Xây dựng văn hóa đọc cho học sinh vùng xa

08:08, 24/08/2018

Bằng nhiều hình thức phong phú và đa dạng, gần một năm qua, mô hình Thư viện thân thiện ở Trường Tiểu học Lộc An C - huyện Bảo Lâm đã phát huy hiệu quả trong việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc cho học sinh. 

Bằng nhiều hình thức phong phú và đa dạng, gần một năm qua, mô hình Thư viện thân thiện ở Trường Tiểu học Lộc An C - huyện Bảo Lâm đã phát huy hiệu quả trong việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc cho học sinh. 
 
“Làm giàu” thư viện
 
Đến Trường Tiểu học Lộc An C, điểm thu hút tầm mắt nhất không phải là tán cây xanh hay dãy lớp học mà là những quyển sách. Trong khuôn viên trường tuy không rộng lớn nhưng sách có mặt khắp mọi nơi: trong lớp học, ngoài hành lang, dưới vườn trường... Và từng nhóm học sinh say sưa đọc sách, truyện đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong các giờ ra chơi ở trường. Đó là kết quả của việc triển khai mô hình thư viện thân thiện kết hợp cùng thư viện xanh và góc đọc trong lớp mà nhà trường thực hiện từ năm học 2017-2018.
 
Thư viện thân thiện của Trường Tiểu học Lộc An C hiện có hơn 3.100 đầu sách được nhà trường trang bị chỉ trong một năm qua. Trong đó, hơn 400 quyển truyện được học sinh tự nguyện đóng góp để “làm giàu” cho kho tàng tri thức này. “Con mang đến đóng góp vào thư viện 10 quyển truyện. Các bạn trong lớp con cũng vậy, ai có truyện cũng mang đến để có thêm nhiều loại truyện cho tất cả cùng đọc. Đọc sách truyện con biết thêm nhiều thứ, nhất là tìm hiểu về lịch sử của đất nước, các bài học về tình bạn...”, Trần Thị Như Mai - học sinh lớp 5A2 bộc bạch. 
 
Theo cô Hiệu trưởng Võ Thu Thảo, thuận lợi của nhà trường là được thụ hưởng dự án “Mô hình trường học mới” nên hệ thống thiết bị, đồ dùng dạy học được trang bị khá đầy đủ, từ đó làm nền tảng cho việc triển khai xây dựng thư viện thân thiện. Tuy nhiên, hoạt động của thư viện truyền thống trước đây vẫn còn nhiều hạn chế như diện tích chưa đủ rộng, sắp xếp chưa khoa học, ít sách báo, truyện tranh, tài liệu, sách không phân loại theo trình độ học sinh... nên chưa lôi cuốn các em đến tìm hiểu và đọc sách. 
 
Trước thực trạng đó, nhà trường đã tham mưu với chính quyền địa phương cũng như vận động sự hợp tác, hỗ trợ của phụ huynh học sinh trong việc cải thiện cơ sở vật chất, phòng đọc, bổ sung nguồn sách... để xây dựng thư viện thân thiện. Từ đó, một không gian thư viện rộng rãi, thoáng mát được trang trí bắt mắt cùng việc trang bị kệ sách, thiết bị ánh sáng, bàn ghế với nhiều chủng loại bản sách đã trở thành nơi hấp dẫn thu hút học sinh mỗi giờ ra chơi. 
 
Phong phú hoạt động thư viện
 
Để việc đọc và tìm hiểu sách truyện của học sinh không thụ động như trước đây, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Lộc An C khuyến khích tất cả các thành viên trong nhà trường tham gia xây dựng thư viện thân thiện. “Chúng tôi có sự thay đổi trong việc sắp xếp, lưu trữ sách cũng như chủ động hơn trong việc giới thiệu sách mới, theo chủ đề, chủ điểm; đồng thời, phối hợp với giáo viên chủ nhiệm tổ chức các tiết đọc sách và giúp giáo viên trong việc hướng dẫn học sinh đọc sách có nề nếp, tuân thủ nội quy...”, chị Phạm Thị Dẫn - nhân viên thư viện Trường Tiểu học Lộc An C cho biết. 
 
Bên cạnh đó, giáo viên cũng được nhà trường xác định là những cộng tác viên thư viện hướng dẫn học sinh cách đọc sách sao cho khoa học và hiệu quả. “Giáo viên sau mỗi bài học luôn giới thiệu cho học sinh những tài liệu cần đọc hiện có trên thư viện, những tài liệu bổ trợ, nâng cao mà các em cần đọc. Đồng thời, giúp học sinh nhận thức được khi có một cuốn sách hay thì cần phải đọc như thế nào cho hiệu quả, cách sắp xếp sách khoa học sau khi đọc, cách tóm tắt nội dung cuốn sách và ghi lại những tri thức cần thiết có trong sách”, cô Nguyễn Thị Hài Hòa - giáo viên chủ nhiệm lớp 5A2 chia sẻ.
 
Ngoài không gian thư viện thân thiện, Trường Tiểu học Lộc An C còn có các góc sách trong mỗi lớp học từ khi thực hiện mô hình trường học mới. Không những vậy, các giờ ra chơi còn có những tủ sách lưu động được luân chuyển dọc hành lang và trong khuôn viên sân trường như một thư viện xanh giúp học sinh có thể đọc sách mọi lúc mọi nơi. Ngoài các tiết đọc tập trung ở thư viện thì trong tuần mỗi lớp sẽ dành 15 phút đầu giờ đọc tại lớp với hình thức thay đổi như giáo viên đọc cho học sinh nghe, học sinh đọc cho học sinh nghe, đọc trong nhóm, đọc cá nhân... Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức hoạt động ngoại khóa “Ngày hội đọc sách” với nhiều hoạt động phong phú như tuyên truyền sách, trưng bày, triển lãm sách, quyên góp sách và tổ chức các cuộc thi như thi giới thiệu sách, thi vẽ tranh theo sách, thi viết cảm thụ về sách, thi xếp sách nghệ thuật... 
 
“Bằng việc tổ chức các hoạt động phong phú, đa dạng trong thư viện thân thiện đã lôi cuốn học sinh tham gia đọc sách, hình thành thói quen đọc sách, học sinh biết vận dụng những nội dung đọc vào bài học, vào cuộc sống. Qua đó, văn hóa đọc của học sinh trong toàn trường đã được cải thiện tích cực, chất lượng dạy và học cũng được nâng lên rõ nét, đặc biệt đối với môn Tiếng Việt”, Hiệu trưởng Võ Thu Thảo khẳng định. 
 
TUẤN HƯƠNG