Về lại với đời thường

08:08, 23/08/2018

Thực tình tôi biết tên tuổi của ông đã khá lâu, gần một nửa thời gian trong hơn 40 năm làm công dân của thành phố Đà Lạt, tức là tính từ cuối năm 1976 cho đến nay. Đã là công dân một vùng, miền nào đó tất phải biết người lãnh đạo quản lý địa phương, ít ra là quan chức ở vị trí cao nhất

Thực tình tôi biết tên tuổi của ông đã khá lâu, gần một nửa thời gian trong hơn 40 năm làm công dân của thành phố Đà Lạt, tức là tính từ cuối năm 1976 cho đến nay. Đã là công dân một vùng, miền nào đó tất phải biết người lãnh đạo quản lý địa phương, ít ra là quan chức ở vị trí cao nhất. Đó là chuyện thường tình. Tuy nhiên, có người biết để làm quen với những ý định, mưu cầu riêng tư nào đó. Còn đối với nhiều người khác, trong đó có tôi, là biết để mà biết như một yêu cầu tự thân.
 
Vui thú đời thường. Ảnh: P.Nhân
Vui thú đời thường. Ảnh: P.Nhân

Tôi có nhiều thông tin hơn về ông từ thời điểm chuyển giao giữa hai thiên kỷ, từ sau Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Đà Lạt lần thứ VIII vào tháng 11/2000. Đại hội đã đề ra những mục tiêu, phương hướng cho Đà Lạt phấn đấu trong giai đoạn 5 năm 2000 - 2005. Đó là lần đầu tiên khẳng định ý muốn xây dựng Đà Lạt thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng của cả vùng, cả nước và quốc tế, trung tâm giáo dục đào tạo, huấn luyện và nghiên cứu khoa học của cả nước, là trung tâm sản xuất rau, hoa đặc sản phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu; xây dựng Đà Lạt thành một đô thị sạch, đẹp và văn minh. Đó là những ý tưởng tham vọng lớn và phải có một quyết tâm chính trị rất cao mới thực hiện được. Chính tại Đại hội này ông được bầu làm Bí thư Thành ủy với nhiệm vụ nặng nề là lãnh đạo toàn thành phố thực hiện mục tiêu đề ra. Chắc ông đã bỏ nhiều công sức, nhiệt huyết để thực hiện trách nhiệm của mình, qua đó đạt được tín nhiệm cao nên sang Đại hội IX của Đảng bộ thành phố vào tháng 9/2005 ông vẫn tiếp tục được bầu giữ chức Bí thư Thành ủy cho nhiệm kỳ 2005 - 2010. Chính tại Đại hội này, trong các mục tiêu, phương hướng tổng quát đã thấy đưa ra nội dung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và tiểu thủ công nghiệp. Đến giữa nhiệm kỳ, vào tháng 10/2007, theo sự phân công của Đảng, ông được điều động sang làm Trưởng ban Dân vận của Tỉnh ủy Lâm Đồng. Ông thực hiện trách nhiệm cho đến khi chính thức nghỉ hưu vào cuối năm 2015. Nói tới đây chắc mọi người dễ dàng nhận ra người mà tôi muốn nhắc đến là ai. Vâng, đó chính là ông Hà Phước Toản. Rời chính trường như một quan chức tầm cỡ giờ ông về lại với đời thường, vui sống dưỡng già, giai đoạn có thể được coi là hạnh phúc nhất của đời người!
 
Cũng giống như nhiều người khác, không biết tại sao tôi thường không có ý định bắt chuyện làm quen với các nhân vật có tiếng tăm khi họ đang hoạt động chính sự cũng như khi họ đã nghỉ hưu. Tôi cũng giữ một “khoảng cách tâm lý” như vậy với ông Toản.
 
Bất ngờ, vào giữa tháng bảy năm nay, tôi được tiếp cận với danh sách của tập thể, cá nhân tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của Đà Lạt do Ban Tuyên giáo Thành ủy giới thiệu. Danh sách bao gồm 100 cá nhân và đơn vị tập thể, trong đó có 44 người được nêu gương có thành tích xuất sắc trong phong trào người cao tuổi làm kinh tế giỏi giai đoạn 2014 - 2018. Thật đáng ngạc nhiên là người thứ 23 trong 44 người này là ông Hà Phước Toản, hội viên Chi hội Người cao tuổi ở tổ dân phố Quang Trung, Phường 9. Điều này thực sự đã làm dấy lên tính tò mò không thể cưỡng lại ở trong tôi, buộc tôi phải tìm hiểu. Đó chính là nguyên nhân việc tôi quyết định đến bấm chuông, gõ cửa nhà ông Toản để được gặp và làm quen với ông.
 
Khi tôi đến vào cuối giờ một buổi chiều tháng 7, rất may là ông vừa kết thúc việc hội họp với mấy đồng sự trong Ban lãnh đạo Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia của tỉnh Lâm Đồng mà ông là người sáng lập và Chủ tịch Hội.
 
Biết và thông cảm với mong muốn của tôi, ông Toản vui vẻ chia sẻ việc làm kinh tế của ông.
 
Theo ông, chuyện lao động sản xuất tạo ra chút ít sản phẩm nào đó như việc ông đang làm trong khuôn khổ quy mô của một hộ gia đình chẳng đáng được coi là làm kinh tế. Nhưng vì người ta đã quen dùng khái niệm này và áp dụng nó một cách đại trà nên mình chẳng phủ định làm gì. 
 
Khi tôi đề cập việc “làm kinh tế” mới của ông lúc đã nghỉ hưu và được người ta tôn vinh, ông liền ngỏ ý mời tôi cùng đi một chuyến xuống thăm khu đất khoảng một hecta của ông ở vùng ngoại thành. Chúng tôi thực hiện sự thỏa thuận ngay ngày hôm sau bằng chiếc xe ô tô con 4 chỗ của gia đình ông và ông tự lái.
 
Trời nắng đẹp. Chiếc xe bon bon chạy êm trên Quốc lộ 20, vượt qua Trại Mát và hướng thẳng đến Xuân Trường. Với ông, con đường này quá thân thương, quen thuộc ngay từ tuổi nhỏ. Ông thuộc mọi lối rẽ, khúc quanh, lúc lên cao, khi xuống dốc, nên cầm tay lái hết sức tự tin, lại tranh thủ kể cho tôi nghe những chiến tích của con đường trong thời đánh Mỹ. Cùng với tuyến đường sắt Phan Rang - Đà Lạt cũ, Quốc lộ 11 (nay chính là Quốc lộ 20 nối dài) là tuyến giao thông huyết mạch nối Đà Lạt với Đơn Dương, biến Trạm Hành, Xuân Trường thành cửa ngõ của Đà Lạt, chiếm vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng và giao lưu kinh tế của thành phố. Thời kỳ trước 1975 chính quyền Mỹ - Ngụy tìm mọi cách để bình định dân cư, kiểm soát và làm chủ con đường huyết mạch này. Dù chịu nhiều tổn thất về binh lính, địch cũng chỉ thực hiện được ý đồ này vào ban ngày. Người làm chủ thực sự vào ban đêm là quân dân ta.
 
Vào tháng Tư lịch sử năm 1975, ông Toản tham gia giải phóng Đơn Dương rồi ở đó trực tiếp làm công tác thanh niên, công tác tuyên huấn của Huyện ủy trong suốt 10 năm liền với các trọng trách ban đầu là Bí thư Huyện Đoàn và sau đó là Trưởng ban Tuyên giáo của Huyện ủy.
 
Chuyện kể của ông tạm dừng khi ông cho xe đỗ lại tại một vạt đất trống bên đường cạnh lối đi bộ vào rừng thông. Khu vực ấy hình như là vùng tiếp giáp giữa Xuân Thọ với Xuân Trường, thuộc Đất Làng, một trong 5 thôn của Xuân Trường. Con đường len giữa cánh rừng thông xanh dày dù đã được bê tông hóa nhưng rất nhỏ hẹp, hầu như chỉ vừa đủ cho xe máy chạy một chiều, nhiều chỗ đã hỏng, lộ ra nền đất. 
 
Vừa đi, ông Toản vừa tranh thủ cung cấp thông tin cho tôi về khu đất ông đang sử dụng. Ông có được nó do đăng ký với lâm nghiệp tham gia thực hiện Dự án Dịch vụ bảo vệ rừng của địa phương cách nay gần 5 năm. Với khả năng và tiềm lực của mình, ông nhận khoán lô đất rừng khoảng 1 hecta nằm hơi chênh vênh ở sườn núi, giữa khu đất bị chặt hết thông để trồng cà phê của một vài hộ dân với rừng thông nguyên sinh. Khi tiếp nhận, lô đất rừng còn ít thông lắm, dôi dư khá nhiều chỗ trống có nguy cơ bị các hộ dân tiếp tục lấn chiếm chặt thông, mở rộng đất sản xuất.
 
Là người có trọng trách với Đà Lạt khi còn đương chức ông luôn trăn trở với ý nghĩ làm sao để hạn chế, ngăn chặn nạn phá rừng, giữ cho được vốn rừng như là một trong những yếu tố có tính quyết định cho sự phát triển bền vững của thành phố. Càng suy nghĩ, ông càng nhận ra tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển kinh tế dưới tán rừng. Thổ nhưỡng và điều kiện thời tiết khí hậu ở Xuân Trường rất thích hợp cho việc trồng trà, cà phê giống Arabica và một số loại cây ăn trái như hồng, bơ. Lâu nay người nông dân địa phương chỉ quen với việc trồng trọt các loại cây này trên đất trống. Hầu như chưa ai dám trồng cà phê dưới tán rừng vì tin chắc đó như là việc “dã tràng xe cát” hoặc “ném tiền qua cửa sổ”.
 
Người khác không làm thế thì tại sao ta lại không thử làm. Ý nghĩ đó đã đến với ông Toản cùng với việc nhận khoán lô đất rừng để tiếp tục chăm sóc bảo vệ. Ông đã làm cái việc “động trời” là bỏ ra 300 triệu đồng dọn dẹp lô đất rừng có thông, trồng cà phê giống Arabica trên các luống đất vun theo đường đồng mức, giữ nguyên những cây thông vốn có, trồng dặm vào những chỗ trống gần 400 cây thân gỗ Kim ngân hoa, chỉ dùng độc một loại phân hữu cơ để bón cây và mỗi năm bón làm 4 đợt. Sau hai năm ông thu hoạch vụ đầu cà phê. Năng suất không cao nhưng khi pha chế để uống có cảm nhận chất lượng ngon hơn. Năm ngoái đã là vụ thứ hai. Tính ra ngoài vốn đầu tư ban đầu, mỗi năm mất thêm 40 triệu cho việc chăm bón. Bù lại mỗi vụ bán sản phẩm thu về được 80 triệu đồng. Nếu cứ suôn sẻ như vậy có lẽ chỉ 8 năm sau là ông thu hồi lại vốn, tiếp nữa là có lãi ròng.
 
Khi bước vào khu đất của ông, tôi thực sự ngỡ ngàng trước màu xanh của cây cối. Thật đẹp mắt thấy bên cạnh những cây thông cao, thân to khoảng một người ôm, lá xanh đậm là những cây Kim ngân hoa đã cao khoảng 6 - 7 mét, thân thẳng, đường kính 20 - 25 cm, lá nhỏ màu lấp lánh bạc, còn phía dưới chúng là những cây cà phê cao chừng một mét và chi chít quả, thể hiện sức sống tràn trề, hứa hẹn một vụ mùa bội thu.
 
Vì đứng ở trên cao nên khi dõi mắt nhìn xuống phía dưới thấp tôi nhận thấy vạt cà phê người ta trồng trên đất trống không được xanh tốt, có nhuộm sắc vàng, giống như bị thoái hóa. Liệu điều này có giúp cho ta khẳng định là mô hình trồng cà phê dưới tán rừng với cách chăm sóc thích hợp là một mô hình tốt. Cũng như ở xã hội loài người, thì ở xã hội loài cây, cây cối có thể chung sống với nhau một cách hòa hợp, tận dụng khai thác các ưu thế của nhau và hỗ trợ nhau cùng phát triển.
 
Tôi miên man với suy nghĩ như vậy khi theo ông Toản thăm ngôi nhà nhỏ đơn sơ dựng lên trên một khoảng đất trống cách lô đất khoán của ông không xa. Đó là ngôi nhà trệt, lợp tôn, rộng chừng ba bốn chục mét vuông nhưng cũng khá tiện nghi để ở. Có điện, có nước bơm từ giếng khoan, có bếp và dụng cụ nấu ăn, có căn gác thấp bằng gỗ để ngủ, có ti vi để xem, có sách báo để đọc. Đặc biệt ông chỉ cho tôi một căn phòng kho nho nhỏ ngay liền với bếp, nơi đựng khá đầy đủ các loại dụng cụ cần thiết để làm vườn, trồng cây. Qua đó, càng thấy ông sống và lao động như một nông dân thực thụ, trực tiếp lao động chân tay vất vả, đổ mồ hôi công sức đeo đuổi thực hiện niềm ham muốn mê say của mình.
 
Với ông, lao động sản xuất như một người nông dân thực thụ đã là gốc rễ, bản chất và truyền thống của gia đình. Ông có tập quán này như một lẽ tất nhiên. Ông đã được sinh ra trong một gia đình nghèo khó quê ở Điện Bàn, Quảng Nam mà lao động để kiếm sống là làm thuê, làm mướn. Cũng vì thế mà vào giữa những năm 50 của thế kỷ trước, bố của ông đã vào Đà Lạt làm thuê. Hai năm sau đó, lúc ông khoảng 5 tuổi, bố đã đón mẹ con ông vào sống cùng ở ngay cái làng có tên gọi là Xuân Sơn thuộc xã Xuân Trường hiện nay của Đà Lạt.
 
Ông nhớ rõ ngày ấy đi chân đất, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm vậy mà ngoài việc làm công mở mang đồn điền chè cho Sở Chè, bố mẹ ông đã bỏ bao công sức để khai phá đất hoang, tự tạo cho mình chút ít diện tích để trồng rau, trồng hoa. Nhờ vậy ông có điều kiện ăn học, lúc đầu với thầy dạy tư ở nhà riêng của thầy, dần dần vào trường làng rồi sau đó lên Đà Lạt học một mạch cho đến khi tốt nghiệp Tú tài 2 (khoảng lớp 12 bây giờ) vào năm 1972. Cách chỗ ở của gia đình hơn hai chục cây số, đi lại bằng phương tiện thô sơ khá vất vả nhưng cứ đến ngày nghỉ, ngày lễ là ông tức tốc tranh thủ về nhà giúp bố mẹ chăm sóc rau hoa. Việc ông thường làm buổi sáng là đi gánh nước tưới cây với hai thùng chứa nước có vòi hoa sen tổng cộng có đến 40 kí. Để tưới khắp lượt trên diện tích trồng rau hoa của gia đình, ông thường gánh khoảng 200 gánh nước mà lại phải đi đường dốc lên đồi xuống vực. Dù với sức vóc thanh niên mới lớn nhưng đó vẫn là một trong những công việc nặng nhọc nhất của nhà nông! Ông đã kiên trì làm việc này trong vòng 4 năm ngay cả khi đã là sinh viên học Cao đẳng Sư phạm ở Đà Lạt. Thế nên, chẳng lạ gì khi đã là người cán bộ Nhà nước trong hệ thống công quyền ông vẫn duy trì niềm say mê lao động chân tay, tranh thủ lúc rảnh rỗi hiếm hoi để chăm sóc mấy chục chậu hoa, cây cảnh được bố trí gần như phủ kín diện tích không lớn xung quanh căn nhà của gia đình ông ở Phường 9, Đà Lạt. Kết quả lao động của ông và gia đình không chỉ mang lại cảnh quan đẹp, điều mà chính quyền Phường 9 đã không ít lần xác nhận trong các cuộc thi xanh, sạch, đẹp cho các hộ dân cư của phường, mà qua đó gia đình ông còn nhận được những giải thưởng cao của phường, của thành phố. Quan trọng hơn hết là ông có sản phẩm cho thị trường và có thêm những thu nhập đáng kể. Nghe đồn, có năm vào dịp tết ông thu lợi gần trăm triệu đồng từ việc bán các chậu địa lan và cây cảnh của mình.
 
Nhân cùng đi xuống Xuân Trường vào dịp đó, tôi tranh thủ tìm hiểu thêm về những hoạt động xã hội mà ông vẫn đang hết sức nhiệt tình tham gia và cũng chiếm một phần thời gian đáng kể ở tuổi nghỉ hưu. Ông cho biết, thực sự là ông đã được đào tạo khá cơ bản về công tác thanh vận qua việc được học tập hai năm rưỡi ở trường của Trung ương Đoàn Thanh niên tại Đống Đa, Hà Nội những năm 1978 - 1980, rồi sau đó được cử đi học tiếp gần một năm ở Trường Cao đẳng Thanh vận mang tên Wilhem Pich ở Berlin thuộc Cộng hòa Dân chủ Đức từ giữa năm 1981 sang 1982. Với vốn kiến thức ban đầu đó cộng thêm với việc tự đào tạo, tự bồi dưỡng của quá trình nhiều năm làm công tác thanh niên, công tác dân vận, dân tộc và tôn giáo đã cho ông có điều kiện tiếp xúc với nhiều tầng lớp cư dân khác nhau trong xã hội, tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong hoạt động xã hội. Ông trở thành người quảng giao, có nhiều đầu mối quan hệ, nhiều bạn bè, đồng chí và mối liên hệ giữa ông và họ vẫn được duy trì, phát huy và phát triển.
 
Với sự cởi mở chân thành, biết lắng nghe, biết chia sẻ, ông dễ dàng tiếp xúc, chuyện trò với các giáo chức, các già làng, trưởng bản. Từ đó, tạo được mối nhân duyên thân thiện đến mức họ không ngần ngại mời ông có mặt trong nhiều sự kiện xảy ra với cuộc sống riêng tư của họ, của gia đình họ vào dịp lễ, tết, cưới xin hay tang lễ.
 
Với nhân dân thôn Xuân Sơn, xã Xuân Trường, ông như người thân ruột thịt của đại gia đình không chỉ vì đó là quê hương thứ hai, không chỉ vì ở đó có anh chị em của gia đình ông, của gia đình bên vợ ông đang sinh sống cùng con cháu của họ. Ông luôn coi mình vừa có trách nhiệm, vừa có nghĩa vụ, đồng thời vừa là niềm vui, niềm hạnh phúc được góp sức mình một cách thiết thực, có hiệu quả cho việc xây dựng và phát triển toàn diện vùng đất anh hùng này theo tiêu chí nông thôn mới giàu đẹp bền vững. Ông chia sẻ với tôi những trăn trở cũng như mong ước là trong tương lai không xa Xuân Trường trở thành một trong những điểm sáng của Đà Lạt cả về cảnh quan thiên nhiên, cả về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, là nơi thu hút nhiều du khách đến với du lịch sinh thái, du lịch làm nông, du lịch nghỉ dưỡng để tiếp nối với Xuân Thọ trong chuỗi làng nông nghiệp xanh.
 
Khi tìm hiểu nguyên do từ đâu mà ông lại đứng ra sáng lập Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia của tỉnh Lâm Đồng, được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội ngay khi Hội được chuẩn y thành lập vào năm 2016, tôi mới được biết ngọn ngành. Thì ra ông đã có gần 4 năm làm công tác ở đất bạn Campuchia từ cuối 1985 cho đến hết 1988, là thành viên Đoàn chuyên gia Việt Nam 40 người về các lĩnh vực. Ông làm chuyên gia cho tỉnh Xiêm Riệp về công tác quần chúng. Ông Toản tâm sự là ông học tiếng Campuchia khá nhanh, do đó hầu như vượt qua hàng rào ngôn ngữ và giao dịch với bạn khá thuận lợi. Vào những năm đó, tình hình an ninh của đất nước Chùa Tháp chưa ổn định, tàn tích của thế lực Pôn Pốt vẫn còn, thậm chí chúng còn treo thưởng cho những ai hãm hại, giết chết chuyên gia Việt Nam. Trong lòng dân, trong vòng tay bè bạn, ông Toản và các thành viên của mình hoàn thành vẻ vang trách nhiệm, sứ mạng được giao phó. Sau khi kết thúc nhiệm vụ, vào năm 1989 ông Toản được Chủ tịch Heng Somrin của Campuchia trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba của đất nước Chùa Tháp. Có dịp về thăm Xiêm Riệp vào tháng 4/2018 trên cương vị mới, ông Toản được đông đảo bạn bè đón tiếp như đón người thân ruột thịt xa nhà lâu ngày trở lại.
 
Thời gian được làm quen với ông Toản còn quá ngắn, chắc chắn là còn nhiều chuyện về ông mà tôi chưa được biết. Tuy nhiên, qua những mảnh vụn cứ liệu thông tin rời rạc có được bằng cách tự tìm hiểu và bằng sự chia sẻ cởi mở của ông, tôi đã có thể tạo dựng cho mình hình ảnh hiếm hoi của một quan chức sau khi rời chính trường đã về lại đời thường với cách sống ung dung tự tại như thế nào. Đó thực sự là một hình ảnh đẹp. Tôi tự nhận thấy không có lý do nào để không cảm phục, mến mộ ông!
 
Ký sự: MỘNG SINH