Xã hội hóa bảo vệ môi trường ở Ðức Trọng

08:08, 06/08/2018

Huyện Ðức Trọng có tổng diện tích tự nhiên hơn 90.362 ha, chiếm khoảng 9,23% diện tích tự nhiên toàn tỉnh; dân số (năm 2016) khoảng 180.459 người, chỉ sau thành phố Ðà Lạt; mật độ bình quân 200 người/km2, đứng thứ 3 của tỉnh… Hóa giải những áp lực về môi trường, Ðức Trọng đã xây dựng và phát huy có hiệu quả những mô hình xã hội hóa bảo vệ môi trường (BVMT). 

Huyện Ðức Trọng có tổng diện tích tự nhiên hơn 90.362 ha, chiếm khoảng 9,23% diện tích tự nhiên toàn tỉnh; dân số (năm 2016) khoảng 180.459 người, chỉ sau thành phố Ðà Lạt; mật độ bình quân 200 người/km2, đứng thứ 3 của tỉnh… Hóa giải những áp lực về môi trường, Ðức Trọng đã xây dựng và phát huy có hiệu quả những mô hình xã hội hóa bảo vệ môi trường (BVMT). 
 
Các cơ quan và nhân dân huyện Đức Trọng cùng ra quân bảo vệ môi trường. Ảnh: M.Đ
Các cơ quan và nhân dân huyện Đức Trọng cùng ra quân bảo vệ môi trường. Ảnh: M.Đ

Áp lực về môi trường 
 
Ngoài những đặc điểm nêu trên, Đức Trọng còn là địa phương trung tâm của tỉnh, 3 quốc lộ đi qua (20, 27, 28), giáp nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh.  Huyện có 15 đơn vị hành chính, gồm 1 thị trấn và 14 xã; có khu công nghiệp (KCN) lớn của tỉnh Lâm Đồng; có chợ đầu mối giao thương lớn nhất tỉnh… UBND huyện Đức Trọng đã nhận định được một số nguồn gây ô nhiễm chính môi trường (MT) tại huyện như: KCN Phú Hội; trang trại chăn nuôi, chăn nuôi quy mô hộ gia đình; chất thải rắn sinh hoạt các khu dân cư nông thôn tập trung... Trung bình mỗi ngày Trung tâm Quản lý và Khai thác công trình công cộng huyện này thu gom khoảng 80 tấn rác thải trên địa bàn 10/15 xã, thị trấn. Huyện có bãi rác mở 2 ha tại thôn Pré, xã Phú Hội với lượng rác chôn lấp khoảng 36.500 m3/năm. Mặt khác, khối lượng chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn huyện tương đối lớn; chủ yếu là chất thải y tế nguy hại, bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), chất thải nguy hại của KCN,...
 
Trưởng Phòng TN&MT huyện Đức Trọng Phạm Quang Trường cho biết: Qua phân tích đánh giá và báo cáo công tác BVMT hàng năm, huyện Đức Trọng đã nhận dạng được một số vấn đề MT chính, gây bức xúc như tình hình ô nhiễm MT nước, không khí và đất do chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp đang diễn ra phức tạp; khối lượng rác thải ngày càng nhiều nhưng tỷ lệ thu gom nhiều địa bàn còn thấp đã gây ảnh hưởng đến MT sống của cộng đồng dân cư nói riêng và MT tự nhiên nói chung. Cùng đó, lượng nước thải thải ra MT ngày càng lớn, đặc biệt là nước thải sinh hoạt tại trung tâm các xã, thị trấn, nước thải công nghiệp từ KCN, nước thải sản xuất của một số doanh nghiệp và nước thải từ hoạt động của hệ thống chợ trên địa bàn, dẫn đến nguy cơ ô nhiễm một số nguồn nước mặt, không khí và đất. Ô nhiễm MT nghiêm trọng còn từ cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm với số lượng lớn và từ các lò mổ gia súc, gia cầm tự phát. Việc lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, thuốc kích thích sinh trưởng trong nông nghiệp làm cho một số diện tích đất canh tác có nguy cơ suy thoái…
 
Giải pháp xã hội hóa
 
Đáp ứng công tác quản lý MT trên địa bàn huyện, nhân sự lĩnh vực MT có 2 công chức chuyên môn phụ trách quản lý về MT và khoáng sản cấp huyện, 15 công chức địa chính kiêm nhiệm quản lý MT cấp xã. Để đảm bảo các hoạt động quản lý MT, hàng năm huyện Đức Trọng chi 560 triệu đồng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách huyện. Cụ thể, Phòng TN&MT có trách nhiệm trước UBND huyện xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, triển khai và kiểm soát thực hiện. Kinh phí thực hiện các nội dung như công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về BVMT đến các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân; nâng cao vai trò, trách nhiệm và nhận thức của nhân dân BVMT; gắn việc giữ gìn bảo vệ vệ sinh MT với phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa và cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới…  
 
Ghi nhận lớn nhất là việc xây dựng 15 mô hình Câu lạc bộ (CLB) Thanh niên xung kích BMVT từ năm 2015 đến nay. 
 
Mỗi CLB gồm 20 đoàn viên, thanh niên, có sự tham gia phối hợp của nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp. Quý I hàng năm, các CLB được Phòng TN&MT trang bị vật dụng như máy cắt cỏ, cuốc, xẻng, dao, rựa phát, xe thu gom rác... Hàng tháng, CLB xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể như ra quân thu dọn vệ sinh MT dọc các tuyến đường, các điểm thường xuyên phát sinh rác thải, thu gom bao gói thuốc BVTV, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, trồng cây, chăm sóc cây xanh; tuyên truyền, nâng cao ý thức BVMT cho cộng đồng... Mỗi tháng ra quân 1 lần; tháng 3 và thời điểm giáp tết ra quân 2-3 lần trước sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cán bộ Huyện Đoàn. Các CLB thanh quyết toán và nhận trực tiếp tiền mặt theo từng quý tại Huyện Đoàn với số tiền đã hỗ trợ thực hiện đến nay khoảng 800 triệu đồng. Ngoài ra, từ năm 2009 đến nay, Đức Trọng triển khai mô hình bể thu gom, xử lý thuốc BVTV tại đồng ruộng tại 7 xã, thị trấn, do các hộ nông dân tham gia. Năm 2010 và 2013, huyện tiếp tục xây dựng 11 hệ thống xử lý nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh tại các trường học, điểm công cộng, khu dân cư do người dân và học sinh các xã như Bình Thạnh, Đa Quyn, Ninh Gia, Phú Hội, Tà Hine và thị trấn Liên Nghĩa tham gia và thụ hưởng; tổng kinh phí thực hiện 370 triệu đồng. Từ năm 2016 đến nay, Phòng TN&MT tiếp tục trang bị thùng chứa rác, bao nilon, cân đồng hồ và các trang thiết bị liên quan với kinh phí 60 triệu đồng để người dân xã Tà Năng tự thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn…
 
Tiêu chí môi trường huyện nông thôn mới 
 
Với các mô hình xã hội hóa BVMT, huyện Đức Trọng chuyển biến và thành công rõ nhiều mặt: nhận thức, ý thức của người dân nâng lên; MT ngày càng được cải thiện, hầu hết đã đạt các tiêu chí về MT trong xây dựng nông thôn mới; điển hình là xã Phú Hội… Dĩ nhiên, với đặc điểm như đã nêu, Đức Trọng còn phải đối diện những khó khăn và thách thức như: tình trạng ô nhiễm MT vẫn còn diễn ra tại một số địa phương; cơ sở chăn nuôi, nhận thức của người dân về công tác BVMT chưa cao, công tác tuyên truyền MT cấp cơ sở còn hạn chế; doanh nghiệp chỉ chú trọng tăng trưởng kinh tế, hiệu quả trước mắt, khai thác tài nguyên quá mức, thiếu bền vững, MT bị ô nhiễm... Trưởng phòng Phạm Quang Trường cho biết, huyện tiếp tục tổ chức hoạt động tuyên truyền giáo dục ý thức BVMT thường xuyên; thực hiện các chương trình như liên tịch phối hợp hành động cùng Mặt trận, các đoàn thể; gắn BVMT với phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa, xây dựng nông thôn mới; triển khai thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; hoàn thiện và nâng cao tiêu chí 17 về MT; tăng cường năng lực chuyên môn cho cán bộ phụ trách công tác BVMT cấp xã… Đức Trọng phấn đấu thực hiện thành công chỉ tiêu từ Nghị quyết XII của Huyện ủy và Kế hoạch 70 của UBND huyện: trên 98% rác thải đô thị, trên 95% rác thải nông thôn và 100% rác thải y tế được thu gom và xử lý; 100% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 70-80% dân cư đô thị được sử dụng nước sinh hoạt đạt chuẩn và 99,9% hộ dân được sử dụng điện...
 
MINH ÐẠO