH DƯƠNG HỒNG